Từ 7h sáng, hàng trăm người dân đã tập trung gần cổng Đoan Môn chờ đợi mở cửa khu trưng bày ở trung tâm Hoàng Thành. Nhưng phải đến 9h, Ban tổ chức mới bắt đầu cho người dân vào tham quan. Chỉ sau 30 phút, bãi gửi xe đã hết chỗ khiến nhiều người đành bỏ về.
Lãnh đạo ban ngành trung ương và Hà Nội cắt băng mở cửa khu Hoàng thành Thăng Long dịp đại lễ. Ảnh: Đoàn Loan. |
Đứng đợi trước khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu, ông Nguyễn Tú, phường Quán Thánh, cho biết từ 7h sáng đã đến Hoàng Thành vì nghe thông tin mở cửa khu khai quật. Đã nhiều lần đến xem triển lãm về các di vật cổ song ông chưa từng được tận mắt chứng kiến các di tích còn trong lòng đất. "Tôi mong chờ ngày này từ lâu, thật vui là khu khảo cổ mở cửa vào dịp đại lễ", ông Tú bày tỏ.
Lễ khai mạc mở cửa trung tâm Hoàng thành Thăng Long diễn ra ngắn gọn với lời chào mừng của ông Đỗ Hoài Nam, Giám đốc Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Theo ông Nam, du khách sẽ được tiếp xúc, tận mắt chứng kiến một phần di tích tiêu biểu của Hoàng thành Thăng Long. Đó là chứng tích qua 1000 năm lịch sử, từ các thời Đại La, Đinh tiền Lê, thời Lý, Trần, Lê Sơ, Mạc, Nguyễn cho đến thời đại Hồ Chí Minh.
Lần đầu tiên, quang cảnh khu khảo cổ được giới thiệu với công chúng. Những giếng nước cổ, hồ cổ vẫn còn hiện hữu. |
Tại khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu, Ban tổ chức lập một sa bàn tái tạo lại kiến trúc của quần thể cung điện cổ trong diện tích khảo cổ 33.000 m2. Bên phía bắc của tượng đài liệt sĩ hiện nay là các dấu tích của thời Lý, tiếp đến là thời nhà Trần, Mạc, Nguyễn...
Quang cảnh chung khu khảo cổ với hàng loạt dấu tích tầng văn hóa, nền móng kiến trúc cung điện, giếng nước, cống nước, hồ cổ, sông cổ, di vật cổ với 10 điểm nhấn, giúp du khách có thể cảm nhận được phần nào sự đa dạng, phong phú, nối tiếp liên tục của các lớp văn hóa và di tích đang được bảo vệ nguyên trạng từ năm 2002 đến nay.
Theo ông Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện khảo cổ, Ban tổ chức đã lựa chọn hơn 150 di vật tiêu biểu để người xem có thể cảm nhận được lịch sử tóm tắt về thành Thăng Long. "Du khách sẽ thấy tầng văn hóa dày, lớp nọ chồng lớp kia, các di tích móng nền, móng trụ, đường đi, giếng nước, cảnh quan ao hồ... Tất cả là những chứng tích sát thực và tiêu biểu làm nên di sản thế giới, với giá trị nổi bật toàn cầu", ông Tín nói.
Những viên ngói xây dựng mái cung điện xưa vẫn còn đến ngày nay. Ảnh: Đoàn Loan. |
Tuy nhiên, ông Tín cũng lo ngại khi lượng khách đến khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu đông quá sẽ không đảm bảo việc thuyết minh đầy đủ. Ngoài ra, vấn đề vệ sinh, đi lại cũng có thể ảnh hưởng tới sự an toàn của di tích. "Tôi xin cảnh báo người tham quan nên đi theo hướng dẫn thì sẽ đảm bảo an toàn và bảo vệ di tích. Đây cũng là yêu cầu của Ủy ban di sản thế giới", ông Tín nói.
Sau khi tham quan khu khảo cổ, chị Thu Hiền, quận Hai Bà Trưng, nhận xét các hiện vật trưng bày rất đẹp, dễ hiểu cho người xem, song vẫn thiếu thông tin về các niên đại, thời kỳ, tính năng của hiện vật đó. Đặc biệt là tại khu khảo cổ còn thiếu biển giới thiệu và thông tin của từng điểm, khiến người xem phải tự tưởng tượng và phán đoán các hình khối cổ khi không có hướng dẫn viên giới thiệu.
8 khu vực tham quan trong Hoàng thành Thăng Long: 1. Cột Cờ: Di tích của thành Hà Nội thời Nguyễn được xây dựng vào năm 1804. 2. Đoan Môn: Cửa chính của Cấm thành thời Lê Sơ (thế kỷ 15) được xây dựng trên cơ sở Đoan Môn thời Lý và thời Trần. Tại đây còn có hố thám sát khảo cổ học phát hiện dấu tích sân nền lát gạch vồ thời Lê và móng kiến trúc có dải trang trí "hoa chanh" thời Trần. 3. Hậu Lâu: Kiến trúc được xây dựng đầu thế kỷ 20, trước đó ở đây có lầu Tĩnh Bắc (còn gọi là lầu Công Chúa). 4. Nền điện Kính Thiên: Chính điện thiết triều của nhà Lê Sơ được xây dựng trên cơ sở điện Càn Nguyên (đầu thời Lý), điện Thiên An (thời Lý và thời Trần). Trước nền điện có bậc thềm đá và lan can đá chạm rồng có niên đại năm 1467. 5. Bắc Môn: Cửa bắc của thành Hà Nội thời Nguyễn. 6. Nhà D67 và hầm D67: Được xây dựng năm 1967, nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng, nơi diễn ra một số cuộc họp quan trọng trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. 7. Nhà trưng bày "Hoàng thành Thăng Long", trưng bày 150 di vật tiêu biểu được khai quật tại Hoàng thành và các ảnh, bản vẽ giới thiệu khu di sản. 8. Nhà N32 và N32 trưng bày theo chuyên đề hơn 700 di vật được khai quật tại Hoàng thành Thăng Long bao gồm một số vật liệu xây dựng, trang trí kiến trúc, một số vật dụng sinh hoạt hằng ngày từ thời Đại La cho đến các thời Lý, Trần, Lê. Hoàng thành Thăng Long mở cửa từ ngày 2/10 đến 2/11, bắt đầu từ 8h đến 12h sáng và từ 13h đến 17h chiều. Sau 3/11, Khu di tích 18 Hoàng Diệu đóng cửa để thực hiện bảo tồn, nghiên cứu và xây dựng hồ sơ khoa học. |
Đoàn Loan