Trước phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường rằng mức thu phí tại đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình hiện cao gấp 1,5 lần, nhưng tuyến vận tải phía Bắc không có ý kiến gì, trong khi tại TP HCM - Trung Lương mức phí thấp hơn nhưng lại kêu ca, một chuyên gia ngành giao thông cho rằng cách so sánh trên là không hợp lý.
Theo vị này, dù có biểu phí tương tự như cao tốc Trung Lương, nhưng Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC, đơn vị đầu tư và thu phí cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình) đã áp dụng linh hoạt mức thu phí cơ bản. Trong đó, họ "biết nghĩ cho các loại xe hạng nặng phải chịu mức biểu phí cao".
Cụ thể, VEC quy định mức thu cho xe dưới 12 ghế ngồi, xe có trọng tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải công cộng (ở nhóm chịu mức phí thấp nhất) là 1.500 đồng/km, nhưng lại giảm mức thu phí đối với loại xe chở container 40 feet (mức thu cao nhất) ở 7.000 đồng/km. Trong khi đó, mức thu thấp nhất ở Trung Lương chỉ 1.000 đồng/km nhưng với loại xe hạng nặng lại tới 8.000 đồng/km.
Cho rằng mức thu phí hiện tại trên cao tốc TP HCM - Trung Lương quá cao nên chủ yếu chỉ có ôtô sử dụng cao tốc còn xe tải nặng và container lựa chọn đi quốc lộ 1A để tránh phải nộp phí. Ảnh: H.C. |
"Chủ trương của VEC là tăng mức thu với loại xe con, nhưng giảm giá đối với xe container nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực cho hoạt động lưu thông hàng hóa", đại diện VEC cho biết.
Số liệu của VEC cũng cho thấy, sau hơn 3 tháng thu phí, lượng xe container đi tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình chiếm tới 30% doanh thu. Trong khi đó, tại đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, loại xe chở hàng phần lớn đều chuyển sang đi quốc lộ 1A.
Bên cạnh đó, do đoạn Cầu Giẽ - Ninh Bình chỉ dài 20 km, bằng 1/2 cao tốc TP HCM - Trung Lương nên tổng số phí của các phương tiện luôn thấp hơn. Cụ thể, mức phí cao nhất ở Cầu Giẽ - Ninh Bình là 280.000 đồng cho hai lượt, trong khi ở Trung Lương, doanh nghiệp phải chịu mức 640.000.
Ông Lương Hoàng Trung, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải TP HCM bày tỏ, trong văn bản kiến nghị Thủ tướng thay đổi mức phí cao tốc Trung Lương, hiệp hội xin tập trung vào 3 nhóm chịu mức phí cao vì còn nhiều điểm bất hợp lý. Cụ thể là ôtô từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải từ 4 tấn đến dưới 10 tấn với mức phí là 2.200 đồng/km (nhóm 3); xe từ 10 đến dưới 18 tấn và ôtô chở hàng bằng container 20 feet chịu phí 4.000 đồng/km (nhóm 4); xe từ 18 tấn trở lên và ôtô chở hàng bằng container 40 feet với mức phí 8.000 đồng/km (nhóm 5).
"Thực tế, lượng xe lưu thông trên cao tốc Trung Lương giảm đáng kể là ở 3 nhóm này. Còn đa số là xe thuộc nhóm phi thương mại do cá nhân sử dụng, không ảnh hưởng vào giá cả hàng hóa", ông Trung nêu.
Sắp tới trên quốc lộ 1A đoạn Bình Chánh - Trung Lương sẽ có thêm một trạm thu phí, khi đó dù không đi cao tốc, các xe vẫn phải đóng phí. Ảnh: H.C. |
Theo ông Trung, cách tính phí cao tốc hiện nay cũng không đúng với thực tế, bởi giá vận chuyển một container 20 feet và 40 feet chỉ chênh lệch ở cước tàu biển, còn đường bộ là như nhau. Trong khi đó ở cao tốc Trung Lương, container 40 feet phải chịu mức phí gấp đôi loại 20 feet là không đúng.
Điểm vô lý thứ hai mà ông Trung nêu ra, đó là loại xe có trọng tải 19 tấn lại đang phải đóng mức phí gấp đôi xe 18 tấn. "Xe tải trọng 18 tấn chở hàng từ TP HCM đi Tiền Giang với giá vận chuyển 1,8 triệu đồng, trong đó doanh nghiệp lãi khoảng 300.000 đồng. Nhưng nếu xe chở 19 tấn, cước vận chuyển chỉ tăng 100.000 nhưng lại phải đóng phí cao tốc gấp đôi vì xe này bị tính như xe container. Điều này là quá phi lý, doanh nghiệp sẽ lỗ", ông Trung nêu.
Về việc đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1A, ông Trung cho rằng Hiệp hội không phản đối, nhưng phải làm đúng theo Pháp lệnh về phí. Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra thu phí để điều phối giao thông và hoàn vốn cho cao tốc Trung Lương là không đúng.
Mức thu phí đang áp dụng của cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được chia làm 5 loại, mức thấp nhất 30.000 đồng một lượt dành cho xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại buýt công cộng. Mức thu 35.000 đồng dành cho xe 12-30 ghế ngồi, xe có tải trọng 2-4 tấn. Mức thu 45.000 đồng áp dụng với xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe có tải trọng từ 4-10 tấn Với xe có tải trọng 10-18 tấn và xe container 20 feet mức phí sẽ là 70.000 đồng mỗi lượt. Và cuối cùng, mức thu cao nhất 140.000 đồng cho xe từ 18 tấn trở lên và container 40 feet. Cao tốc TP HCM - Trung Lương đang thu 1.000 đồng một km, và các phương tiện đưa chia thành 5 nhóm: xe dưới 12 ghế ngồi, xe có trọng tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải công cộng có mức phí 10.000-40.000 đồng. Xe từ 12 đến 30 ghế ngồi, xe có trọng tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn có mức phí 15.000-60.000 đồng. Xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có trọng tải từ 4 tấn đến dưới 10 tấn là 22.000-88.000 đồng. Đối với xe có trọng tải từ 10 đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng container 20 feet sẽ phải nộp 40.000-160.000 đồng. Từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet mức phí là 80.000-320.000 đồng. |
Hữu Công