"Nếu không tận mắt chứng kiến thì tôi cũng không dám tin, chiếc Camry chạy quá nhanh, đến khúc cua tài xế không giảm tốc độ nên xe bay thẳng qua dải phân cách cao 1,2 m và rơi xuống ruộng", bác sĩ Nguyễn Văn Tôn tại Trung tâm cứu hộ, y tế của đơn vị quản lý đường cao tốc kể lại.
Vụ tai nạn này xảy ra chỉ hơn một tuần nay, ngay trước tầm quan sát của đội cứu hộ y tế đường cao tốc. Theo bác sĩ Tôn, khi xe cứu thương hối hả hụ còi đỗ xịch tới nơi, hai người khách từ trong xe bị nạn thong thả bước ra ngoài mà không bị một vết thương nào. Bác sĩ vẫn còn giữ nguyên cảm giác bàng hoàng khi chứng kiến vụ việc: "Quang cảnh cứ như trong phim khi chiếc xe bay xuống ruộng, đáp xuống chỗ nước và lúa, nhờ vậy những người đi trên xe vẫn an toàn".
Ngoài chuyện xe hơi bay như chim từ trên đường cao tốc xuống ruộng, các nhân viên Trung tâm cứu hộ đường cao tốc còn nhớ như in những tai nạn cười ra nước mắt trên tuyến cao tốc đầu tiên dành cho ôtô này.
"Nhớ nhất là sự cố tài xế xe du lịch bị tăng huyết áp ngay lúc đang ôm vô lăng", một nhân viên cứu hộ cho biết. Đã nhiều lần điều khiển ôtô lưu thông trên đường cao tốc Trung Lương bình thường, chỉ có lần này bác tài liều mình thử cảm giác đua tốc độ nên "bắn" trên 100 km/h, hậu quả là huyết áp tăng đột ngột do tốc độ quá cao. Đang trên đà chạy quá nhanh không thể dừng đột ngột, bác tài phải cố điều khiển xe trong tình trạng loạng choạng gần 10 cây số mới có thể đưa được ôtô dừng trên làn khẩn cấp. Trong khi đó, những người trên xe đã kịp thời gọi cho Trung tâm cứu hộ y tế.
Khi nhân viên cứu hộ khi tiếp cận hiện trường, bác tài gần như đã ngất đi, còn tất cả khách trên xe một phen hú vía.
Cứu hộ đang kéo một xe bị sự cố ra khỏi đường cao tốc. Ảnh: Kiên Cường |
Chỉ vài hôm sau, một taxi của hãng dầu khí cũng gặp nạn trên tuyến đường này. Tài xế sau đó cho biết, khi chạy nhanh qua đoạn đồng trống, quanh cảnh đẹp tuyệt vời cùng tiếng nhạc êm dịu trong xe khiến anh ngủ quên lúc nào không hay. Lái xe chỉ tỉnh dậy lúc ôtô đã phi thẳng vào đuôi chiếc đi trước, taxi bị móp đầu, rất may không có thương vong về người.
"Sợ nhất là nguy cơ tai nạn dây chuyền, vì xe nào cũng chạy tốc độ rất cao nên va quẹt nhỏ cũng có thể gây hậu quả rất lớn", một nhân viên cứu hộ nói.
Ngoài những nguyên nhân tai nạn đến từ chính người lái xe, thì các hỏng hóc kỹ thuật của ôtô khi đi trên đường cao tốc cũng khiến dễ dàng gây nên sự cố nghiêm trọng. Theo đại diện Trung tâm cứu hộ, đã có trường hợp xế hộp đang phóng trên 100 km giờ, bánh trước bỗng lắc lư dữ dội và văng ra khỏi xe, đầu ôtô cày nát xuống đường, rất nguy hiểm.
