Sau hai ngày rao bán không thành, cả làng Xuân Hải (tỉnh Phú Yên - quê ông Nguyễn Trong, ngư dân bắt được cá mập) phải chôn con cá này trước sự tiếc rẻ của nhiều người. Sáng nay, ông Trần Minh Ngại, Trưởng thôn 5, xã Xuân Hải, xác nhận toàn bộ bộ phận của con cá mập nặng hơn một tấn (đã được xẻ thịt để bán lẻ) đã được đem chôn vào đêm 5/2 tại một động cát ven biển thuộc thôn này.
Từ chỗ có thể kiếm được vài chục triệu đồng từ con cá, gia đình ông Trong lại bị lỗ đến cả chục triệu đồng do các khoản chi phí vận chuyển đi “tiếp thị” bán cá. Trao đổi với VnExpress.net, ông Trong bấm đốt ngón tay tính, ngoài khoản chi phí vận chuyển khoảng 4 triệu đồng, dàn lưới trị giá khoảng 20 triệu đồng của gia đình đã bị cá mập quần thảo băm nát khi vây bắt; thiệt hại thêm khoảng 6 triệu đồng nữa, tổng cộng là 30 triệu đồng.
Con cá mập bị bắt quá lớn nên phải dùng cần cẩu để đưa lên bờ. Ảnh: Minh Thảo |
Bà Nữ, vợ ông Trong than thở, mấy ngày nay cả nhà buồn rầu ngồi hì hụi vá lại dàn lưới. Hai con trai bà có gia đình riêng, nhưng do không nhiều vốn liếng nên phải làm chung với cha mẹ, nay dàn lưới bị hỏng khiến gia đình họ cũng bị "treo niêu".
Hôm bắt được cá mập, nhiều người trả giá gần 30 triệu đồng nhưng gia đình ông Trong không đồng ý bán. Sau nhiều lần ngã giá bất thành với các thương lái, người này đồng ý bán con cá mập cho Viện Hải dương học với giá 22 triệu đồng. Tuy nhiên, khi tiếp cận thì cơ quan này lại không đồng ý mua nữa vì cá mập đã mất bộ răng, một số bộ phận khác không còn nguyên vẹn.
Cuối cùng, ông Trong bán con cá mập này cho một người bà con là bà Nguyễn Thị Thơm để nhận 30 triệu đồng. Bà Thơm xẻ thịt con cá đưa ra Quy Nhơn bán, nhưng không tiêu thụ được miếng nào, đành phải trả lại cho “khổ chủ”. Nguyên nhân, theo gia đình ông Trong, một số ngư dân cho rằng đây là cá Ông, một loài cá linh thiêng mà người miền biển hết mực tôn thờ, không bao giờ ăn thịt.
Thế là sau khi trầy da tróc vảy bắt cá mập khổng lồ, nhưng không bán buôn gì được, trong đêm 5/2, gia đình ông Trong ngậm ngùi tiếc nuối đem chôn con cá trước sự chứng kiến của nhiều người.
Chiếc vây cá mập dựng cao như cánh buồm. Đây là loài cá mập trắng, nằm trong danh sách cần bảo tồn vì có nguy cơ tuyệt chủng. Ảnh: Minh Thảo |
Theo các chuyên gia ngư loại học của Viện Hải dương học, con cá mập bị bắt là loài cá mập trắng lớn có tên khoa học là Carcharodon carcharias, thuộc họ cá nhám thu. Loài cá này phân bố phổ biến ở Đại Tây Dương, vùng biển Châu Úc, vùng biển Ấn Độ - Tây Thái Bình Dương, gồm cả biển Đông. Chiều dài tối đa của nó có thể lên đến 8m.
Loài cá này rất nguy hiểm và có thể chủ động tấn công người. Do khai thác quá mức, hiện số lượng cá thể thuộc loài này còn lại rất ít. Cá mập trắng lớn được xếp vào danh mục sinh vật nguy cấp cần bảo tồn.
"Đây là lần đầu tiên một con cá mập trắng lớn như thế này dạt vào vùng ven biển Việt Nam", ông Võ Sĩ Tuấn, Phó Viện trưởng Hải dương học Nha Trang cho biết.
Con cá mập trắng lớn bắt được ở Sông Cầu có chiều dài toàn thân là 4,9 m, vòng bụng 3,5 m và chiều rộng răng hàm là 65 cm, vòng cung hàm có thể lên đến trên 1 m. Ông Tuấn khẳng định, với chiều rộng răng hàm như thế này, đây không phải là con cá cắn người ở vịnh Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) trong thời gian vừa qua. Vết cắn đo được trên tay chân các nạn nhân chỉ vào khoảng dưới 20cm. Hơn nữa, nếu con cá mập trắng lớn này tấn công người thì nạn nhân khó bảo toàn tính mạng.
Hồi đầu tháng 1, hàng chục người tắm biển ở Quy Nhơn bị cá dữ tấn công bị thương, phải nhập viện cấp cứu, khiến người dân hoang mang, lo lắng. Các chuyên gia Viện Hải dương học Nha Trang xác định, cá cắn người thuộc họ cá nhám, chưa xác định được loài vì không có mẫu vật; đồng thời cảnh báo người dân không được tắm biển quá xa bờ và phải đi nhóm đông người. Chính quyền địa phương phải treo thưởng cho người bắt được cá mập và lập đội săn bắt cá mập để đảm bảo an toàn cho vùng biển đẹp miền Trung.
Minh Thảo