Những chính sách này đã được đề cập trong đề án phát triển lúa gạo bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2015 và 2020, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng. Trong đề án, Bộ đề nghị trước hết cần điều tra hiện trạng đất lúa, đối chiếu với dự báo về an ninh lương thực đến năm 2015, 2020 và đến khi dân số ổn định để xác định diện tích đất lúa phải được bảo vệ.
![]() |
Khu đô thị đang lấn dần đất trồng lúa. Ảnh: Hoàng Hà. |
Bước thứ hai là phân loại đất lúa. Loại sản xuất tốt nhất (vẫn gọi là bờ xôi ruộng mật) cần được bảo vệ nghiêm ngặt lâu dài, không được chuyển đổi cho bất cứ mục đích sử dụng nào khác. Loại đất sản xuất lúa hiệu quả trung bình, có đầu tư thủy lợi thì chỉ được chuyển đổi sang chuyên trồng cây lương thực, thực phẩm ngắn ngày hoặc cây thức ăn chăn nuôi. Đất sản xuất lúa kém hiệu quả, không nằm trong quy hoạch đầu tư thủy lợi thì mới được chuyển đổi.
Bộ Nông nghiệp cũng đề xuất thay đổi cơ chế theo hướng Chính phủ và Quốc hội thống nhất giám sát, quản lý và chuyển đổi đất lúa, thay vì giao thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử đất cho UBND tỉnh thành, huyện thị xã theo như Luật đất đai 2003. Bộ cũng đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người trồng lúa chuyên canh khi thu nhập từ lúa giảm sút.
Theo Bộ Nông nghiệp, năm 2006, diện tích đất trồng lúa của cả nước là 4,1 triệu ha, giảm 316.000 ha so với năm 2000. Tính bình quân mỗi năm giảm khoảng 50.000 ha đất lúa. Vùng giảm mạnh nhất là đồng bằng sông Cửu Long với 175.000 ha đất, kế đến là Đông Nam Bộ 51.000 ha và đồng bằng sông Hồng giảm 36.000 ha.
"Sự mất đất lúa vĩnh viễn không thể phục hồi là nguy cơ lớn nhất đe dọa an ninh lương thực của Việt Nam", các chuyên gia khởi thảo đề án nhận định. Ngoài ra, việc sản xuất lúa gạo thời gian tới còn chịu thách thức từ sự biến đổi khí hậu toàn cầu, sự chuyển dịch lao động nông thôn ra thành thị, sự tăng giá xăng dầu, vật tư nông nghiệp và việc đầu tư cho nghiên cứu, phát triển lúa vẫn chưa xứng tầm...
Đất giảm, sản xuất lúa khó khăn, trong khi đó dân số tăng trung bình mỗi năm 1,2%. Năm 2007, dân số Việt Nam là 85 triệu người, dự báo năm 2015 là 93 triệu người và đến 2020 sẽ là 98 triệu. Tuy người dân ngày càng ăn ít gạo, nhưng với quy mô dân số tăng, nhu cầu cho chăn nuôi, công nghiệp chế biến và dự trữ liên tục gia tăng thì tổng lượng lúa gạo của cả nước cũng phải tăng theo.
Giảm dần lượng gạo xuất khẩu Sản lượng lúa năm 2007 là 35,9 triệu tấn, trong đó tiêu dùng trong nước 27,6 triệu tấn (gồm để giống, hao hụt, thức ăn chăn nuôi, ăn và dự trữ), xuất khẩu 8,3 triệu tấn lúa (tương đương 4,5 triệu tấn gạo). Mặc dù theo dự báo đến năm 2020, sản lượng lúa tăng dần đến 39,6 triệu tấn, nhưng để đảm bảo an ninh lương thực trong nước, Bộ Nông nghiệp đề nghị lượng gạo xuất khẩu giảm dần xuống 4,4 triệu tấn vào 2010; 4,3 triệu tấn vào 2015 và 3,8 triệu tấn vào năm 2020. |
Hồng Khánh