Chỉ trong vòng 3 tuần sau khi đưa vào lưu thông, đã có hơn 300 sự cố tai nạn ôtô xảy ra trên đường cao tốc TP HCM - Trung Lương phải cứu hộ, trung bình mỗi ngày 14-15 vụ. Nhân viên của Trung tâm cứu hộ, y tế phải làm việc bở hơi tai để cấp cứu cho các xe bị nạn, còn bác tài nhiều khi khóc ròng hoặc kêu trời vì dọc tuyến đường cao tốc hiện nay không có trung tâm sửa chữa. Ôtô khi gặp nạn chỉ được kéo ra khỏi đường cao tốc để giải phóng tuyến, tránh gây ùn tắc, những việc còn lại chủ phương tiện tự giải quyết.
"Không may xe tôi vừa bị mất chiếc cờ lê để mở bánh, đến đoạn cao tốc này lại bị nổ lốp, chỉ cần một chút thời gian để thay thôi nhưng không có dụng cụ, phải lưu lại trên đường nhờ đội cứu hộ đến giúp đỡ", tài xế Tô Minh Hiển, lái chiếc ôtô từ Cà Mau lên TP HCM than trời hôm 24/2.
Sau hơn hai tiếng chờ cứu hộ, ôtô của anh Hiển mới được kéo về trạm tại Bến Lức - Long An, nhưng khu vực này cũng không có dịch vụ sửa chữa xe nào dù là những công việc đơn giản nhất. "Phải đi bộ khá xa để thuê xe ôm tìm thợ vào đây để sửa chữa", nhân viên tại trạm này chỉ dẫn anh Hiển.
Chiếc taxi bị móp đầu vì tài xế ngủ gật trên đường cao tốc được kéo về Trung tâm cứu hộ. Ảnh: Kiên Cường |
Trường hợp của anh Trung đi từ Sóc Trăng lên Sài Gòn thì bi đát hơn. Ôtô bị vỡ ống nước, không thể sửa đơn giản mà phải rã máy ra hàn lại. Đội cứu hộ kéo xế hộp của anh về đến trạm Bình Chánh thì quay đi hỗ trợ chiếc khác, trong khi khu vực này đồng không mông quạnh, không có bóng dân cư chứ chưa nói đến dịch vụ sửa chữa ôtô. "Cứu hộ chỉ kéo tới đây thôi hả, rồi làm sao xe tôi về được nếu xung quanh vắng vẻ như thế này", anh Trung bối rối nài xin đội cứu hộ đưa đến nơi có dịch vụ sửa chữa.
Cuối cùng, anh tài xế này đành nhờ nhân viên trạm gọi xe kéo tư nhân đưa ôtô của anh về tới quận 6. Tiền công kéo lên đến 800.000 đồng khiến anh méo mặt. "Mệt quá, đi đường cao tốc mà tai nạn thế này tôi sợ luôn rồi. Lỡ hết bao nhiêu công việc", người lái xe nói.
Ông Trương Minh Tuấn, Thanh tra giao thông tỉnh Long An cho biết, thậm chí nhiều xe bị sự cố phải nằm lại trên đường cao tốc cả đêm vì không kiếm được thợ sửa trong khi các xe kéo tư nhân đều bận, nhất là dịp Tết vừa rồi. "Cứu hộ chỉ đưa xe hỏng ra khỏi đường cao tốc và không tính tiền, phần còn lại tài xế phải tự lo nên rất vất vả. Xe mà "yếu" thì đừng nên đi cao tốc", ông Tuấn đưa ra lời khuyên chân thành đối với các bác tài.
Không nơi sửa chữa (trong thời gian tới sẽ có 2 trung tâm sửa chữa được xây dựng), tuyến cao tốc lại đi qua những chỗ đồng không mông quạnh, "phao" duy nhất mà lái xe có thể bấu víu vào khi ôtô gặp sự cố là alô cho lực lượng cứu hộ. Dần về chiều, tiếng bộ đàm tài xế kêu cứu vang lên mỗi lúc một nhiều, xe cứu hộ quay đầu liên tục vẫn không kịp, tài xế - cứu hộ - xe tuần tra "vật lộn" với đường cao tốc đầu tiên dành cho ôtô ở Việt Nam.
Kiên Cường
Bài 3: Cứu hộ 'ngất xỉu' trên đường cao tốc đầu tiên ở VN