Chiều ngày 26/12, kể với VnExpress về giây phút sinh tử chìm tàu trưa hôm qua, viên thuyền trưởng chốc chốc lại thở dài, tay ôm vầng trán đen sạm vì nắng gió.
Ca bin chiếc tàu công vụ bị sóng lớn nhấn chìm, đánh tơi tả chỉ còn bộ khung nằm chỏng chơ trên bãi biển cửa Đại, TP Hội An (Quảng Nam). Ảnh: Trí Tín |
9h sáng 25/12, ông Phương nhận lệnh chở cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 70, Bộ chỉ huy Quân sự Quảng Nam từ xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm) vào cửa Đại công tác. Hơn hai tiếng rưỡi sau, tàu rời bến từ thôn Bãi Làng, chở 29 cán bộ, chiến sĩ và Bí thư Đảng ủy xã đảo Tân Hiệp Vương Quốc Hòa cùng 4 người dân (hai nam, hai nữ). Khi tàu đang tiến về phía cửa Đại thì bất ngờ 3 đợt sóng lớn liên tiếp bổ nhào về phía trước mũi. Vị thuyền trưởng điều khiển phương tiện né sóng thì cần lái kêu răng rắc rồi bất ngờ gãy.
Trong phút chốc, con tàu xoay xoay rồi lật nghiêng, lộn hai vòng. Sóng biển "nuốt" chìm tàu chưa đầy 10 phút. "Tôi gào lên bảo mọi người nhảy ra thoát thân. Phần tôi bị mắc kẹt trong cabin, phải mất khá nhiều sức mới lặn ra khỏi con tàu chìm, trồi lên mặt nước", thuyền trưởng Phương chưa hết hoàng hồn kể lại.
Vừa trồi lên, ông Phương phát hiện được chiếc thùng phuy trôi lềnh bềnh cách đó 30 mét nên cố sức bơi lại bám vào. Thấy từng tốp chiến sĩ trôi cách đó vài mét, người ôm ván dạt ra từ hầm tàu, người bấu víu vào chiếc balô quân đội dập dềnh trong sóng, vị thuyền trưởng đẩy thùng phuy ứng cứu 5 chiến sĩ. Cứ thế, 6 người ôm cái "phao bất đắc dĩ" trồi lên ngụp xuống vật lộn gần 30 phút giữa sóng to, gió lớn.
Thiếu tá, thuyền trưởng tàu công vụ của Tiểu đoàn 70 Phan Xuân Phương kể lại giây phút khi chìm tàu. Ảnh: Trí Tín |
"Do đuối sức, anh em bị sóng đánh bật ra hoài. Mỗi lần như vậy, tôi hò hét túm áo, túm tay họ đưa trở lại cố bám trên thùng phuy chống chọi với sóng gió. Sau đó chúng tôi lần lượt đưa vào bờ, được người dân hun sẵn lửa trên bãi biển sưởi ấm, thay quần áo rồi đưa vào bệnh viện cấp cứu", ông Phương kể.
Trải qua 22 năm lăn lộn với sóng nước vùng biển Cù Lao Chàm, am hiểu từng ngõ luồng, lạch nước cửa Đại, nhưng ông Phương không thể ngờ tới rủi ro gãy cần tay lái khiến tàu đắm.
Ông bảo suốt cả đêm qua nghĩ đến 2 người chết, 5 chiến sĩ cùng đơn vị còn mất tích trên biển, ông tự trách bản thân mình đã để lại nỗi đau quá lớn cho nhiều gia đình. "Đồng đội tôi giờ trôi giạt, nằm lại dưới lòng biển sâu lạnh buốt, tôi đau xót lắm. Mong các anh em sớm về bên hơi ấm của gia đình", ông Phương thảng thốt.
Đến chiều nay, lực lượng cứu hộ vẫn chưa thể tìm thấy thi thể 5 cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 70 mất tích trong vụ chìm tàu. Ảnh: Trí Tín |
Sau ba năm quân ngũ, ông Phương được Tiểu đoàn 70 chuyển sang ngạch quân nhân chuyên nghiệp phục vụ quân đội lâu dài. Cuối năm 1989, ông được giao nhiệm vụ làm thuyền trưởng tàu công vụ mang số hiệu QNg0063-TS chuyên vận chuyển cán bộ, chiến sĩ đi công tác, lương thực, thực phẩm từ đất liền ra xã đảo Tân Hiệp; đồng thời phục vụ tuần tra quanh đảo. Với 22 năm gắn bó với con tàu công vụ này, thuyền trưởng Phương đã được Tiểu đoàn phong cấp bậc Thiếu tá.
Từ năm 1989, chiếc tàu công vụ này được cải hoán, sửa chữa 4 lần. Lúc đầu công suất chỉ 16 CV, giờ đây đã được đóng mới, thay máy nâng công suất. Lần mới nhất là vào tháng 8 vừa qua, Tiểu đoàn 70 đã sửa chữa, làm nước và thay máy cho chiếc tàu này với công suất 60 CV, trọng tải vận chuyển 10 tấn, sức chở 50 người.
Theo ông Phương, trong chuyến tàu trưa hôm qua, ngoài 35 cán bộ, chiến sĩ cùng người dân, đơn vị còn giao chở 11 thùng phuy từ đảo Cù Lao Chàm sang TP Hội An tiếp nhận nhiên liệu mang về dự trữ. "Chính nhờ các thùng phuy rỗng dạt ra khỏi tàu cùng với hàng chục chiếc ba lô quân đội do các chiến sĩ bọc ni-lon và sự nỗ lực ứng cứu kịp thời của người dân địa phương đã cứu sống 28 người chúng tôi", ông Phương nói.
Trí Tín