- Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường vừa có văn bản trả lời chất vấn của ông. Ông đánh giá thế nào về phần trả lời này?
- Tôi gửi Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường hai câu hỏi. Câu hỏi thứ nhất là Vedan đã vi phạm pháp luật, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng trong một thời gian dài mà không bị xử lý nghiêm. Trách nhiệm của bộ, các tổ chức cá nhân trong vụ việc này thế nào?
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên của Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: TTXVN. |
Trong phần trả lời, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho rằng, có trách nhiệm của doanh nghiệp, địa phương và cả bộ trong vụ Vedan. Tuy nhiên, Bộ trưởng cần phải trả lời cụ thể hơn về trách nhiệm của bộ. Tôi thấy, thời gian vừa qua các cơ quan quản lý từ trung ương lẫn địa phương đều lúng túng trong việc giải quyết vi phạm môi trường của các doanh nghiệp.
- Nhưng thưa ông, cũng có ý kiến cho rằng Luật môi trường chưa chặt chẽ, chế tài xử phạt còn nhẹ khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn?
- Đúng là có một số ý kiến cho rằng luật của ta còn sơ hở. Tuy nhiên, tôi đã đọc lại Luật hình sự, Luật môi trường và thấy rằng không phải là chúng ta thiếu cơ sở pháp lý. Trong chế tài xử phạt có cả việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm, đối với công chức không thực hiện đúng chức năng...
Vấn đề cốt yếu, tôi cho rằng các bộ phải kiên quyết hơn và có quan điểm dứt khoát trong việc đảm bảo môi trường bên cạnh phát triển kinh tế. Nếu chỉ vì phát triển kinh tế, đảm bảo công ăn việc làm mà không xử lý kiên quyết các doanh nghiệp gây ô nhiễm thì không ổn.
Dòng sông Thị Vải ô nhiễm có hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng. Nếu bảo vệ quyền lợi cho nhóm này thì sẽ vi phạm quyền lợi của nhóm khác.
- Dung hòa lợi ích kinh tế và môi trường đang là bài toán khó với những nước đang phát triển. Ông nghĩ gì trước ý kiến cho rằng không nên quy hoàn toàn trách nhiệm ô nhiễm môi trường cho Bộ Tài nguyên?
- Đúng là vừa qua nhiều địa phương chạy theo thu hút đầu tư, xem nhẹ vấn đề môi trường. Một số địa phương không nghe chỉ đạo của Bộ, thậm chí có địa phương đẩy vấn đề lên Chính phủ, khiến quá trình giải quyết bị kéo dài. Đứng về mặt vĩ mô, cần chất vấn Thủ tướng về vấn đề này.
Ngoài ra, tôi cũng muốn Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường giải trình về công tác dự báo thời tiết trong trận mưa kỷ lục. Sau đợt ngập lụt vừa qua, nhiều cử tri, không chỉ Hà Nội rất bức xúc về công tác dự báo.
- Để xảy ra ngập lụt gây thiệt hại nặng, theo ông, trách nhiệm của các bộ trưởng như thế nào?
- Tôi cho rằng phản ứng của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương và Hà Nội chậm trễ, bị động và để xảy ra hậu quả thương tâm. Trong những trận lụt bão năm ngoái và năm nay, nhiều nơi tâm bão đi qua mà không chết ai. Tại sao Hà Nội chết đến 22 người trong đợt ngập lụt, trong đó có trường hợp sa chân xuống dưới mương giữa trung tâm thành phố.
Tôi muốn chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp, kiêm Trưởng ban phòng chống lụt bão trung ương là tại sao để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm của bộ trưởng như thế nào? Tại sao Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương đến giờ vẫn không yêu cầu thành phố Hà Nội kiểm điểm nghiêm khắc.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Dũng: Tôi đã có văn bản chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Bộ trưởng Công thương về việc tạm dừng xuất khẩu gạo khi giá thế giới lên cao khiến người dân bị thiệt hại. Theo giải trình của Bộ trưởng Nông nghiệp, công tác dự báo của bộ đúng, việc ngừng ký thêm hợp đồng là nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Nhưng tôi thấy, nói như vậy chưa ổn. Thời điểm đó, giá gạo xuất khẩu là 1.200 USD một tấn và một số nước như Thái Lan, Ấn Độ đã chớp thời cơ và thắng to. Khi chúng ta bắt đầu cho xuất gạo trở lại thì giá thế giới chỉ còn 600 USD một tấn, thiệt hại kinh tế rất lớn, nông dân điêu đứng. Tại phiên chất vấn tới, nếu Bộ trưởng Công thương và Bộ trưởng Nông nghiệp trả lời không thỏa đáng, tôi sẽ chất vấn Thủ tướng. |
Việt Anh thực hiện