Những ngày qua, xóm Gành Cả (xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) lại sôi lên không khí mua bán cổ vật. Kho cổ vật là chiếc tàu đắm 500 năm, chở theo nhiều bát đĩa gốm men ngọc, men nâu nằm ngay sát bờ được các ngư dân khai quật.
Theo giới khảo cổ, đây là loại cổ vật có giá trị gấp hàng chục lần các loại cổ vật gốm Chu Đậu trên những con tàu buôn bị đắm ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam).
20h, xóm Gành Cả nằm sát biển đã tắt điện một cách bất thường. Tuy nhiên, một làn sóng ngầm mua bán cổ vật đang len lỏi vào nhiều ngôi nhà trong xóm chài. Một đầu mối gạ gẫm: "Nhà ông anh tôi có hẳn một bộ đồ cổ men ngọc xanh da trời, anh tới coi hàng, nếu được giá thì mua, nhớ cho ít hoa hồng".
Những chiếc đĩa cổ được ngư dân vớt lên từ chiếc tàu đắm. Ảnh: Trí Tín. |
Nghe có hàng tốt, người nói rặt giọng miền Nam gật đầu lên xe đi coi. Gõ cửa mấy lần, gia đình ngư dân Thạch mới mở cửa với ý chừng cảnh giác cao độ. Ông Thạch bưng ra sàn nhà 4 đĩa men ngọc, một đĩa màu da nâu, 25 cái tô, 5 ống cắm hương và nhiều thứ lặt vặt. Săm soi một lúc, người buôn hô giá 135 triệu đồng.
Ông Thạch bê chiếc đĩa đưa lên sát mặt, tay quẹt vào đáy đĩa: "Lặn cả ngày cả buổi mới được cái đĩa này. Đáy đĩa có in bông hồng, hàng này phải tính giá gấp đôi chứ không như đĩa khác. Tổng cộng 235 triệu đồng, chịu mua không?". Người mua hàng chần chừ. Vừa lúc đó, điện thoại của ông Thạch reo lên. Ông cho biết vừa có người trả giá gấp đôi.
Tại một ngôi nhà giữa xóm, ông Hải, một người dân địa phương dẫn ông Võ Đào, một tay sành sỏi cổ vật tới xem hàng. Chủ nhà bê ra một mớ chén bát cổ bị vỡ. Ông Đào cho biết vốn là dân lặn vớt đồ cổ chuyên nghiệp, chưa bao giờ ông gặp hàng tốt như lô hàng này. Tuy nhiên chủ nhà chỉ dám đưa cho xem hàng vỡ, còn hàng tốt thì giấu.
Giữa đêm khuya, những chiếc xe chở người thu mua cổ vật thỉnh thoảng vẫn phóng xuống dốc Gành Cả và lặn vào xóm. Một phụ nữ nói nhỏ: "Họ ẵm đồ cổ đi bữa sáng sớm hôm qua. Có vệ sĩ bự bự đi theo bảo vệ, chắc cỡ tiền tỷ mới chơi cỡ đó".
Ông Phú, một người dân địa phương bật mí: "Mới xong 2 vụ, ông Đôn bán 60 cái đĩa, thu được 1,2 tỷ đồng chia cho anh em. Còn ông Dư cũng bán 30 cái đĩa thu về được 1,2 tỷ. Hai thằng cha này mới ra lặn một buổi mà thằng nào cũng móm (trúng mánh) quá trời".
Câu chuyện cổ vật bắt đầu từ mờ sáng ngày 7/9 khi người dân địa phương kéo ra xem vợ ông Dũng, một tay chuyên lặn đồ cổ trên biển gánh khoảng 70 cái đĩa cổ về nhà. Theo ngư dân ước tính, cả đêm lặn trục cổ vật, ông Dũng đã kiếm được cả trăm chiếc. Gánh đồ cổ cuối cùng chỉ là một phần nhỏ trong tảng băng chìm.
