Nghệ nhân Võ Hiển Đạt thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn - người thực hiện mô hình cho biết, ông phải mất hơn một tháng để làm chiếc thuyền này.
Theo ông Đạt, ý tưởng thực hiện mô hình dựa vào cứ liệu lịch sử trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn ghi về Hải đội Hoàng Sa: "Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng hai nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn sáu tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu mà ra biển, ba ngày ba đêm thì đến đảo ấy”.
Mô hình thuyền câu hải đội Hoàng Sa. Ảnh: Trí Tín. |
Ông Đạt mô tả, bên trong mô hình thuyền câu có một đôi chiếu, bảy đòn tre, bảy sợi dây mây. Năm xưa mỗi khi giong thuyền ra biển Đông sóng gió nguy hiểm, những thủy binh của Hải đội Hòang Sa nếu xấu số sẽ được đồng đội thả xuống biển. Chiếc thẻ bài bằng tre có ghi tên tuổi, làng quê, phiên hiệu được cài trong bó xác sẽ là thông điệp gửi lại cho gia đình và bản quán.
"Cảm động về nghĩa cử cao đẹp của những thủy binh của hải đội Hoàng Sa, mấy chục năm qua tôi luôn ấp ủ muốn tái hiện mô hình thuyền câu này để tỏ lòng tri ân bậc tiền nhân đã từng đổ không biết bao nhiêu máu xương vì chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc”, ông Đạt nói.
So với thuyền câu thật thời ấy, mô hình thuyền câu chỉ bằng một nửa. Dự kiến vài ngày tới, mô hình thuyền câu này được trưng bày tại Bảo tàng hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải (Trường Sa) ở thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn phục vụ khách tham quan.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và du lịch Quảng Ngãi, lâu nay, một số tư liệu lịch sử cho rằng hải đội Hoàng Sa dùng ghe bầu ra đi khai thác biển Đông, khẳng định chủ quyền lãnh hải tổ quốc. Nhưng theo nhiều cứ liệu lịch sử, từ 4 thế kỷ trước, ghe bầu thường chỉ dùng để đi buôn còn thuyền câu mới chính là phương tiện của hải đội Hoàng Sa thường sử dụng để đi khai thác biển Đông, thực thi nhiệm vụ cắm cột mốc khẳng định chủ quyền lãnh hải trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Trí Tín