Mỗi khi có khách, những nhân viên mặc váy ngắn lại chạy ra mở cửa. Cảnh tượng này khiến những cô cậu học sinh ở tuổi mới lớn không khỏi tò mò dõi mắt nhìn theo.
Cách đó không xa, Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong ở 220 đường Láng cũng bị kẹp giữa hai quán massage. Ngay trên đường Láng, hai trường học đang bị 3 quán massage thư giãn "bao vây".
Quán cắt tóc gội đầu án ngữ trước cổng THPT Quang Trung (178 đường Láng, Hà Nội). Ảnh: Tiến Dũng. |
Trên ngõ Thái Thịnh 2, nằm đối diện Tiểu học Thái Thịnh và Mầm non Hoa Hồng là dãy quán gội đầu tẩm quất. Giờ tan tầm, khi những đứa trẻ đứng đợi bố mẹ đến đón thì cũng là lúc phía bên đường, các nữ nhân viên trong trang phục thiếu vải bắc ghế ra trước cửa chào mời khách vào quán "thư giãn".
Trong lúc chờ khách, những cô gái ngồi "tút" lại nhan sắc hoặc rít vài hơi thuốc lá. Chốc chốc, họ lại văng những lời lẽ tục tĩu rồi cười vang.
Hướng mắt về phía đám nhân viên bên kia đường, anh Nguyễn Văn Hoàn, có con học lớp 4 tiểu học Thái Thịnh lo lắng nói: "Sợ cháu ngày ngày phải chứng kiến cảnh này nên tôi thường dặn, nếu bố đến muộn thì không được ra cổng đứng đợi. Chẳng hiểu sao bao năm nay những quán này vẫn tồn tại được".
Tiểu học Chu Văn An trên phố Thụy Khuê bị hai quán gội đầu thư giãn nằm ngay đối diện. Một số trường mầm non trên con phố này cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Ngày ngày, hàng trăm học sinh phải qua lại quán thư giãn nằm cách trường học chừng vài chục mét này. Ảnh: Tiến Dũng. |
Dài chừng 500 mét nhưng phố Vọng hiện có tới 20 quán: "Cà phê thư giãn", "Gội đầu tẩm quất", "Xông hơi massage"... tấp nập khách ra vào.
Nằm khuất trong ngõ 377 phố Vọng là quán "Bar X9 cà phê vườn, tẩm quất gội đầu" - nằm cách THCS Phương Liệt chừng 40 mét. Mỗi lần đi ngang qua quán, không ít học sinh tò mò liếc mắt nhìn vào bên trong. Sau lời trêu đùa: "Học mỏi quá. Đứa nào thích vào thư giãn không?" là tràng cười khoái chí của các nam sinh.
Nằm trên đường Phạm Văn Đồng, ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, Trung cấp du lịch Hà Nội cũng đang bị loại quán thư giãn "bao vây". Khác với các em học sinh chỉ "tò mò, bàn tán", một số sinh viên đã trở thành khách quen của các quán này. Hùng, sinh viên ĐH Ngoại ngữ Hà Nội cho biết, sau những chầu nhậu cuối tuần, đám bạn trai lại rủ nhau "thư giãn".
Trao đổi với VnExpress, Hiệu trưởng THPT Quang Trung Lê Tiến Thu cho biết, việc tồn tại quán tẩm quất này khiến cảnh quan sư phạm của trường bị ảnh hưởng, học sinh và giáo viên bức xúc.
"Không chỉ phơi quần áo với đủ loại "phụ tùng" sang khu để xe, nhân viên ở đây còn vứt rác, băng vệ sinh và cả bao cao su qua sử dụng sang trường. Tôi sang nhắc nhở thì bị họ quát lại", Hiệu phó Đoàn Đức Hạnh bày tỏ.
"Chúng tôi đề nghị với bộ phận cấp giấy phép, nếu những quán này không phù hợp thì nên chấm dứt hoạt động để tạo môi trường văn hóa cho học sinh. Đồng thời, cần xem xét việc cấp giấy phép đã đúng chưa?", ông Thu nêu đề xuất.
Không chỉ vứt rác, phơi quần áo, quán massage trước cổng THPT Quang Trung còn xả nước thải xuống sân trường. Ảnh: Tiến Dũng. |
Chủ tịch UBND phường Thịnh Quang (Đống Đa) Nguyễn Tiến Hòa cho biết, hết năm 2007, toàn phường có 10 quán cắt tóc gội đầu thư giãn nhưng nay con số này chỉ còn dưới 10 bởi khu bờ mương Thái Thịnh bị giải tỏa làm đường.
Theo ông Hòa, khu dân cư số 1 dọc bờ mương Thái Thịnh đã nhiều lần phản ánh, phường cũng nhiều lần kiểm tra nhưng không phát hiện hành vi mại dâm. "Những quán này tiềm ẩn nguy cơ mại dâm rất lớn. Sau khi cắt tóc gội đầu, nhiều khách có hẹn hò với nhân viên đi nơi khác...", ông chủ tịch phường nhận định.
Mặc dù, phường Thịnh Quang nhiều lần họp với các hộ kinh doanh dịch vụ "nhạy cảm" này và đặt ra quy định như: không được đứng dưới đường chèo kéo khách, không được để đèn màu, nhân viên ăn mặc kín đáo, trong phòng không được chia ngăn... nhưng hầu hết các quán đều không tuân thủ quy định này.
Ông Hòa cho biết, hiện chưa biết xử lý các quán vi phạm này ra sao bởi họ có giấy phép do Phòng Kinh tế kế hoạch quận Đống Đa cấp. "Tôi đề nghị, hết thời hạn kinh doanh, quán nào muốn cấp phép lại phải xin ý kiến của địa phương", ông chủ tịch phường nêu giải pháp xử lý tình trạng quán thư giãn bao vây trường học.
Theo Nghị định 11 ban hành tháng 1/2006, địa điểm kinh doanh các mặt hàng nhạy cảm như vũ trường, quán karaoke, Internet... phải cách xa trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, cơ quan hành chính nhà nước... ít nhất là 200 mét. Dù được xếp trong nhóm dịch vụ kinh doanh "nhạy cảm" nhưng các quán massage, tẩm quất thư giãn lại không nằm trong nhóm các dịch vụ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này. |
Tiến Dũng