Những ngày đầu tháng 1 trời rét buốt kèm mưa phùn, con đường nhỏ dẫn vào khu đầm nhà ông Đoàn Văn Vươn (xã Vinh Quang, Tiên Lãng, Hải Phòng) trơn trượt, hai bên cỏ dại mọc dày. Những hàng chuối từng bị chặt phá giờ đã được trồng lại. Dấu tích của cuộc cưỡng chế chấn động cách đây tròn một năm là nền gạch vụn hai căn nhà của anh em chủ đầm.
* Ảnh: Cuộc sống gia đình ông Đoàn Văn Vươn |
Bà Nguyễn Thị Thương và Phạm Thị Hiền (vợ ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý) hiện sống trong lều tạm chừng 20 m2 dựng bằng cọc tre, tường và mái quây bằng các tấm fibro xi măng. Thấy khách tới, lũ trẻ đang cuộn tròn trong góc nhà nhổm dậy, lễ phép chào. Nằm trơ trọi giữa đồng tôm hàng chục ha, căn lều nhỏ không thể cản nổi những cơn gió lạnh buốt từ phía biển thốc vào. Khi đã ngồi bệt trên chiếc chiếu mỏng, bà Hiền rót chén trà mời khách, tư lự: "Một năm mà nhà em tưởng như cả đời, lâu quá bác ạ".
Căn nhà tuềnh toàng của người thân ông Vươn, nơi bà Thương, bà Hiền cùng 4 đứa trẻ sinh sống. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Sau biến cố của gia đình, hai người phụ nữ gầy gò trở thành chỗ bấu víu của 4 đứa trẻ. Họ phải quản lý 40 ha đầm bãi, chạy đôn đáo khắp nơi tìm mọi cách để chứng minh những người đàn ông của gia đình vô tội. Không giữ được vẻ rắn rỏi như người em, bà Thương xanh xao, gầy sọp. Sau thời gian dài mất ngủ, bà được xác định mắc chứng trầm cảm nặng. "Ba tháng nay chị Thương phải điều trị bằng cả thuốc bắc lẫn châm cứu. Nhiều khi chị ấy cứ ngồi thẫn thờ nhìn ra đồng", bà Hiền cho hay.
Điều khiến hai chị cảm thấy được an ủi là sự động viên, giúp đỡ của Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ Tiên Lãng, những nhà hảo tâm khắp nơi... Lũ trẻ vẫn ngoan ngoãn, chăm lo học hành. "Hết học kỳ vừa rồi, kết quả học tập của các cháu vẫn tốt. Hơn nữa, thầy cô, bạn bè không xa lánh, kỳ thị các cháu", chị Hiền hồ hởi.
Thiếu nhân lực, hầu hết diện tích đầm tôm của nhà ông Vươn vẫn chưa được nuôi trồng trở lại. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Cũng nhờ sự động viên của mọi người, người nhà ông Vươn bắt đầu trở lại "làm đồng", nuôi thả 2.000 con cá vược, 5.000 con cua. Nhưng vì không có nhân lực, các chị đành để số thủy sản này phát triển tự nhiên chứ không chăm được như trước. Đời sống kinh tế của gia đình vì thế gần như không có gì cải thiện so với thời điểm sau cưỡng chế.
Nhận thông tin mới về bản kết luận điều tra của Công an Hải phòng, bà Hiền, bà Thương "vẫn tin gia đình mình không có tội". Còn quyết định khởi tố cựu Chủ tịch Tiên Lãng Lê Văn Hiền về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, gia đình bà Hiền và Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ Tiên Lãng đều cho là quá nhẹ, không phản ánh đúng tội trạng.
Theo ông Vũ Văn Luân, Thư ký Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ Tiên Lãng, một năm sau vụ cưỡng chế đầm tôm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, nhiều chủ đầm đã tái đầu tư sản xuất. Để chứng minh, ông Luân hăng hái phóng xe đi khắp đầm tôm dẫn đường.
