- Thưa ông, Quốc hội được kêu gọi cần thể hiện thái độ rõ ràng hơn với dự án bô xít sau khi gần 2.000 nhân sĩ, trí thức ký đơn kiến nghị dừng dự án. Là đại biểu Quốc hội ông nghĩ gì về điều này?
- Trong danh sách ký tên vào bản kiến nghị có nhiều chính khách, nhà khoa học nổi tiếng. Đây là những ý kiến rất đáng chú ý. Tôi mong Đảng, Chính phủ trân trọng nghiên cứu kiến nghị đó và sớm có giải pháp tiếp thu.
Thảm họa bùn đỏ ở Hungary là lời cảnh báo rất nghiêm khắc và kịp thời, nhắc chúng ta không được quyền duy ý chí trong việc khai thác bô xít. Là người ngay từ đầu không tán thành dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên, nay cân nhắc mọi mặt, tôi thấy có thể tiếp tục khai thác bô xít ở Tân Rai để thí điểm vì ở đó nhà máy đã làm rồi và chúng ta vẫn phải thí điểm để qua đó rút kinh nghiệm cho kế hoạch tương lai. Nhưng dự án ở Nhân Cơ thì nên dừng lại vì thực ra mình vẫn chưa làm được gì nhiều, chủ yếu mới xong khâu giải phóng mặt bằng.
Clip GS Nguyễn Minh Thuyết phát biểu về bô xít tại kỳ họp thứ 5 |
- Lý do gì khiến ông ủng hộ việc chỉ thí điểm xây dựng một nhà máy chế biến alumina ở Tân Rai, trong khi theo kế hoạch, khu vực Tây Nguyên có tới 8 nhà máy, tổng đầu tư tới 250.000 tỷ đồng?
- Có rất nhiều lý do. Trước hết, phải nói đến thảm họa môi trường có thể xảy ra khi ta tiến hành dự án. Hungary là nước công nghiệp phát triển, có rất nhiều kinh nghiệm trong khai khoáng, xử lý sau khai khoáng mà còn để xảy ra tai nạn như thế, huống chi ta lần đầu tiên bắt tay vào thực hiện, nhiều việc còn dò dẫm.
Địa hình Tây Nguyên rất đặc biệt. Nếu thảm hoạ bùn đỏ ở Hungary vừa rồi xảy ra trên đồng bằng thì Tây Nguyên là vùng cao. Tôi từng ví nếu thực hiện toàn bộ dự án khai thác bô xít Tây Nguyên, với lượng bùn đỏ hết đời dự án lên tới 1,5 tỷ tấn thì các hồ chứa bùn đỏ sẽ là quả bom bùn treo trên cao và nếu có sự cố thì tai họa có thể ảnh hưởng đến toàn bộ đồng bằng Nam Bộ, Nam Trung Bộ, thậm chí cả hai nước bạn. Khí hậu Tây Nguyên rất khắc nghiệt, mùa khô không mưa, mùa mưa thì xối xả, đây là những nguy cơ có thể làm vỡ hoặc tràn đập.
Đó là còn chưa nói tới ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp của người Việt Nam chưa thể so sánh với người dân các nước công nghiệp phát triển. Chúng ta đã thấy hiện tượng người dân tháo cả giằng cầu, cột điện cao thế chỉ để đi bán sắt vụn; còn nhà thầu thì trong thi công không ít người rút ruột công trình, không thực hiện đúng thiết kế. Những điều này hết sức đáng quan tâm.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng: "Chỉ nên thí điểm một nhà máy chế biến alumina ở Tân Rai". Ảnh: Hồng Khánh. |
- Một lần nữa vấn đề hiệu quả kinh tế lại được nêu ra. Theo ông những cơ sở mà Tập đoàn Than và Khoáng sản (TKV) làm căn cứ để khẳng định mức độ hiệu quả kinh tế liệu đã thuyết phục?
