Tham luận tại hội thảo "Dự án quy hoạch bảo tồn, cải tạo, phát triển cầu Long Biên và khu vực liên quan" sáng 20/9, nhà báo Daniel Roussel (người Pháp) đặt vấn đề: "Có nên kéo đổ tháp Eiffel tồn tại từ hơn một thế kỷ nay chỉ vì nó không hữu ích theo nghĩa thông dụng và chiếm quá nhiều diện tích giữa trung tâm thủ đô Paris? Đó là chưa kể phải thường xuyên duy tu và bảo dưỡng tháp".
Nhà báo Daniel Roussel. Ảnh: VOV. |
"Đương nhiên những câu hỏi này sẽ không bao giờ được đặt ra vì tháp Eiffel là biểu tượng của cả Paris và nước Pháp", ông nói và cho rằng cầu Long Biên là niềm tự hào của một dân tộc đã dũng cảm đứng lên đấu tranh giải phóng đất nước khỏi chế độ thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Cầu là con rồng kỳ diệu mang trên mình bề dày lịch sử và sẽ là công cụ kết nối Việt Nam với các dân tộc trên thế giới.
"Nên biến cầu Long Biên thành biểu tượng của thủ đô Hà Nội, là thành tố kinh tế quan trọng trong việc thu hút du khách giống như cầu Nghệ Thuật ở Paris. Đây sẽ là nơi du khách đến tham quan và cảm nhận những dịch vụ du lịch văn hóa quy hoạch đồng bộ trên và xung quanh cây cầu như triển lãm, bảo tàng, cửa hiệu, các chương trình nghệ thuật truyền thống giới thiệu lịch sử, truyền thuyết của Việt Nam", ông Daniel góp ý.
Kỹ sư cầu đường Daniel Biau thì cho rằng, dự án cải tạo mới cầu Long Biên nên được ưu tiên vì cây cầu là biểu tượng của thủ đô. "Cầu có thể chịu được tàu điện loại nhẹ giống như cầu Đá ở Bordeaux và cũng nên bắt chước giống như cầu Nghệ Thuật ở Paris, phải tiếp tục dành cho người đi bộ. Nên tổ chức một cuộc thi kiến trúc mang tầm quốc tế bao gồm việc cải tạo mới cây cầu, khu vực quanh cầu và bãi giữa", Daniel Biau gợi ý.
Theo Daniel Biau, trên thế giới những cây cầu luôn tạo được dấu mốc của lịch sử đô thị. Khi cầu Long Biên có được vị trí xứng đáng trong cảnh quan thành phố, các vùng kinh tế hai bên bờ sông Hồng sẽ được kết nối và Hà Nội sẽ cất cánh, khẳng định tầm quan trọng của mình đối với thế giới.
Theo các chuyên gia nước ngoài, cầu Long Biên nên được ưu tiên cải tạo vì cây cầu là biểu tượng của thủ đô Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trước đó, trong buổi tọa đàm về cải tạo cầu Long Biên do Hội quy hoạch đô thị Việt Nam tổ chức, bà Nguyễn Nga, kiến trúc sư quy hoạch đô thị Paris đã nêu ý tưởng biến cầu Long Biên thành bảo tàng.
Trong tương lai, cầu Long Biên mới sẽ được xây dựng để phục vụ giao thông đường sắt, cây cầu già cỗi hiện nay có thể bị phá hủy. Kiến trúc sư Nguyễn Nga mong muốn biến cây cầu này thành bảo tàng lịch sử cận đại dài nhất trên thế giới. Để thực hiện ý tưởng này, cầu sẽ được nâng thêm 3 mét để cho tàu thuyền dễ dàng đi lại, gắn pháo trên những nhịp cũ để giữ lại ký ức một thời hào hùng của dân tộc.
Bên cạnh đó, theo bà Nga, đường ray ở chính giữa trở thành một không gian mới dành riêng cho những hoạt động văn hóa sáng tạo. Bảo tàng Nghệ thuật đương đại, công viên nghệ thuật, tuyến phố đi bộ xanh mang tên “Đại lộ hòa bình” cũng sẽ được xây dựng đồng bộ.
Cầu Long Biên là cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng tại Hà Nội, được khởi công xây dựng vào tháng 9/1898, do hãng Daydé-Pillié (Pháp) thiết kế và thi công, khánh thành tháng 2/1902. Cầu được đặt tên là cầu Doumer (theo tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer). Cầu chính qua sông dài 1.682 mét và cầu dẫn dài 896 mét, gồm 19 nhịp đặt trên 20 trụ cao hơn 40 mét (kể cả móng). Cầu chia thành 9 khung khổng lồ, mỗi khung dài 61 mét. Giữa là đường xe lửa, hai bên là đường đi bộ. |
Hoàng Thùy