Đầu hè thời tiết oi bức, từng đoàn xe hối hả chạy trên đường Nguyễn Trãi - Hà Đông đến ngã tư Khuất Duy Tiến bỗng nghẽn lại. Từng chiếc xe tải hạng nặng ầm ĩ tăng ga chầm chậm tiến vào con đường nhỏ hẹp trước mặt. Phía sau, hàng chục xe máy hít khói. Thế nhưng, mới chỉ thoát được đám tắc một lúc, cả đoàn xe lại bất ngờ đông cứng do đoạn đường trước mặt bị rào.
Được Chính phủ phê duyệt từ 3 năm trước, nhưng đến nay đoạn đường Khuất Duy Tiến (nằm trong Dự án đường vành đai III Mai Dịch - Pháp Vân) vẫn trong cảnh thi công dang dở. Sống trong cảnh nhà cửa bụi bẩn, mất vệ sinh, nhiều gia đình lo ngại nếu tình trạng này kéo dài đường vào nhà cũng không còn lối.
Xe tải qua đoạn rào đường xây dựng đường vành đai III. |
Tháng 10/2006, đoạn đường Khuất Duy Tiến nối từ điểm giao cắt với đường Trần Duy Hưng đến ngã ba Lê Văn Lương dài 600 mét được hoàn thành, đưa vào sử dụng chào mừng Hội nghị APEC.
Người dân phấn khởi và nghĩ rằng đoạn đường đang làm dở dài trên gần 1.000 m đến ngã tư đường Nguyễn Trãi sẽ được tiếp tục thi công và sớm hoàn tất. Từ đó đến nay, đã gần 2 năm trôi qua, công trình này vẫn ỳ ạch tiến từng bước. Hiện khu rào đường để thi công chỉ cách các cửa hàng mặt phố chưa đầy 1 mét đang bịt kín lối vào.
Anh Sơn chủ cửa hàng sửa chữa xe máy lo lắng nói: "Chúng tôi đang chết đói đây. Cửa hàng mới khai trương từ năm 2007 làm được vài tháng thì người ta bắt đầu rào đường. Vậy là phải đóng cửa mấy tháng liền, nhưng chờ mãi không thấy làm xong, sợ mất khách tôi phải mở lại. Bây giờ, 5 nhân viên của cửa hàng đều đi làm việc khác, chỉ còn mình tôi ngày ra mở cửa tối đóng vào".
Chú Nguyễn Văn Sáu, D1 tập thể Thanh Xuân Bắc nói, từ khi đơn vị thi công rào đường nhà lúc nào cũng đầy bụi, lau suốt ngày không biết chán. "Bụi bẩn thì chớ, ngay lối đi vào khu dân cư cũng đang bị sụt lở vì đơn vị thi công đào hào kỹ thuật, cứ kiểu này chẳng mấy chốc dân khu này không còn lối đi", chú Sáu nói.
Hào tuy-nen tại công trình thi công đường vành đai III đang đe dọa nhà dân. Ảnh: Xuân Tùng. |
Tuyến Lạc Long Quân (Tây Hồ) cũng rơi vào trường hợp tương tự. Khởi công cuối năm 2005, theo kế hoạch đến cuối năm 2007 công trình này sẽ hoàn thành và thông đường. Nhưng đến nay, chỉ có khoảng 1,5 km đường từ đê Nhật Tân tới ngã ba Nguyễn Hoàng Tôn - Lạc Long Quân được đưa vào sử dụng.
Gần 3 km đường còn lại vẫn trong tình trạng thi công kiểu “xôi đỗ”, nơi có mặt bằng cứ thi công, chờ lún, nơi vướng nhà dân chưa giải tỏa thì để nguyên. Chính các phương tiện thi công, vật liệu xây dựng tập kết ngổn ngang đang khiến người tham gia giao thông gặp nhiều khó khăn mỗi khi qua lại trên đoạn đường này.
Thậm chí, nhiều đoạn mặt đường bị cày xới tạo thành những "ổ gà, ổ trâu", đọng thành vũng lầy mỗi khi trời đổ mưa, gây cản trở giao thông và nguy hiểm cho người qua lại. Theo một số hộ dân, đã có không ít người điều khiển xe máy bị trượt ngã, lấm lem bùn đất vì không may sa vào vũng nước ở đây.
Đã chậm tiến độ gần một năm nhưng đến nay đường Lạc Long Quân vẫn ỳ ạch tiến từng bước. Ảnh: Xuân Tùng. |
"Nhà tôi sai người giúp việc lau dọn nhà cửa suốt ngày nhưng chỉ vài tiếng sau bụi đất lại bám đầy", chị Vân ở trên phố Lạc Long Quân vừa dứt lời, vài xe tải chạy qua cuốn theo gió cát từ công trình làm đường hất tới, bụi bay mù mịt.
Mới đây, tại buổi họp giao ban về tiến độ các dự án kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, một cán bộ đại diện Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng cho biết, tiến độ của hầu hết dự án do Bộ GTVT đầu tư trên địa bàn thành phố đang rất chậm. Trong đó có dự án đường vành đai 3, đường 32, quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội - Thái Nguyên, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nhà ga T2 Nội Bài…
Theo vị đại diện này, có hàng loạt nguyên nhân khiến các dự án trên chậm tiến độ: vướng mắc trong khâu đền bù giải phóng mặt bằng, áp giá bán nhà tái định cư; chậm phê duyệt chỉ giới đường đỏ, chậm ban hành quyết định thu hồi đất; sự phối hợp giữa các chủ đầu tư với các sở, ngành, quận, huyện còn chưa chặt chẽ…
Trong khi UBND thành phố đang hối thúc các đơn vị phải dành sự ưu tiên hàng đầu cho những dự án trọng điểm này thì người dân ngày ngày vẫn phải sống chung với khói bụi, nguy hiểm rình rập.
Xuân Tùng