Trong hai ngày 7 và 8/12, ba tàu đánh cá cùng 43 ngư dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, lại bị phía Trung Quốc bắt giữ khi đang hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Đến tối 11/12, tàu của thuyền trưởng Lê Tân (ký hiệu QNg-96004 TS) cùng 43 ngư dân mới được Trung Quốc thả về đến đảo Lý Sơn. Trung Quốc vẫn còn giữ lại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, hai chiếc tàu của các ông Dương Lúa và ông Lê Văn Lộc. Tất cả tài sản, thiết bị máy móc, ngư cụ của cả ba tàu đều bị phía Trung Quốc thu giữ, với tổng trị giá gần 2 tỷ đồng.
Sau ba ngày trở về với gia đình, nhưng thuyền trưởng Dương Lúa vẫn chưa hết bàng hoàng. "Người đã bình an trở về, nhưng tài sản tích cóp cả đời bị mất sạch, giờ biết lấy gì nuôi sống gia đình trong thời gian tới", ông Lúa nghẹn ngào nói với VnExpress.net.
Ông Lúa bảo rằng, năm ngày đêm bị phía Trung Quốc bắt giữ là khoảng thời gian thật khủng khiếp đối với 43 ngư dân đảo Lý Sơn.
Viên thuyền trưởng kể, sáng 7/12, khi tàu của ông đang neo đậu trên vùng biển Hoàng Sa trong khi đánh bắt cá, thì bất ngờ một tàu sắt màu trắng của Trung Quốc xuất hiện truy đuổi quyết liệt. "Chúng tôi tăng hết tốc độ cố chạy thoát nhưng chỉ chạy được hơn 11 hải lý đã bị đuổi kịp", ông Lúa nói.
Ngư dân Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Chí Trung |
Khi áp sát tàu ngư dân Việt Nam, ba người chịu trách nhiệm cao nhất của tàu Việt Nam bị phía Trung Quốc đưa qua tàu của họ. Những thuyền viên còn lại bị khống chế đưa lên trên mũi tàu. Sau đó, phía Trung Quốc đưa tàu và các ngư dân Việt Nam về đảo Phú Lâm giam giữ.
Thuyền trưởng Lê Văn Lộc góp lời, trưa 8/12, khi các ngư dân trên tàu của ông vừa mới vung lưới đánh bắt (sau 3 ngày neo đậu tránh gió), bất ngờ thấy tàu Trung Quốc đang vây bắt tàu của ông Lê Tân cũng hành nghề, cách tàu ông khoảng 10 hải lý. Hoảng quá, ông Lộc cho tàu bỏ chạy. "Nhưng chỉ chạy được khoảng nửa giờ thì chúng tôi đã bị tàu Trung Quốc áp sát và khống chế, đưa về đảo Phú Lâm, lúc đó khoảng 18h30", ông Lộc nhớ lại..
Các thuyền trưởng cho biết, khi đến đảo Phú Lâm, tất cả ngư dân đều bị người phía Trung Quốc lấy mũ vải đen trùm kín lên đầu. "Vừa đói, vừa mệt, tinh thần chúng tôi càng thêm hoảng loạn. Lúc đó chỉ sợ không còn được về gặp gia đình. Sau đó, phía Trung Quốc dẫn anh em đến nhốt chung vào nhà kho ", ông Lộc nói.
Tiếp lời, ông Dương Lúa cho biết, trong những ngày bị nhốt, các thuyền trưởng luôn bị phía Trung Quốc gọi lên ký vào các biên bản. Sau đó, có một người thông dịch viên đến đưa cho mỗi thuyền trưởng một bản cam kết viết bằng tiếng Việt bắt ký vào. “Với tình cảnh như thế, chúng tôi buộc phải ký vào biên bản chứ chẳng còn cách nào khác”, ông Dương Lúa cho biết.
"Trước khi phóng thích tàu của ông Tân đưa chúng tôi về lại Lý Sơn, người Trung Quốc đưa những bao được cho là thuốc nổ từ trong kho của họ xuống ba tàu. Sau đó bắt mỗi ngư dân chúng tôi phải ôm một bao trên tay để họ quay phim, chụp ảnh nhằm cáo buộc chúng tôi đã sử dụng chất nổ trái phép", ông Lộc bức xúc nói.
Trở về được đến nhà, các ngư dân Quảng Ngãi thở phào nhẹ nhõm, song không khỏi lo toan về ngày mai, khi phải mưu sinh nuôi cả gia đình, trong khi toàn bộ tàu thuyền, máy móc, ngư cụ đều đã bị Trung Quốc giữ ở đảo Phú Lâm.
Thuyền trưởng Lúa bộc bạch: "Về đến đất liền, đoàn tụ với gia đình lòng tôi mới thực sự nhẹ nhõm sau những ngày bị giam giữ. Nhưng nghĩ tới ngày mai, gia đình không biết sẽ sống ra sao khi trong nhà chẳng còn một đồng vốn nào".
Trong thời gian chờ đợi phía Trung Quốc trả tàu, ông Lúa dự định xin đi theo phụ thuê cho các tàu đánh bắt cá khác để lo miếng cơm tạm thời cho gia đình. Còn thuyền trưởng Lộc chép miệng: "Giờ tôi chỉ biết ngồi nhà chờ đợi cơ quan chức năng can thiệp với Trung Quốc, mong lấy được tàu về càng sớm càng tốt để kiếm cách sinh nhai cho gia đình".
Trao đổi với VnExpress.net chiều 14/12, ông Phạm Đình Khối, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết, UBND tỉnh đang chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục củng cố hồ sơ, làm rõ các chứng cứ, nội dung tường trình của 43 ngư dân để xem xét họ có vi phạm gì không. Nếu họ không vi phạm và phía Trung Quốc bắt giữ tàu không đúng, thì tỉnh sẽ kiến nghị Bộ Ngoại giao có giải pháp can thiệp phía Trung Quốc thả ngay vô điều kiện hai tàu cá của ngư dân.
"Chiếc tàu là tài sản cả đời của ngư dân. Nhà nước không thể để tài sản và chuyện hành nghề mưu sinh của ngư dân cứ bị đe dọa như vậy được", ông Bí thư tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh.
Trong năm nay, nhiều tàu cá của ngư dân Việt Nam cũng bị Trung Quốc bắt giữ khi đang hành nghề đánh bắt hải sản trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Lê Thanh