"Bộ Chính trị đã quyết định làm thí điểm thì hãy thí điểm một nhà máy ở Tân Rai. Sau thời gian này, nếu cân nhắc mọi mặt thấy được thì tiếp tục làm, nhưng phải coi đó là công trình quan trọng quốc gia, bởi đây là cụm công trình liên kết chặt chẽ với nhau, và phải được đưa ra Quốc hội thảo luận, xem xét, quyết định", ông Nguyễn Minh Thuyết nói. |
- Khi phát biểu tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá 12 (ngày 26/5/2009), tôi đã bày tỏ sự lo ngại về hiệu quả kinh tế của dự án. Ngay Chủ tịch Tập đoàn Than - Khoáng sản (TKV) lúc đó là ông Đoàn Văn Kiển cũng nói 50 ăn, 50 thua, chưa biết lỗ lãi thế nào. Thử hỏi những người kinh doanh bằng tiền túi của mình có dám làm với tỷ lệ thắng thua như vậy không? Mà bán alumina thì cũng như bán lúa non thôi. Giá alumina chỉ bằng 12% giá nhôm thành phẩm. Nhưng chế nhôm thì mình không đủ điện, mà cũng chưa đủ kỹ thuật.
Để triển khai dự án, ta còn phải làm cả đường vận chuyển khoáng sản, làm cảng dưới hòn Kê Gà... Tiền những công trình ấy tính vào đâu? Không thể tính là công trình dân sinh mà phải tính vào dự án bô xít. Nếu thế thì lỗ to. Bởi riêng việc làm đường sắt từ Tây Nguyên xuống hòn Kê Gà dài 270 km, với địa hình phức tạp đã tốn hơn 3 tỷ USD rồi.
Mặt khác, theo một số anh em ở Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường vừa đi giám sát về, trong quặng ở Tây Nguyên có 30-40% là alumina, 30-40% là sắt, ngoài ra còn một số kim loại. Bây giờ ta khai thác bô xít ngay thì sẽ phải loại bỏ những quặng khác, vì kỹ thuật của ta chưa cho phép lọc cùng một lúc nhiều loại quặng, như vậy rất lãng phí.
- Nếu đánh giá được - mất từ dự án này, ông sẽ nói gì?
- Điều quan trọng mình phải tính là triển khai dự án bô xít thì đất nước được lợi gì, nếu rủi ro thì đến mức nào. Tiền trót đầu tư rồi, mất ai cũng tiếc, nhưng so với tổn thất có thể xảy ra trong tương lai thì tiền đầu tư ấy chưa thấm tháp gì. Liên hệ với trận Điện Biên Phủ, pháo đã kéo vào trận địa rồi, chiến sĩ, dân công đổ biết bao mồ hôi, hy sinh cũng không ít, chỉ còn chờ giờ nổ súng thôi, nhưng thấy không chắc thắng, đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã ra lệnh rút pháo ra. Củng cố trận địa thật chắc, tạo thời cơ chín muồi, bộ đội ta lại kéo pháo vào, lúc ấy mới thắng. Tôi cho rằng trong mọi việc, phải lấy hiệu quả, lấy lợi ích của nhân dân, đất nước làm đầu.
Khi bắt tay làm dự án bô xít đã có rất nhiều ý kiến không đồng tình. Nhưng lúc ấy Chính phủ quyết làm. Bây giờ, sự cố tràn bùn đỏ ở Hungary là dịp thuận lợi để mình cùng bạn bàn bạc lại. Thà mình đền tiền cho nhà đầu tư còn hơn là làm dự án mà vừa lỗ, vừa lo ngay ngáy về thảm hoạ môi trường.
- Trước đây, Chính phủ không trình dự án này ra Quốc hội, với lý do xét quy mô từng dự án bộ phận thì chưa đủ tiêu chí là công trình quan trọng quốc gia. Vậy tại kỳ họp này, theo ông Quốc hội nên có động thái như thế nào?
- Tại kỳ họp giữa năm ngoái của Quốc hội, vì thấy đây là vấn đề rất quan trọng nên nhân phát biểu về tình hình kinh tế xã hội, một số đại biểu, trong đó có tôi, đã "vơ" vào để thảo luận. Tôi kiến nghị phải coi cụm công trình này là công trình quan trọng quốc gia và phải trình Quốc hội để xem xét, quyết định. Đề nghị của tôi tuy được một số đại biểu tán thành, nhưng đã không được xem xét.
Chương trình kỳ họp đã được Quốc hội biểu quyết thông qua sáng 20/10, không có buổi nào dành để xem xét riêng vấn đề khai thác bô xít. Tuy nhiên, trong buổi thảo luận tổ sáng 22/10 vừa qua, nhiều đại biểu đã nêu vấn đề này. Tôi tin chắc rằng trong hai ngày (1-2/11) thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội sắp tới, các đại biểu sẽ còn trao đổi sâu hơn và đại diện Chính phủ tham gia thảo luận cũng sẽ có ý kiến giải trình.
Hồng Khánh thực hiện