Được đánh giá là dự án chiến lược về quy hoạch phát triển giao thông đô thị của TP HCM, đại lộ Đông Tây được đầu tư xây dựng với tổng số vốn lên đến hơn 13.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi đưa vào sử dụng để giảm tải cho liên tỉnh lộ 25B, mặt đường phía quận 2 từ giao lộ Đồng Văn Cống - đại lộ Đông Tây đến cầu vượt Cát Lái bắt đầu xuất hiện tình trạng sụt, lún, nhiều chỗ bị nứt.
Mặt đường đại lộ Đông Tây đoạn từ giao lộ với đường Đồng Văn Cống đến cầu vượt Cát Lái (quận 2) bị sụt lún chênh nhau đến hơn 10 cm khiến xe không thể chạy nhanh. Ảnh: H.C. |
Trong đó nặng nhất là đoạn từ giao lộ đại lộ Đông Tây - Liên tỉnh lộ 25B đến giao lộ đại lộ Đông Tây - Lương Định Của. Khoảng 800 m đường bị lún hẳn xuống theo lằn bánh xe, bê tông nhựa bị trồi lên, gợn sóng, ôtô chạy bị dằn xóc mạnh, có đoạn bị lún sâu hơn 10 cm.
Đường cao tốc TP HCM - Trung Lương có tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng, được khởi công từ cuối năm 2004, tổng chiều dài 62 km. Chỉ 4 tháng sau khi được thông xe, đường dành cho ôtô với tốc độ tối đa đến 100 km đã xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà, nền đường bị lún. Nghiêm trọng nhất là đoạn từ nút giao Trần Đại Nghĩa đến cầu Kênh 7 có độ lún trên 14 mm/tháng. Kết quả khảo sát của Ban An toàn giao thông tỉnh Long An tháng 10/2011 cho hay, đoạn qua tỉnh Long An có đến 500 "ổ" các loại, chưa kể vô số hư hỏng khác trên đường dẫn dài 22 km ở hai đầu TP HCM và Tiền Giang.Quá trình thanh tra, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng kết cấu mặt đường cao tốc TP HCM - Trung Lương bị phá vỡ do nhà thầu thi công, tư vấn giám sát chưa thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật của dự án; cấp phối của lớp đá dăm không đạt yêu cầu, nhiều hạt nhỏ, độ chặt không đảm bảo; đặc biệt là chỉ số dẻo vượt quá sai số cho phép. Nền đường đắp không đảm bảo độ chặt dẫn đến khi đưa công trình vào khai thác đã bị hư hỏng và nhiều đoạn cao tốc bị lún do thi công trên vùng đất yếu.
Đến gần cuối tháng 2, khi cao tốc TP HCM - Trung Lương bắt đầu thu phí thì công tác khắc phục sự cố sụt lún mặt đường vẫn chưa hoàn thành. Thậm chí hiện nay tại những vị trí đã được "vá" lại tạo nên những gờ cao hơn phần mặt đường còn lại gây nguy hiểm cho xe cộ, nhất là khi đang chạy với tốc độ cao.
Hàng loạt dấu "chân voi" xuất hiện trên cao tốc TP HCM - Trung Lương sau khi tuyến cao tốc được đưa vào sử dụng mới vài tháng. Ảnh: A.N. |
Ngày 24/5, tại cuộc họp với Hội đồng nghiệm thu nhà nước để tìm nguyên nhân dẫn đến tình trạng sụt lún, trồi nhựa trên đại lộ Đông Tây, các cơ quan liên quan đến dự án này cho rằng một trong những nguyên nhân chính là do xe quá tải. "Với tình trạng xe quá tải như thế, dù có thay vào mặt đường kim cương thì cũng vỡ chứ đừng nói là bê tông nhựa nóng", kỹ sư Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội cầu đường cảng nhận định. Bên cạnh đó, việc cấp phối đá ở mặt đường chưa đạt chuẩn và các phương tiện dừng chờ đèn tín hiệu quá lâu cũng được xem là lý do dẫn đến việc hư hỏng mặt đường trên đại lộ hiện đại nhất TP HCM này.
Đồng tình với kết luận trên, GS.TS Nguyễn Văn Đạt, Hội Khoa học Kỹ thuật Xây dựng TP HCM cho rằng, do kết cấu đường không đồng nhất, nền đất chỗ yếu, chỗ vững chắc nên sẽ có chỗ lún, chỗ không. "Vì vậy kết luận mặt đường bị lún do xe quá tải là hoàn toàn có cơ sở", ông Đạt nhận định.
Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress.net, luật sư Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM lại cho rằng, kết luận trên là "chưa chính xác và thiếu khách quan". "Xe qua tuyến đường này chủ yếu là ra vào cảng Cát Lái để vận chuyển hàng xuất nhập khẩu, tải trọng hàng hóa vẫn nằm trong giới hạn cho phép chứ không có chuyện quá tải gấp 2-3 lần", ông Chung nêu quan điểm.
Cũng theo luật sư Chung, nguyên nhân xe dừng lâu thì càng không khách quan. Mật độ xe ra vào cảnh Cát Lái rất đông, đèn đỏ 80 giây vẫn thường xuyên bị ùn tắc. Đúng ra, khi thiết kế đường thì người ta phải tính đến khả năng này. "Tình trạng lún 'đường ray' của đại lộ Đông Tây có thể do xử lý nền đất yếu không đạt. Cần phải xem lại quá trình xử lý nền đất yếu và việc thi công cấp phối con đường của nhà thầu", ông Chung nói.
Chung quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP HCM cho hay, việc xe dừng chờ đèn tín hiệu không thể gây nên hiện tượng lún đường vì đây chỉ là tải trọng tĩnh. Về nguyên lý khoa học, việc thiết kế đường phải chịu được tải trọng động (nguy hiểm hơn tải trọng tĩnh nhiều lần). Còn nói do xe quá tải cũng chưa chính xác vì nếu thế phải gây lún cả tuyến đường, song ở đây chỉ bị lún một đoạn.
"Nếu nói nguyên nhân xe quá tải thì phải chỉ ra được xe nào quá tải, mức quá tải trọng là bao nhiêu vì thiết kế đường đều có giới hạn tải trọng tối đa và hệ số an toàn. Thêm nữa, khi thiết kế chắc chắn cũng phải tính đến chuyện xử lý nền đường yếu", ông Phúc phân tích.
Ngoài ra, theo tiến sĩ Phúc, nhiều dự án có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng sớm bị hư hỏng như hiện nay cho thấy việc quản lý xây dựng "có vấn đề". Từ khâu thiết kế, thi công, giám sát và cả sử dụng đang bị buông lỏng. Bên cạnh đó, pháp luật chưa quy định chặt chẽ về người phải chịu trách nhiệm khi công trình hư hỏng nên dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm khi xảy ra sự cố.
Hữu Nguyên