Còn đại tá Toản lại giở những bức ảnh đã nhuốm màu thời gian chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những lần nói chuyện với sinh viên, tiếp đoàn khách nước ngoài… Tấm ảnh nào cũng có người cận vệ dáng cao gầy đứng bên cạnh. Ông Toản nhoẻn miệng cười bảo: "Người này là tôi đấy!".
Đang làm Bí thư Đảng ủy xã, năm 1949 ông Toản được tỉnh Quảng Nam điều động bổ sung cho chiến trường miền Nam. Xông xáo, năng động, ông là một trong số rất ít cán bộ miền Nam được cử đi học lớp đào tạo Công an nhân dân Việt Nam khóa 1 tại căn cứ Việt Bắc.
Nằm trong đoàn quân về tiếp quản thủ đô Hà Nội, ông Toản được chọn vào đội ngũ 40 người cận vệ bảo vệ Hồ Chủ tịch và lãnh đạo cao cấp của Chính phủ từ năm 1953 đến 1969. "Nhận nhiệm vụ này tôi vui không gì bằng. Đơn giản vì ngày nào cũng được gặp Bác, điều mà hàng triệu người Việt Nam ao ước", ông Toản nhớ lại.
Ông Phạm Ngọc Toản, người cận vệ 15 năm bảo vệ Hồ Chủ tịch. Ảnh: Nguyễn Đông |
Công việc chính của ông Toản là bảo vệ vòng ngoài, lo chuẩn bị những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm. Sống gần Người, ông Toản cảm nhận được chính là sự giản dị và tiết kiệm. Hồ Chủ tịch vẫn thường dặn anh em cận vệ lấy báo đã đọc làm phong thư, hay tắt điện khi ra khỏi phòng…
Gặp người lạ, bao giờ Hồ Chủ tịch cũng hỏi chú tên gì? Quê quán ở đâu? Gia đình thế nào? Vợ con ra sao? "Chính những câu hỏi đơn giản này tạo cho người đối diện sự gần gũi. Đối với anh em cận vệ chúng tôi, Bác đối xử như cha con trong nhà. Dịp cuối tuần anh em lại được bác mở tivi cho xem phim, ai cũng thích thú", ông Toản tâm sự.
15 năm trong vai trò người cận vệ, ông Toản bảo cũng có những kỷ niệm buồn. Đôi mắt nhìn xa xăm, ông chậm rãi kể, năm 1953, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Lưu Thiếu Kỳ sang thăm Việt Nam. Hồ Chủ tịch đứng đón ở phủ, sau khi chào hỏi xã giao, Hồ Chủ tịch mời khách vào trong, còn mình lán lại vẫy tay cho đồng bào đứng phía ngoài ra về.
"Bác cầm trên tay điếu thuốc và nhìn quanh xem ai có lửa để hút. Tôi vội lấy diêm nhưng quẹt mãi không cháy. Đúng lúc đó thư ký Kỳ bước đến bật lửa mời Bác hút thuốc. Tôi thấy ân hận vô cùng vì đã không làm tròn nhiệm vụ. Có những bất trắc nhỏ nhưng dễ gây ra hậu quả lớn", ông Toản bộc bạch.
Ngày 1/5/1969, Hồ Chủ tịch đến dự lễ mít tinh ngày Quốc tế lao động tại Hội trường Quốc hội. Khi ấy sức khỏe đã yếu, sợ lãnh tụ lên bậc thang ngã, ông Toản vội chạy đến dìu thì Chủ tịch ngã tựa vào người ông. Mắt ông Toản ngấn nước vì lo cho sức khỏe vị cha già dân tộc. Đó cũng là lần cuối cùng ông được gặp và bảo vệ Người.
Ông Toản (người gầy, hàng giữa thứ hai từ trái sang) trong lần bảo vệ Hồ Chủ tịch thăm ĐH Bách khoa Hà Nội năm 1963. Ảnh tư liệu. |
Sau này ông Toản được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng trường An ninh E1171, lãnh đạo trường Công an 5 ở huyện Núi Thành, Quảng Nam. Các con ông đều theo nghề công an, rồi lập gia đình với người cùng ngành khiến bà con xã Tam Nghĩa vẫn thường đùa: "Gia đình ông Toản là gia đình công an".
Khi về nghỉ hưu, ông đi đầu trong việc vận động người dân treo cờ và ảnh Hồ Chủ tịch. Riêng những câu chuyện về lãnh tụ, dù tuổi cao nhưng ông vẫn không quên vì vẫn thường xuyên kể trong những dịp được tỉnh Quảng Nam, huyện ủy Núi Thành, Sư đoàn 859 mời.
"Điều dễ nhận thấy ở ông Toản chính là đức tính trung thực thẳng thắn mà có lần ông tâm sự là học được từ Bác Hồ. Ông là nhân chứng sống với những câu chuyện kể về Hồ Chủ tịch khiến người dân Quảng Nam rất tự hào", ông Nguyễn Tiến, Bí thư Huyện ủy Núi Thành nhận xét.
Nguyễn Đông