Theo đó, để tiếp tục nghiên cứu sâu sắc, toàn diện hơn về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP HCM báo cáo Quốc hội, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật (vốn ODA không hoàn lại) của Chính phủ Nhật Bản để lập dự án đầu tư xây dựng đoạn Hà Nội - Vinh, TP HCM - Nha Trang thuộc dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP HCM và dự án nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Nội Bài.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải trên cơ sở những ý kiến đóng góp của Quốc hội, tổng hợp đưa vào nội dung nghiên cứu, đánh giá; làm việc với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để đàm phán nội dung, tiến độ và cách thức tiến hành lập các dự án đầu tư xây dựng công trình nêu trên theo đúng quy định.
Chiều nay Bộ Giao thông Vận tải làm việc JICA về việc lập dự án nghiên cứu khả thi 2 đoạn tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội - Vinh và TP HCM - Nha Trang. Chiều mai (1/9) Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng sẽ có buổi làm việc với JICA.
Trao đổi với VnExpress sáng nay, ông Nguyễn Minh Thuyết, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng, cho biết việc Chính phủ tái khởi động dự án đường sắt cao tốc không trái luật, song có làm hay không thì phải chờ Quốc hội.
Ông Thuyết cho rằng tái khởi động dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP HCM chỉ sau 2 tháng Quốc hội bác là không hợp lý. "Nó sẽ gây phản ứng không có lợi. Người dân sẽ đặt câu hỏi tại sao Chính phủ quyết theo đuổi dự án trong khi đại đa số ý kiến người dân và đại biểu Quốc hội không đồng tình", ông Thuyết nói.
Theo ông Thuyết, lý do người dân không đồng tình dự án đường sắt cao tốc vì vốn đầu tư quá lớn, hiệu quả kinh tế xã hội thấp, đặt nền kinh tế trước rủi ro lớn. "Chính phủ đã giải đáp hết những lo ngại của người dân chưa? Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ nên xem xét toàn bộ quy hoạch giao thông Bắc - Nam. Việc cần làm bây giờ là nâng cấp đường sắt hiện có nhằm giải quyết bức xúc giao thông hiện nay. Nó sẽ tác động tốt tới sự phát triển kinh tế xã hội hơn là làm đường sắt cao tốc", ông Thuyết nói.
Ảnh minh họa của chinasmack.com. |
Trước đó, tại phiên họp của Thường vụ Quốc hội vào tháng 7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đường sắt cao tốc là dự án quan trọng. Chính phủ sẽ lắng nghe các ý kiến và nghiên cứu thời gian thích hợp để trình dự án.
Siêu dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP HCM với số vốn ước tính 56 tỷ USD đã gây tranh cãi cả trên diễn đàn Quốc hội và ngoài xã hội. Đa số ý kiến phản đối cho rằng hiệu quả kinh tế của dự án quá thấp, số vốn đầu tư quá lớn, chiếm phân nửa GDP của Việt Nam, sẽ tạo gánh nặng nợ nần cho hậu thế.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nên xây trước một đoạn đường sắt cao tốc để rút kinh nghiệm. Quan điểm này đã thể hiện ở phương án hai trình Quốc hội trước khi biểu quyết, tức là tán hành chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - TP HCM với những bước đi cụ thể.
Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ lập quy hoạch chi tiết; tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, đầy đủ và toàn diện hơn các điều kiện bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội - TP HCM, trên cơ sở đó nghiên cứu lập dự án đầu tư một trong hai đoạn tuyến Hà Nội - Vinh hoặc TP HCM - Nha Trang, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư một đoạn tuyến được chọn và thực hiện đầu tư vào thời điểm thích hợp trước năm 2020 bằng nhiều nguồn vốn, đa dạng phương thức đầu tư.
Trên cơ sở kết quả đầu tư xây dựng đoạn tuyến được chọn, Quốc hội giao Chính phủ đánh giá việc đầu tư, khai thác đoạn tuyến trên và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc triển khai đầu tư xây dựng các bước tiếp theo.
Tuy nhiên, cuối cùng Quốc hội đã bác cả phương án này. Đây là một quyết định hy hữu bởi rất hiếm xảy ra trong lịch sử Quốc hội.
Hồng Khánh - Đoàn Loan