Đại lộ Thăng Long (trục đường Láng - Hòa Lạc trước đây) bắt đầu từ ngã tư giao cắt với đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng, đi qua qua địa bàn các huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai và Thạch Thất đến ngã tư giao với Quốc lộ 21A (km 31 + 64, điểm đầu của đường Hồ Chí Minh).
Ngày 14/7, HĐND Hà Nội đã nhất trí đặt tên trục đường Láng - Hòa Lạc là Đại lộ Thăng Long. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đại lộ Thăng Long gồm 2 dải đường cao tốc quy mô mỗi chiều 3 làn xe; 2 dải đường đô thị 2 làn xe; dải phân cách giữa; 2 dải đất dự trữ và dải trồng cây xanh, vỉa hè. Hệ thống đèn cao áp gồm 5 hàng chạy dài suốt tuyến. Với chiều dài 28 km, đây là đại lộ dài nhất Việt Nam.
Để chuẩn bị cho lễ thông xe, UBND Hà Nội đã yêu cầu Công an thành phố, Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện Thạch Thất, Hoài Đức, Quốc Oai và Từ Liêm kiểm tra, xử lý nghiêm các lều quán, biển quảng cáo lấn chiếm, cũng như tình trạng đổ phế thải dọc Đại lộ Thăng Long.
Trong dịp đại lễ, nhiều công trình trọng điểm khác như dự án cầu Vĩnh Tuy, tượng đài Thánh Gióng, công viên Hoà Bình, Bảo tàng Hà Nội cũng sẽ hoàn thành.
Xuân Hoa