Theo thông tin từ hiện trường, vụ tai nạn xảy ra khi các công nhân đang thi công dầm cầu vượt bắc qua sông chợ Đệm thuộc dự án đường cao tốc TP HCM - Trung Lương. Dầm cầu số 2 nhịp chính, dài 42 mét nặng chừng 60 tấn bất ngờ gãy làm đôi, đổ sập xuống lòng sông, gây nên tiếng "rầm" cực lớn. Nước sông dội tung cao chừng chục mét. Dầm cầu số 1 thi công trước đó bị bẻ cong.
|
Khi xảy ra tai nạn, hai công nhân Trần Quang Thảnh (26 tuổi, quê Nam Định) và Trần Đình Trung (22 tuổi, quê Nghệ An) đang làm việc tại đây bị rơi xuống nước chấn thương nặng ở hai đùi và phần đầu.
Lực lượng cứu hộ TP HCM cùng công an đã được điều đến thực hiện công tác cứu hộ và bảo vệ hiện trường.
Anh Nguyễn Nam Mỹ, công nhân đang làm việc tại vựa cừ tràm dưới sông, sát cầu kể lại, lúc đó có nhiều âm thanh rắc, rắc.. vang lên trước khi dầm cầu bị rơi xuống sông.
"Sự việc xảy ra chỉ hơn 10 giây thôi. Khi tôi nghe tiếng rắc rắc thì quay mắt sang đã thấy một ngọn nước cao bắn lên kèm theo tiếng ầm lớn. Liền sau đó, một công nhân đã bơi được vào bờ. Ở giữa dòng, hai người khác nổi lên, nhưng bị thương rất nặng, máu loang đỏ một vùng nước. May mắn một chiếc tàu đi ngang vớt hai người bị thương lên và sơ cứu tại hiện trường sau đó đưa đi bệnh viện", anh Mỹ kể.
Sự việc xảy ra làm chấn động cả người dân tại địa phương. "Khi đó, tôi đang ở trong nhà thì nghe tiếng động lớn từ ngoài sông. Tôi thấy căn nhà mình bị rung chuyển", một người chưa hết bàng hoàng nói.
Có mặt tại hiện trường, ông Trịnh Nam Sơn, Phó giám đốc Ban điều hành dự án, Tổng công ty xây dựng Thăng Long (Công ty mẹ của Công ty cổ phần cầu 11 Thăng Long - đơn vị thi công công trình) cho biết, có 10 công nhân thi công đoạn cầu này, nhưng khi xảy ra sự cố chỉ có 4 công nhân đang làm việc. "Lúc đó, các công nhân đang tiến hành đặt dầm cầu vào vị trí nối nhịp. Có 2 công nhân bị rơi xuống và bị thương", ông Sơn khẳng định.
Theo đánh giá của ông Sơn, có hai nguyên nhân lớn đang được điều tra dẫn tới dầm bị rớt xuống sông và gãy đôi. Thứ nhất, đó là do ảnh hưởng của lắc gió dẫn đến việc đưa dầm cầu vào đã bị va dầm khác và bị đứt cáp gãy xuống. Nguyên nhân thứ hai có thể do hạ dầm dây cáp ở hai đầu không đều nên gây đứt cáp.
Về hướng khắc phục, ông Sơn cho biết, trước mắt là cho cần cẩu 80 tấn cẩu hai đoạn gãy của dầm lên. Sau đó, thay toàn bộ dầm bị cong và dầm gãy. Ước tính giá trị của hai dầm là 600 triệu đồng
Còn theo ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM, nguyên nhân ban đầu có thể trong lúc thi công, một trong 2 mô tơ đặt dầm cầu tại 2 đầu nhịp bị trục trặc. Từ đó, dẫn đến việc mất cân bằng lực, va vào dầm và đứt cáp.
Đến 18h chiều 10/3, sau khi được xác nhận thông tin từ đơn vị thi công là không còn công nhân nào dưới sông, thượng tá Lê Tấn Bửu, Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP HCM chỉ đạo đội cứu hộ rà soát lại lần cuối, sau đó đã ngừng công tác tìm kiếm nạn nhân.
Trong khi đó, tình trạng sức khỏe của hai công nhân vẫn chưa có nhiều lạc quan. Hiện một người được chẩn đoán là chấn thương sọ não, còn người còn lại trong tình trạng nguy kịch.
Bệnh nhân Trần Quang Thảnh đang được cấp cứu tại Bệnh viện nhân dân 115. "Khi bệnh nhân được chuyển về đây trong tình trạng hôn mê sâu, mạch bằng không. Bệnh nhân bị đa chấn thương, đặc biệt phần từ thắt lưng trở xuống bị dập nát hoàn toàn", một bác sĩ trong ca trực cấp cứu cho biết.
Ngay sau khi được dùng các biện pháp kích điện, truyền máu, anh Thảnh đã được thở bằng máy nhưng vẫn trong tình trạng hôn mê sâu. Bệnh viện 115 đã tổ chức hội chẩn toàn viện đối với ca cấp cứu này với hy vọng cứu sống được nạn nhân.
![]() |
Công nhân Trần Quang Thảnh đang được điều trị tại bệnh viện 115 trong tình trạng hôn mê sâu. Ảnh: Đức Quang. |
Còn người đồng nghiệp Trần Đình Trung (22 tuổi) nhập viện Chợ Rẫy trong tình trạng bị chấn thương vùng đầu. Theo bác sĩ Toản, người phụ trách cấp cứu anh Trung cho biết, sau khi chụp CT, các bác sĩ đã chẩn đoán anh bị chấn thương sọ não, dập não đỉnh phải.
"Hiện bệnh nhân vẫn tỉnh táo và sẽ được chuyển lên khoa chấn thương sọ não để theo dõi. Tuy nhiên, với những trường hợp này, chúng tôi có thể điều trị mà không phải mổ", bác sĩ Toản cho biết thêm.
Cầu vượt cao tốc TP HCM đoạn bắt qua sông Đệm rộng 20,5 m, dài 500m, nối liền giữa thị trấn Tân Túc và xã Tân Nhật huyện Bình Chánh, cách biên Long An khoảng 2 km.
Dự án thuộc đường cao tốc TP HCM - Trung Lương dài gần 62 km, có những đoạn vượt sông và qua những khu vực có nền địa chất yếu. Công trình khởi công cuối năm 2004, nối huyện Bình Chánh (TP HCM) với huyện Châu Thành (Tiền Giang).Vốn đầu tư lên gần 10.000 tỷ đồng.
Đây là tuyến đường được thiết kế đạt tiêu chuẩn quốc tế về đường cao tốc với vận tốc 120 km một giờ gồm 4 làn xe (tính đến năm 2010), mở rộng 8 làn xe vào năm 2020. Khi hoàn thành, đường cao tốc này sẽ rút ngắn 50% thời gian từ TP HCM về Tiền Giang.
An Nhơn - Đức Quang