Những cú điện thoại thăm dò giá được trả lời, làng chài lập tức sôi sùng sục với thông tin: có bao nhiêu cũng sẽ mua hết, vì loại đĩa đó cái ngon nhất trị giá 60 triệu đồng! Các ngư dân nhẩm tính, nếu cộng hết thì "kho" cổ vật mà ông Dũng đang có trị giá hơn chục tỷ đồng. Trúng cú đậm này chắc lên thị xã mua nhà lầu, xe hơi.
Vậy là cả làng ầm ĩ với câu chuyện "cổ vật tiền tỷ". Nhiều chiếc tàu định nhổ neo đi khơi vội hoãn chuyến biển để lao ra điểm trục vớt, lặn cổ vật mang về. Những con tàu đầu tiên ra sục cổ vật đã kiếm được vài tỷ sau phiên lặn đầu tiên.
Ngư dân lặn mò cổ vật dưới biển. Ảnh: Tiền Phong. |
Theo các ngư dân, mỗi con tàu chở theo 4 thợ lặn, 3 thợ phụ và vớt được gì họ đều giữ bí mật. Hàng vớt lên khỏi mặt nước được bao bọc kỹ và mang ngay vào bờ. Hiện nay hàng độc chủ yếu là đĩa gốm men xanh ngọc đường kính 35 - 40 cm. Nếu bán đúng chỗ, dân mua cổ vật sẽ thu mua với giá khoảng 60 triệu đồng.
Bằng kinh nghiệm nhiều năm trục vớt, ông Thành, ngư dân địa phương nhận định, dưới con tàu này nhất định chở theo vàng. Đó là các loại đồ trang sức cho phụ nữ. Loại vàng cổ nếu mang ra đổi thì gấp 5 lần so với loại vàng thường.
Theo bà Lê Thị Chung, Phó giám đốc Bảo tàng Quảng Ngãi, những cổ vật này có niên đại cách đây 500 năm. Các nhà khảo cổ học Quảng Ngãi từng khai quật một chiếc tàu chở cổ vật ở khu vực này.
Cổ vật được mua với giá hời, còn mảnh sành cổ cũng được mua với giá 1 triệu đồng một túi. Quang, một ngư dân kể lại cảnh tượng kinh hoàng dưới hố cổ vật. Theo anh, ngư dân khoét được cái hố rộng hơn 20 mét vuông dưới đáy biển. Dưới cái hố đó, khoảng 200 ngư dân chen nhau lặn vớt cổ vật. Do nước quá đục, tất cả chỉ làm động tác mò. Khi giật lên được một cái đĩa, lập tức 10 bàn tay cùng sờ vào. Vậy là giằng co, đạp, cấu xé nhau dưới nước. Chiếc đĩa lành lặn trị giá 50-60 triệu trở thành 10 miếng mảnh sành.
Hiện, các ngư dân đã mò vào tới khoang thuyền bị chìm. Đĩa được xếp thành từng chồng 10 chiếc một. Cả khoang thuyền đầy kín đĩa men ngọc. Muốn nhấc lên thì phải đập vỡ một đĩa đầu tiên, sau đó bê cả chồng lên tàu. Tuy nhiên, với hàng trăm thợ lặn, đĩa vừa nhấc lên lập tức bị giằng xé tan hoang. Tại vị trí tàu chìm, mảnh vỡ nằm la liệt. Những ngư dân già lặn xuống hốt về cân bán kiếm thêm.
Trung, một ngư dân cho biết: "Tụi em hốt được mớ đĩa về, đó là anh em nhanh trí lượm đĩa nhét vô trong áo. Hai bữa vừa rồi, mấy ông buôn đồ cổ tới nhà trả giá". Trung cho biết đĩa men ngọc anh bán giá 40 - 50 triệu đồng một chiếc.
Hỏi chuyện cổ vật, ngư dân đều lắc đầu. Các ngư dân này cho biết, hiện nay anh em bạn trong đội tàu lặn đều thống nhất là "ém kỹ hàng" và chờ giá. Tàu nào nhiều hàng quá thì chỉ bán chừng chừng để mang tiền về cho vợ con vui.
Theo Tiền Phong