- Nguyên do nào khiến ông trở thành người chụp ảnh cho Đại tướng suốt 15 năm qua?
- Tháng 10/1994, Đại tướng nói với đại tá Nguyễn Văn Huyên (thư ký) rằng: "Để cậu này vào gặp tôi bất kỳ lúc nào". Đó là ngày đã mở ra cánh cửa mới trong cuộc đời tôi.
Có thể, tôi gắn bó với báo Quân đội Nhân dân lâu năm nên được Đại tướng tin cậy. Đại tướng quê Quảng Bình, còn tôi quê Hà Tĩnh, hai vùng đất miền Trung gần gũi về văn hóa, nên ông yên lòng khi dành cho tôi ưu ái đó.
Gần gũi Đại tướng, tôi mới thấy mình đang tiếp cận một nhân vật quá đồ sộ, một nhân cách quá lớn, một con người mang đầy đủ bản sắc dân tộc Việt Nam.
Đại tá Trần Hồng bên bức ảnh ông tâm đắc nhất, mang tên "Nhớ Bác". Ảnh: Tiến Dũng.
- Ghi lại hình ảnh của một con người như vậy, chắc hẳn ông có những áp lực lớn?
- Nhà văn Sơn Tùng đã nói: "Hễ nhắc đến Đại tướng thì tất thảy người dân Việt Nam đều định tâm rằng đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp". Những phút giây được gặp ông trở thành những khoảnh khắc vô cùng đáng quý. Khi ấy, tôi nhận thức rõ nhất mình phải làm gì để khắc họa nội tâm phong phú, đa dạng của một con người rất Việt Nam.
Trong các cuộc tiếp khách, khi chưa thấy máy ảnh của Trần Hồng chụp, Đại tướng thường ngồi nguyên vị trí cũ. Tôi ngầm hiểu đó là một ưu ái ông dành cho mình.
Những khi như thế tôi cảm thấy sung sướng nhưng cũng hồi hộp vô cùng, chụp xong là về nhà tráng phim luôn để xem có đạt được như những gì mình mong muốn không.
- Đại tướng thường thể hiện cảm xúc thế nào khi xem những tấm ảnh do ông chụp?
- Năm 2006, tôi tổ chức triển lãm "Đại tướng Võ Nguyên Giáp - những lần tôi gặp" ở Quảng Bình nhân dịp sinh nhật lần thứ 95 của ông. Một ngày đẹp trời, con trai Đại tướng chuyển toàn bộ 95 bức ảnh đó về nhà cho ông ở 30 Hoàng Diệu (Hà Nội). Đại tướng chăm chú xem suốt cả sáng. Tôi chưa bao giờ thấy ông dành khoảng thời gian dài như thế để xem ảnh. Đó là ngày tôi cũng cảm thấy rất hạnh phúc.
Trong suốt bao năm cầm máy theo ông, tôi luôn ao ước có ngày được chụp ông chơi đàn piano. Tôi nhớ mãi, hôm đó khoảng 11h30 gì đó, ông bảo tôi lấy cái ghế đặt ở bên cây đàn để ông chơi một bản nhạc của Italy. Và, tôi đã có được khoảnh khắc bấm máy đáng nhớ. Sau đó, lúc tôi thu gọn các bức ảnh lại, Đại tướng ghé tai tôi, chỉ vào bức ảnh "Nhớ Bác" và nói: "Anh rất thích ảnh này". Điều đó làm tôi hạnh phúc tới tận giờ.
- Trong 15 năm chụp ảnh Đại tướng, kỷ niệm nào khiến ông nhớ nhất?
- Tháng 10/1994, tôi chụp bức ảnh ông tập thể dục tại 30 Hoàng Diệu. Khi ấy là 6h30 sáng. Hôm đó, Đại tướng chạy hơi nhiều, thời gian tôi chụp cũng dài. Cuối buổi chụp ông nói vui: "Hôm nay ưu ái phóng viên nhiếp ảnh nên tập quá thời gian và hơi mệt". Lúc đó, tôi cảm thấy vô cùng xúc động.
- Nhìn vào những bức ảnh của ông, dường như không thấy sự can thiệp của kỹ thuật photoshop. Vì sao vậy thưa ông?
- Cũng có nhiều người hỏi tôi về điều này. Nhiều năm nay, tôi vẫn chụp ảnh Đại tướng bằng chiếc Nikon 801 loại thường, dùng phim chứ không phải bằng kỹ thuật số. Ngay sau khi chụp, tôi rửa ảnh luôn, rồi lưu giữ phim vào chiếc tủ gỗ bằng phương pháp thủ công.
Tôi không cho bất kỳ một can thiệp kỹ thuật nào vào ảnh của mình. Các hãng làm ảnh đều biết tính này của tôi. Việc chỉnh là thiện ý nhưng những nếp nhăn, sự từng trải đã xếp đầy trên khuôn mặt Đại tướng, nếu xóa mờ đi, với tôi, đó là sự xuyên tạc.
Bức ảnh Đại tướng ngồi thiền được chụp năm 1994. Ảnh: Trần Hồng.
- Trong số 2.000 bức ảnh của ông có nhiều bức ghi lại khoảnh khắc rất đặc biệt của Đại tướng. Với ông, đâu là bức hình khiến ông tâm đắc nhất?
- Bức tôi tâm đắc nhất, đấy là khi Đại tướng đứng bên tượng Bác Hồ trong phòng làm việc. Thật may mắn, hôm đó tôi đứng kề bên mà ông không biết. Dường như có cảm xúc nào đó đang trào lên, ông khóc. Nhiều người nói bức ảnh đó đã khắc họa hồn cốt của Đại tướng.
Năm 1973, sau khi tốt nghiệp khóa 1 chuyên ngành nhiếp ảnh trường ĐH Báo chí (nay là Học viện Báo chí Tuyên truyền), Trần Hồng trở thành phóng viên ảnh báo Quân đội Nhân dân. Sau 37 năm cầm máy và thành công với thể loại ảnh chân dung, đại tá - nhà báo Trần Hồng đã thực hiện 4 cuộc triển lãm vào năm 1992, 1997, 2006 và 2009. "Đại tướng Võ Nguyên Giáp - những khoảnh khắc" là triển lãm thứ 4 của ông. Trước đó, năm 2006, tại TP Đồng Hới (Quảng Bình), Trần Hồng đã triển lãm ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mừng Đại tướng 95 tuổi. |
Tiến Dũng