- Chu vi hàm của con cá mập bị sa lưới ngư dân hôm 13/4 khớp với dấu vết cắn để lại trên người các nạn nhân tắm biển bị cá tấn công. Theo ông, đủ cơ sở để khẳng định thủ phạm đã bị bắt?
- Chi cục Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản Bình Định bước đầu đã xác định con cá này là thủ phạm tấn công hàng loạt người tắm biển Quy Nhơn hồi tháng 1. Tuy nhiên, về mặt khoa học, tôi cho rằng chưa đủ cơ sở để khẳng định điều này. Để chính xác, không chỉ đo độ rộng hàm cá mập, mà còn phải xác định cỡ răng, nghiên cứu mẫu vật...
Ngoài ra, cũng không nên mang tâm lý đã bắt được cá mập cắn người tắm biển nên dỡ bỏ toàn bộ cảnh báo có cá dữ gần bờ. Hiện chúng ta chưa thể biết được cá mập gần bờ biển Quy Nhơn chỉ một cá thể hay đi theo đàn. Do đó địa phương cần tiếp tục duy trì cảnh báo cá dữ cho người tắm biển, lập các trạm cứu hộ bãi tắm, quy hoạch lại khu vực nuôi trồng thủy sản và cảng cá không để gần bờ như hiện nay.
Con cá mập bị ngư dân bắt hôm 13/4 có chu vi hàm 17 cm, khớp với vết cắn để lại trên người các nạn nhân. Ảnh: Minh Thảo |
- Từ đầu năm đến nay, 3 con cá mập đã bị ngư dân bắt được, trong đó có 2 con nặng từ nửa tấn trở lên. Việc cá mập khổng lồ vào quá sát bờ biển thời gian qua chứng tỏ điều gì?
- Có thể nói đây là một hiện tượng bất thường vì lâu nay Việt Nam chỉ có cá mập nhỏ. Tuy nhiên, để khẳng định nguyên nhân của nó thì cần phải có một cuộc nghiên cứu nghiêm túc, khoa học. Là một nhà khoa học, tôi không thể phỏng đoán nguyên nhân, vì cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có một đề tài khoa học nào nghiên cứu về cá mập.
Về góc độ tự nhiên thì nhiều vùng biển nước ta có cá mập, cá nhám nhưng đều thuộc loại hiền và sống ở ngoài khơi. Cá mập chỉ vào bờ (ở các ghành đá) để đẻ, sau đó lại bơi ra khơi. Ngư dân ở Bình Định, Phú Yên vẫn thường đi săn cá mập, cá nhám. Tuy nhiên, chưa ghi nhận trường hợp nào cá mập vào sát bờ để cắn, ăn thịt như ở Australia, Nam Phi…
Con cá được bán với giá 3 triệu đồng, người mua chở đi trên xích lô. Ảnh: Minh Thảo |
- Nhiều người nghĩ đến khả năng có cả đàn cá mập đang ở quá gần bờ biển, sau khi liên tiếp nhiều con cá bị bắt. Ông nghĩ thế nào về khả năng này?
- Tôi cho rằng chưa có cơ sở để đưa ra kết luận cá mập đi thành đàn ở gần bờ biển Quy Nhơn. Tuy nhiên, cũng không loại trừ và cần phải có một cuộc nghiên cứu chính thức từ phía cơ quan khoa học về khả năng này.
Viện Hải dương học Nha Trang cũng đã đăng ký đề tài nghiên cứu cá mập ven bờ biển Việt Nam lên Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn, đang chờ duyệt. Chúng tôi hy vọng việc nghiên cứu, khảo sát một cách khoa học sẽ đưa ra những lời giải cho nguyên nhân cá mập cỡ lớn lần đầu tiên bị ngư dân bắt quá gần bờ biển Quy Nhơn.
Trong thời gian này, người tắm biển cũng cần tiếp tục cảnh giác, nên đi thành đoàn để có thể giúp nhau khi có tình huống bất trắc. Khi cá thấy đông người, chúng cũng sẽ sợ bỏ đi ra xa.
Minh Thảo