“Đoàn luật sư thành phố đang giúp chúng tôi phát mẫu đơn cho bà con nông dân để họ điền vào, sau đó thu lại. Nếu không có gì thay đổi và công việc tiến triển thuận lợi thì khoảng cuối tháng 7, nông dân 3 tỉnh sẽ đưa vụ việc ra tòa”, ông Nguyễn Văn Phụng, Phó chủ tịch Hội nông dân TP HCM cho biết.
Theo ông Phụng, chậm nhất là đến đầu tháng 8, vụ kiện Vedan bắt buộc phải tiến hành do đã hết thời hiệu khởi kiện. Theo quy định pháp luật, thời hiệu khởi kiện là trong vòng 24 tháng sau khi xảy ra vụ việc.
Nhà máy bột ngọt VeDan nằm bên sông Thị Vải, tháng 9/2008 bị phát hiện xả thải trực tiếp ra môi trường. Ảnh: K.C. |
Từ khi vụ việc Vedan “giết” sông Thị Vải bị phát hiện vào tháng 9/2008, đến nay hội nông dân 3 tỉnh đã nhiều lần nhóm họp với Vedan và cơ quan chức năng để xác định mức bồi thường. Tuy nhiên, công ty này luôn bảo vệ quan điểm của mình là đưa ra "mức hỗ trợ" thấp hơn rất nhiều.
Cụ thể, nông dân TP HCM yêu cầu bồi thường 45,7 tỷ đồng, Vũng Tàu 53 tỷ đồng, Nai 120 tỷ đồng. Vedan chỉ chịu trả cho TP HCM 7 tỷ đồng, Vũng Tàu: 10 tỷ đồng, Đồng Nai 15 tỷ đồng.
Ông Phụng cho biết, kết quả khảo sát về mức độ ô nhiễm trên sông Thị Vải do chất thải Vedan của Viện Môi trường là một yếu tố quan trọng để tham khảo tại tòa. Hiện Viện Môi trường xác định Vedan gây ra 89% ô nhiễm ở sông Thị Vải, Vedan chỉ đồng ý mức 65%, cả hai thống nhất lại con số 77%. Trong đó, vùng ô nhiễm nghiêm trọng được Viện chỉ ra có tới 30,3 % do Vedan, Vedan chỉ chấp nhận tỷ lệ 22%, cuối cùng hai bên nhất trí 26%. Tương tự, vùng ô nhiễm nhẹ: Viện đưa ra con số 10%, Vedan chịu 6,8%, mức trung bình là hơn 8%. |
“Dựa vào những con số này có thể nói Vedan là tác nhân gây hại chính môi trường sông Thị Vải. Phía Vedan luôn yêu cầu nông dân đưa ra bằng chứng, đây là một điều rất khó nhưng không phải không thể. Nếu cần chúng tôi sẽ đi xác định đến từng hộ dân”, Chủ tịch Hội nông dân TP HCM nói.
Sông Thị Vải có chiều dài khoảng 30 km, bắt nguồn từ huyện Long Thành (Đồng Nai) chảy qua địa phận Bà Rịa - Vũng Tàu. Lưu vực sông Thị Vải có nhiều khu công nghiệp lớn của Đồng Nai như Nhơn Trạch, Gò Dầu và tiếp nhận lượng nước thải công nghiệp lớn.
Tháng 9/2008, Công ty Vedan bị cảnh sát môi trường phát hiện xả nước thải chui ra sông Thị Vải trong nhiều năm gây nên bức xúc trong dư luận. Đến cuối tháng 10/2009, công ty này bất ngờ được nhận giải thưởng "Sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng" do Ban tổ chức "trao nhầm" khiến dư luận hết sức bức xúc, giải bị thu hồi.
Hiện Vedan đã hoàn tất nộp 127 tỷ tiền phí bảo vệ môi trường và phạt hành chính 267 triệu đồng. Tuy nhiên, việc đền bù cho người dân chịu ảnh hưởng trong lưu vực sông Thị Vải đến nay vẫn chưa được giải quyết
Thanh Nhật