Ngư dân Nguyễn Thanh Hải ở phường Cửa Đại, TP Hội An, cho biết, cách bờ biển khoảng một km, nơi vị trí tàu công vụ chìm là cồn Áng. Đây là cồn cát bồi lắng nằm dưới biển dài khoảng 4 km, trong đó có gần 2 km ở giữa là nguy hiểm nhất. Mùa đông, biển động mạnh, gió lớn giật trên cấp 7. Ở bên dưới thì luồng nước xoáy liên tục nên rất nguy hiểm.
"Chỉ cần sơ sẩy trong tích tắc là tàu bị sóng đánh úp, nhấn chìm. Biết trước điều này nên khi cứu hộ, tôi cùng các ngư dân cột áo phao ném dây thừng ra ngoài biển cho các chiến sĩ và người dân đu bám rồi dùng sức hò nhau kéo đưa vào bờ", ngư dân Hải kể lại.
Ngư dân Nguyễn Thanh Hải ở phường Cửa Đại, TP Hội An, khẳng định cồn cát chìm dưới biển Cửa Đại chính là cái bẫy tàu thuyền. Ảnh: Trí Tín. |
Cùng một số bạn chài men theo bãi biển Cửa Đại để dò hỏi thông tin 5 chiến sĩ mất tích, ngư dân Nguyễn Nhẹ ở xã Tam Thanh, TP Hội An, cho biết vẫn mãi ám ảnh về vụ tai nạn tháng 12 âm lịch năm 2009. Tại vị trí cồn Áng, ghe câu của vợ chồng ông Nguyễn Văn Thành bị sóng đánh lật úp. Bà Nguyễn Thị Tới (vợ ông Thành) bị sóng dìm chết trong vực xoáy, còn ông Thành và ông Lý được cứu sống.
Sau hai ngày xảy ra vụ chìm ghe câu, cũng tại vị trí cồn Áng, tàu giã cào của ông Đảm ở phường Cửa Đại trên đường vào bờ đã bị sóng dữ đánh lật úp. Rất may 6 ngư dân đi trên tàu được ngư dân lao ra ứng cứu kịp thời.
Theo người dân địa phương, năm nào ở cồn Áng cũng xảy ra chìm ghe, nhưng hầu hết được cứu. "Từng cột sóng lớn liên tiếp bổ trùm lên cao rồi dội xuống, bên dưới là dòng nước xoáy. Do vậy khi tàu thuyền nơi khác đến không biết, hoặc khi đi vào khu vực này lỡ bị chết máy, gãy cần lái sẽ bị sóng nhấn chìm trong tích tắc", ông Nhẹ phân tích.
Ngư dân Đỗ Ca, trú phường Cửa Đại, người tham gia cứu người khi tàu QNa-0063 gặp nạn chia sẻ, đối mặt với sóng lớn và luồng lạch ở Cửa Đại vô cùng nguy hiểm. "Là người đã nhiều năm đi biển như chúng tôi mới dám lao ra trước mũi sóng cứu người, còn nếu không thuộc dòng chảy ở đây thì chẳng khác nào tự gây thêm tai họa”, anh Ca nói.
Chính vì sóng lớn, luồng lạch nguy hiểm nên chiều 26/12, khi nhận được tin báo của người dân là nhìn thấy thi thể ở vùng biển xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tàu cứu hộ và tàu hải quân đã tìm mọi cách tiếp cận, nhưng không thể. Chập tối, do không quen luồng lạch ở Cửa Đại, chỉ huy của hai tàu đành phải cho chạy ra đảo Cù Lao Chàm để tá túc qua đêm và đến sáng 27/12 mới vào lại bờ.
Lực lượng Bộ đội đặc công, Quân khu V đã tham gia lặn tại vị trí cồn Áng, vùng biển cửa Đại, nơi xảy ra vụ chìm tàu công vụ của Tiểu đoàn 70, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Trí Tín. |
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An xác nhận, đã từ lâu ngư dân địa phương rất e ngại cồn Áng. Do vậy mỗi khi cơ quan khí tượng dự báo sóng, gió mạnh giật trên cấp 6 là cơ quan chức năng nghiêm cấm tàu thuyền không được qua lại khu vực này để tránh nguy hiểm.
Ông Sự cho biết thêm, do lâu nay TP Hội An chỉ chú trọng diễn tập cứu hộ, cứu nạn ở vùng biển xa bờ chứ hầu như ít quan tâm đến diễn tập cứu hộ, cứu nạn gần bờ nên thiếu kinh nghiệm, lúng túng trong cứu hộ chìm tàu ở gần vùng biển Cửa Đại chiều 25/12.
"Để khắc phục bất cập này, về lâu dài, TP Hội An sẽ lập trạm cứu hộ ngay tại bãi biển Cửa Đại để ứng cứu kịp thời mỗi khi tàu thuyền gặp rủi ro ở cồn Áng. Trong công tác phòng chống bão lụt hàng năm, chúng tôi sẽ bổ sung chương trình diễn tập cứu hộ, cứu nạn vùng biển gần bờ lẫn xa bờ cho quân và dân địa phương", ông Sự cho biết thêm.
Trí Tín - Văn Đông