Theo chỉ đạo của UBND thành phố, các nhà thầu cầu thi công đến đâu, thu dọn đất thải, vật liệu thừa đến đó để đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn giao thông.
Còn Sở Giao thông Vận tải phải kiểm tra việc khớp nối hạ tầng kỹ thuật, thoát nước trên tuyến với các dự án liên quan, đảm bảo việc thoát nước của các cơ quan, đơn vị và nhân dân trước mùa mưa, đồng thời khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thiết kế hạng mục thoát nước bẩn trên toàn tuyến.
Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu, trong quá trình thi công, UBND huyện Từ Liêm phải phối hợp với Sở Giao thông để đảm bảo đồng bộ, khớp nối hạ tầng kỹ thuật, thoát nước trên tuyến và giải phóng mặt bằng, thu hồi phần diện tích bổ sung...
Khi hoàn thành, con đường sẽ rộng 50 mét với 8 làn xe, nhưng hiện tại, thực trạng mà người dân đang phải đối mặt là: Ngày nắng thì bụi, ngày mưa thì lầy lội. Ảnh: Quang Xuân. |
Trước đó, tháng 9/2010, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã đi thị sát việc thi công quốc lộ 32 - "con đường đau khổ" bậc nhất thủ đô, lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân và trực tiếp giải quyết thắc mắc ngay tại chỗ.
Cũng tại buổi làm việc này, đại diện Sở Giao thông Vận tải cho hay, nếu những vướng mắc về mặt bằng được giải quyết dứt điểm, dự kiến Tết âm lịch (tháng 2/2011) sẽ thông xe toàn tuyến đường 32, đoạn Cầu Diễn - Nhổn. Nhưng nhiều tháng sau Tết, con đường vẫn dang dở, ngày nắng thì bụi, ngày mưa thì lầy lội.
Từng được nhiều người ví là "con đường đau khổ", đường 32 - tuyến huyết mạch phía tây bắc Hà Nội bị ngừng trệ thi công từ năm 2003. Sau khi được thi công trở lại, dự án này được UBND Hà Nội đưa vào công trình trọng điểm 1000 năm Thăng Long, nhưng sau đó đã phải lỗi hẹn với đại lễ. Với tốc độ thi công "rùa bò", con đường này cũng từng là chủ đề nóng trên diễn đàn Quốc hội và là nỗi bức xúc của nhiều người dân qua lại và sinh sống nơi đây. |
Nguyễn Lê