Ngoài ra, kích thước và vị trí đặt logo các nhà tài trợ trên tuyến này phải phù hợp, hài hòa, không ảnh hưởng đến bức tranh.
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch được chỉ đạo thường xuyên kiểm tra chất lượng, thực hiện dự án "Con đường Gốm sứ", báo cáo UBND thành phố những khó khăn, vướng mắc. Cơ quan này cũng phải kết hợp với chủ đầu tư xây dựng quy chế quản lý, phát huy giá trị của "Con đường Gốm sứ".
Bức tranh gốm sứ ở nút giao cầu Chương Dương. Ảnh: Đoàn Loan. |
Vỉa hè tại khu vực dự án sẽ được chỉnh trang, thay mới để đồng bộ tôn vinh giá trị công trình. UBND thành phố cũng chỉ đạo các quận có dự án đi qua xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự vệ sinh tại tuyến đường này.
Dự án mang tên "Con đường Gốm sứ" ven sông Hồng - do nhà báo, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy khởi xướng từ năm 2007 nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội - được UBND Hà Nội cho phép triển khai theo phương thức xã hội hóa trên chiều dài 6 km đê sông Hồng.
"Con đường Gốm sứ" đã tập hợp nhiều bức tranh gốm với nhiều chủ đề từ Đông Sơn đến Lý - Trần - Lê, các hoa văn thổ cẩm và tranh gốm đương đại, tranh do thiếu nhi sáng tác bày tỏ tình yêu với Hà Nội, tái hiện sử thi dân tộc Mường...
Tuy nhiên, sau khi một dự án hoàn thành, nhiều nhà văn hóa, lịch sử cho rằng bức tranh có nhiều "hạt sạn", thiếu nội dung hướng đến lịch sử Hà Nội trong suốt 1000 năm lịch sử. Đặc biệt, logo ghi tên các nhà tài trợ được dàn trải, khá "bắt mắt" trên các bức tranh gốm sứ, có thể gây hiểu nhầm là "bức tranh quảng cáo".
Đoàn Loan