Trên đường đi giao cơm. Ảnh: Người Lao Động. |
Đó chính là hoạt động mang tên “Bữa cơm nhân ái”, được 50 đoàn viên phường 11, quận 8, TP HCM thực hiện bằng nỗ lực và tấm lòng chia sẻ. “Lúc đầu chúng tôi nghĩ chỉ tổ chức được vài bữa thôi, thế mà hoạt động kéo dài được 4 năm. Nếu không có tấm lòng tình nguyện của các bạn đoàn viên chắc hoạt động này khó duy trì”, chị Phan Kiều Thanh Hương, Bí thư Đoàn phường 11, tâm sự.
Chị Thanh Hương cho biết, “Bữa cơm nhân ái” được phát động vào năm 2003. Hồi đó, Đoàn phường và Hội Chữ thập đỏ phường 11 tổ chức đợt phát thuốc và nấu một bữa cơm cho những cụ già neo đơn của phường. Thấy các cụ già yếu, không người chăm sóc, lại phải lặn lội đến tận phường để nhận phần, các bạn đoàn viên ai cũng thương. Cô bí thư Đoàn phường đem ý tưởng của mình nói lại với các bạn đoàn viên: "Từ nay, phải đến tận nhà hỏi thăm và chăm sóc cho các cụ già neo đơn". Không ngờ, tất cả đoàn viên ủng hộ và sẵn sàng vào cuộc. Sau đó, Thanh Hương cùng các bạn đoàn viên đến tận nơi các cụ sinh sống, để hiểu hoàn cảnh của mỗi người.
Mỗi người một số phận nhưng họ đều có điểm chung là nghèo và không có người chăm sóc. Đó là ông Hồng ở trong một căn nhà lụp xụp, từ khi mẹ mất, đành thui thủi một mình. Là ông Tuấn bị cụt cả hai chân, muốn di chuyển phải nhờ vào hai chiếc ghế nhựa. Hay ông Anh bị gù, sống trong những miếng gỗ ghép tạm đặt trong một con hẻm. Là bà Lan, hơn 60 tuổi, đi bán vé số kiếm tiền nuôi người em bị bại liệt. Là bà Bi, 82 tuổi, bị bệnh nặng mà không người chăm sóc.
Hằng ngày, hơn 50 bạn đoàn viên thay phiên nhau đến nhà các cụ dọn dẹp, thăm hỏi... Một thời gian, thấy việc làm của mình mang đến niềm vui cho người neo đơn, những đoàn viên tình nguyện này đã đề xuất mở rộng hoạt động: tổ chức nấu bữa cơm nhân ái cho các cụ. Đoàn phường bắt đầu đi liên hệ các tổ chức từ thiện và vận động mạnh thường quân ủng hộ.
Một hội viên của Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo thành phố biết chuyện, giới thiệu cho Đoàn phường đến chùa Lâm Quang (phường 14, quận 8) kêu gọi chùa ủng hộ cơm chay. Cứ 10h30, đoàn viên phường 11 lại mang hai chiếc giỏ to, trong đó xếp sẵn 12 chiếc cặp lồng đến chùa nhận cơm và mang đến cho các cụ. Mỗi ngày, các bạn dành một giờ để làm công việc này...
Đưa cơm mệt, nhưng vui
Chị Thanh Hương vừa xếp những chiếc cặp lồng vào giỏ, vừa kể: “Không có phụ cấp xăng xe, không tiền lương... nhưng ai cũng nhiệt tình tham gia. Nắng mưa cũng đi, không thể để cho các cụ phải nhịn đói”. Bạn Như Nguyện, một đoàn viên tình nguyện của “Bữa cơm nhân ái”, tâm sự: “Nhiều bữa, vì đi xe đạp để đưa cơm, đến trễ, thấy các cụ vẫn ngồi chờ, tụi mình áy náy lắm. Từ đó, tụi mình phải canh giờ thật chính xác, nhận cơm sớm hơn để kịp giờ ăn cho các cụ, không để các cụ ăn cơm trễ”.
Nhiều bạn đoàn viên, ngoài đi học còn phải đi làm như Huy Hào, Như Nguyện... Thậm chí, có bạn hoàn cảnh gia đình rất khó khăn như Châu Vy, bạn phải tạm nghỉ học để đi làm ở khu chế xuất, kiếm tiền phụ gia đình... Bận rộn, nhưng các bạn vẫn sắp xếp thời gian để làm tình nguyện viên. Vì tất cả đều rất nhiệt tình nên chị Thanh Hương phải “thiết kế” lịch đưa cơm thật chính xác để 50 bạn, ai cũng được tham gia.
Huy Hào tâm sự: “Đi đưa cơm cho các cụ mệt nhưng vui vì công việc mình làm có ý nghĩa thiết thực”. Một thành viên khác của đội tình nguyện, bạn Lê Công Luận, cũng cho biết: “Lúc đầu chị Hương vận động tham gia, em hơi ngại. Phần vì bận học, phần vì ngại giao tiếp. Nhưng tham gia mấy lần, em lại thấy rất vui. Có cụ đã khóc cám ơn, em rất cảm động”...
Đi giao cơm vào những ngày nắng gắt còn đỡ, chứ vào những ngày mưa thì khá vất vả. Gặp cơn mưa bất chợt, chỉ có một chiếc áo mưa, các bạn đều sẵn sàng chịu ướt, dành áo mưa để... che cơm. Xuân Cảnh nói: “Chịu ướt một chút, chỉ cần các cụ ăn ngon là tụi mình thấy hạnh phúc lắm rồi”.
Những cái tên như Châu Vy, Thu Hà, Tuyết Hồng, Ngọc Hà, Quốc Việt, Thùy Trinh, Lữ Thứ... đã trở nên quen thuộc đối với những cụ già neo đơn ở đây. Bằng tấm lòng của mình, họ đã mang đến niềm vui cho những người già nghèo khổ trong suốt 365 ngày...
(Theo Người Lao Động)