
Bà Bùi Thị An. Ảnh: Đoàn Loan
Đại biểu Bùi Thị An: Ngăn các ngã tư là giải pháp saiKhông có thủ đô nước nào trên thế giới lại không để ngã tư cho người đi bộ qua đường. Tôi thấy nhiều người nước ngoài đi trên đường phố Hà Nội cứ lùi ra lùi vào không dám qua đường. Đây là chuyện không ổn trong giao thông. Nếu đã tiến hành ngăn ngã tư thì phải song song làm cầu vượt cho người đi bộ.
Thành phố phải đưa ra các giải pháp giao thông tổng thể vừa đảm bảo mỹ quan của thành phố vừa thuận lợi cho người dân, không thể chỉ quan tâm đến người đi ôtô, xe máy.
Có nhiều biện pháp giải quyết ùn tắc đơn giản mà hiệu quả. Tôi thấy một loạt các khu đô thị mới ở ven đô không có trường học, nên nhiều người phải đưa con học trong nội đô, hay các trường học ven đường nên bố mẹ đi đón con gây ách tắc. Do vậy, chỉ cần xây dựng nhà trường trong khu đô thị, hoặc cho bố mẹ vào sân trường đón con thì sẽ giảm ùn tắc ngay.
Ngoài ra, tôi thấy nhiều điểm ùn tắc không thấy bóng cảnh sát, như là họ làm việc trong nhà. Do vậy, cảnh sát giao thông phải trực cả ngày trên đường, nhất là giờ cao điểm, thành phố có thể tăng kinh phí hỗ trợ cho lực lượng này. Đây là các giải pháp làm tốt thì sẽ có hiệu quả ngay
Sắp tới, Sở GTVT phân làn phương tiện trên hàng loạt tuyến phố, cũng là vấn đề phải nghiên cứu kỹ. Nhiều tuyến đường chỉ rộng 20m thì không thể phân làn theo phương tiện, sẽ tốn tiền của. Đừng để cứ làm rồi lại phá sẽ gây lãng phí tiền của dân.

Ông Trần Trọng Hanh. Ảnh: Hoàng Hà.
Ông Trần Trọng Hanh: Thành phố cần hình thành mạng lưới đường xương sống.Ngăn các ngã tư chỉ có hiệu quả thời điểm, tại một vài nút giao thông. Ngã tư là nơi điều tiết giao thông mà chúng ta lại đi đóng lại, do vậy nếu bỏ đi thì phải thiết kế lại nút giao thông. Tôi hiểu rằng lạm dụng phương án này chẳng qua không có biện pháp nào khác, song không nên lạm dụng nhiều.
Nếu thành phố hình thành mạng lưới đường xương sống, thì sẽ giải quyết được tình trạng ùn tắc tại các tuyến đường nhỏ, hiện nay không có xương sống thì mọi tuyến đều ùn tắc. Điều cấp thiết nhất là thành phố phải quy hoạch cho chuẩn, không nên có một thủ đô quá to, tìm thêm đô thị đối trọng để giảm áp lực dân số. Nếu di dời các nhà máy là rất khó, nói trên giấy là di dời ra thành phố song thực hiện không được nhiều.
Phân làn các phương tiện ôtô - xe máy đã được một số thành phố trên thế giới đã làm thành công, song cái chính là ý thức giao thông và nhân lực đưa ra để xử lý các vi phạm. Có thể lúc này làm được và lúc khác không làm được, chúng ta phải cương quyết và duy trì.

Ông Vũ Đức Tân. Ảnh: Hoàng Hà.
Ông Vũ Đức Tân: Tôi lo ngại tình hình giao thông vài năm tớiPhương án phân làn bằng cách ngăn các ngã tư là giải pháp tình thế, khi triển khai có một số nút phù hợp và không phù hợp. Với những tuyến đường đông người hay có tai nạn bị ngăn lại thì tốc độ phương tiện chậm lại, ít tai nạn hơn. Tuy nhiên, nhiều ngã tư đã bị lạm dụng ngăn đường tràn lan nảy sinh nhiều điểm ùn tắc.
Tôi thấy tuyến đường phân làn Nguyễn Trãi thường xuyên tắc nghẽn. Nhiều cán bộ ở nội thành Hà Nội vào Hà Đông công tác nên tạo sự di chuyển lớn. Khi sáp nhập, hạ tầng cơ sở tại nội đô chưa đủ để giải quyết những vấn đề, giao thông ùn tắc là đương nhiên.
Tôi rất lo ngại tình hình giao thông trong những năm tới nếu thành phố không có chiến lược. Biện pháp làm ngay hiện này là nên hạn chế xe cá nhân, nhất là ôtô. Cấu trúc nội đô Hà Nội không dành cho ôtô, không có chỗ đỗ xe, người ta chỉ cần đi vào cửa hàng, để xe trên đường thì đã tạo ra điểm ùn tắc.
Sắp tới, nếu tiến hành phân làn ôtô - xe máy thì càng gây ùn tắc hơn trên các tuyến có lượng người lớn. Khi đường đông quá, người ta thậm chí còn đi lên hè phố.
Đoàn Loan thực hiện