Theo nghị quyết, Hội đồng bầu cử được thành lập để phụ trách tổ chức việc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá 13 và bầu cử đại biểu HĐND các cấp.
Hội đồng gồm 21 người, chủ tịch là ông Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội. 3 phó chủ tịch gồm: bà Tòng Thị Phóng, Phó chủ tịch Quốc hội; ông Nguyễn Sinh Hùng, Phó thủ tướng; bà Nguyễn Thị Doan, Phó chủ tịch nước và ông Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam.
Trong 16 ủy viên Hội đồng bầu cử có bộ trưởng Quốc phòng, Công an, Nội vụ, đại diện một số hội, đoàn thể.
Người dân đọc tiểu sử ứng cử viên tại cuộc bầu cử Quốc hội khóa 12. Ảnh: Hồng Khánh. |
Hội đồng bầu cử thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật về bầu cử và hết nhiệm vụ sau khi bàn giao hồ sơ cuộc bầu cử cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13.
Trước đó, trong chỉ thị về lãnh đạo cuộc bầu cử, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng có kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể việc chuẩn bị những điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử; bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.
Người được giới thiệu vào danh sách ứng cử phải có năng lực và điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, thường xuyên liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhân dân, không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, luôn bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân yêu mến, tín nhiệm.
Xuân Hoa