Chiều 8/8, tại buổi làm việc giữa lãnh đạo TP HCM với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung thực hiện chính sách pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Đào Anh Kiệt cho biết, tuy đã giảm so với trước nhưng thành phố vẫn còn nhiều vụ khiếu nại đông người về đất đai.
Cụ thể, tình trạng khiếu nại đông người bắt đầu phát sinh từ năm 1995, đáng chú ý nhất là dự án khu dân cư Bạch Đàn, dự án khu chế xuất Tân Thuận. Đến năm 1998, số vụ ngày càng gia tăng, điển hình có dự án khu dân cư Rạch Miễu, dự án mở rộng đường song hành xa lộ Hà Nội.
Khu công nghệ cao (quận 9) là dự án mới phát sinh khiếu nại đông người. Ảnh: Tá Lâm. |
Nhiều vụ khiếu nại đông người mới xảy ra như: Dự án chung cư 289 Trần Hưng Đạo (quận 1), dự án Khu công nghệ cao (quận 9), dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, dự án Khu đô thị Sing - Việt (huyện Bình Chánh), dự án nút giao thông Gò Dưa (quận Thủ Đức)...
"Những vụ việc này đã được thành phố tập trung giải quyết nên không tạo ra điểm nóng và không gây phức tạp tình hình trật tự xã hội tại địa phương", ông Kiệt khẳng định.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín cho biết, nguyên nhân phát sinh khiếu nại đông người là do cơ chế chính sách pháp luật còn bất cập, công tác quản lý nhà nước về đất đai thiếu chặt chẽ trong một khoảng thời gian dài, quá trình giải quyết khiếu nại ở một số quận huyện chưa đảm bảo công khai và dân chủ...
Theo báo cáo của UBND thành phố, từ năm 2004 đến nay, Văn phòng tiếp công dân thành phố đã tiếp xúc 47.203 lượt công dân, trong đó liên quan đến lĩnh vực đất đai là 30.832 lượt công dân (chiếm đến hơn 65% tổng số công dân đến khiếu nại). Trong số này, có 20.059 trường hợp khiếu nại, 5.167 trường hợp tố cáo.
Mặc dù thành phố luôn tập trung giải quyết tranh chấp, khiếu nại và tố cáo nhưng số lượng quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai bị khiếu nại vẫn còn nhiều. Cụ thể, trong vòng 8 năm (2004 - 2011), tổng số quyết định hành chính trong quản lý đất đai là 31.341 quyết định nhhưng có đến 5.059 quyết định bị khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, chỉ có 3.597 quyết định được giải quyết, còn tồn đọng đến 1.462 quyết định (chiếm gần 30%).
Đa số các đơn tranh chấp, khiếu nại và tố cáo về đất đai liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Các vụ này tập trung nhiều tại các quận huyện ngoại thành có tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị hóa cao như quận 2, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân, huyện Bình Chánh và Hóc Môn.
Cán bộ và lãnh đạo UBND phường xã, chủ tịch và phó chủ tịch UBND quận huyện là những người bị tố cáo nhiều nhất. "Tuy nhiên, qua kiểm tra phần lớn nội dung tố cáo là không có cơ sở, một số trường hợp tố cáo với lời lẽ gay gắt nhưng không có căn cứ", vị Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường cho biết.
Trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài. Đồng thời, sẽ tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ trực tiếp tiếp dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo. Công tác thanh tra và kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu về thi hành pháp luật khiếu nại, tố cáo cũng sẽ được tăng cường.
Về giá đất nông nghiệp tại các đô thị lớn để tính bồi thường khi nhà nước thu hồi đất, UBND TP HCM kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngoài việc bồi thường theo giá hiện hành cần được nhà nước điều tiết thêm một phần cho người sử dụng đất nông nghiệp tương ứng với mức 10% đến 15%.
Ngoài ra, thành phố cũng kiến nghị Thanh tra Chính phủ nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo đối với trường hợp lợi dùng quyền khiếu nại để gây rối và vu khống.
Trước kiến nghị này, ông Nguyễn Văn Giàu - Trưởng đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, sẽ báo cáo Quốc hội và Chính phủ xem xét.
Tá Lâm