Sau vụ việc của ông Vươn, nhiều chủ đầm đã mạnh dạn đầu tư sản xuất trở lại. Trong ảnh là ông Hoàng Văn Tin với 23 ha đầm bãi vừa được bồi đắp, gia cố bờ bao. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Mạnh dạn nhất phải kể đến ông Hoàng Văn Tin, chủ 23 ha đầm ở xã Tây Hưng. Vài ngày trước, 4 anh em ông đã đầu tư 600 triệu đồng (trong đó 200 triệu đi vay) để đắp lại toàn bộ bờ bao, chuẩn bị nuôi thả sau 6 năm đình trệ. Những bờ bao cao vượt, vững chãi gấp nhiều lần trước kia mọc lên quanh khu đầm rộng ngút tầm mắt.
Ông Tin cho hay, đây là lần đầu tư lớn đầu tiên của gia đình kể từ khi huyện yêu cầu dừng sản xuất. Nhiều năm qua, ông và nhiều chủ đầm ở Tiên Lãng đã lao vào cuộc chiến pháp lý với UBND huyện để giành lại quyền được sản xuất trên mảnh đất họ đã bỏ cả chục năm khai phá. Nhiều hộ dân ở các xã ven biển của huyện Tiên Lãng cũng nhận quyết định giao đất nuôi trồng thủy sản với nhiều thời hạn, không ai được giao đúng 20 năm theo quy định của Luật đất đai.
"Chúng tôi nhận giao đất từ khi cả khu vực ngoài đê chỉ toàn bãi hoang, bỏ cả tuổi thanh xuân đánh vật với trời đất, vậy mà huyện đòi thu hồi đất không đền bù bất cứ thứ gì cho công sức đó", ông Tin nhớ lại.
Chung tâm trạng khấp khởi, các chủ đầm gần đó như Nguyễn Thế Chuyên, Nguyễn Bá Độ... đã thuê máy móc về bồi đắp, gia cố bờ bao. "Từ 2004, tôi không dám làm gì. Sau vụ việc của anh Vươn, chúng tôi mới có niềm tin trở lại, có tinh thần để sản xuất", ông Chuyên khẳng định.
Nhiều chủ đầm cho hay, nếu được giao đất ổn định, họ sẽ yên tâm đầu tư, cải tạo đầm bãi và chuyển dần theo hướng nuôi công nghiệp để tăng năng suất, tránh cách làm quảng canh phập phù như trước.
"Tiên Lãng nghĩa là nơi đầu sóng. Sau một năm kể từ ngày xảy ra vụ việc ở đầm tôm nhà anh Vươn, chúng tôi mong muốn không nơi đâu trên đất nước này xảy ra bi kịch tương tự. Còn những người khai hoang, lấn biển sẽ được đánh giá đúng công sức của mình", ông Vũ Văn Luân trầm tư.
Gần một năm điều tra vụ án Đoàn Văn Vươn, ngày 28/12/2012, Công an Hải Phòng đã ra kết luận điều tra, đề nghị truy tố ông Vươn cùng Đoàn Văn Sinh (55 tuổi) và Đoàn Văn Vệ (38 tuổi), Đoàn Văn Quý (46 tuổi) về tội Giết người. Cả 4 người đang bị tạm giam. Phạm Thị Báu (tức bà Hiền, 30 tuổi, vợ bị can Quý), Nguyễn Thị Thương (42 tuổi, vợ bị can Vươn) bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội Chống người thi hành công vụ. Chiều 2/1, thượng tá Phạm Duy Diên, Chánh văn phòng kiêm Người phát ngôn Công an TP Hải Phòng cho biết, cơ quan cảnh sát điều tra vừa ký quyết định khởi tố bị can đối với ông Lê Văn Hiền, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng để điều tra, xử lý về hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo điều 285 của Bộ luật Hình sự. Ông Hiền được cơ quan điều tra cho tại ngoại. |
Nguyễn Hưng