- Ông đánh giá thế nào về đề xuất thu phí hạn chế phương tiện cá nhân của Bộ Giao thông?
- Vừa qua Bộ Giao thông đề xuất đổi tên phí lưu hành thành phí hạn chế phương tiện cá nhân để đánh đúng vào đối tượng cần hạn chế. Hiện nay, cả nước có 37 triệu xe cơ giới, trong đó có 2 triệu ôtô và 35 triệu xe máy, nếu xét về xe máy Việt Nam có số lượng nhiều nhất thế giới.
Chúng ta phải có lộ trình giảm và cấm xe máy trong 10-20 năm nữa, người dân cũng phải chia sẻ các biện pháp với nhà nước. Song song với hạn chế xe, Chính phủ sẽ xây dựng đồng bộ hạ tầng, xây dựng hệ thống giao thông công cộng để tạo thuận tiện cho người dân.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: "Chắc chắn sẽ thu phí hạn chế phương tiện". Ảnh: Nguyễn Hưng.
- Nếu đề xuất trên được tiến hành, theo ông số lượng xe cá nhân sẽ như thế nào?
- Phí hạn chế phương tiện chắc chắn có tác động hạn chế xe cá nhân, nhưng giảm bao nhiêu thì còn tính. Nếu có nhu cầu thực sự người dân vẫn chọn xe cá nhân, nhưng họ sẽ phải tính toán kỹ. Gia đình tôi hiện có ôtô song chỉ dùng để về quê, tôi thường đi làm bằng xe máy hoặc xe buýt. Đi ôtô bây giờ rất khó tìm chỗ đỗ.
- Chủ phương tiện đang phải đóng rất nhiều loại phí, ông nghĩ sao về ý kiến nhà nước đang đẩy gánh nặng cho người dân?
Theo đề xuất của Bộ Giao thông, sẽ thu phí một năm là 20 triệu đồng đối với ôtô có dung tích xi lanh không quá 2.000 cm3; 30 triệu đồng với ôtô có dung tích xi lanh từ 2.000 cm3 đến 3.000 cm3 và 50 triệu đồng cho ôtô có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3. Mức thu đối với xe môtô từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng một năm. Năm sau, mức phí tăng lũy tiến 5%. |
- Hôm trước có người nhắn tin cho tôi rằng, nhà ông ấy vừa mua ôtô nên 3 xe máy để không, sắp tới có đánh phí bảo trì đường cả 4 xe? Cũng có người nhắn tin rằng, nhà họ có 4 ôtô, mỗi năm phải nộp mấy chục triệu đồng thì làm sao chịu được.
Hiện nay, kinh phí xây dựng đường bộ rất lớn, kinh phí bảo trì lại bằng 2/3 xây mới. Ví dụ xây một con đường mới mất 1.000 tỷ đồng thì phải bảo trì 700 tỷ đồng, nhà nước không có tiền, chỉ chi cho bảo trì 17 triệu đồng một km. Số tiền này chỉ đủ trả lương cho công nhân. Do vậy, người dân phải đóng góp bảo trì đường khi tham gia giao thông.
Với phí hạn chế phương tiện, nhà nước không phải là không cho người dân mua xe mà chỉ hạn chế phương tiện, để đảm bảo điều tiết an toàn giao thông. Hiện nay mỗi gia đình ở thành phố có tối thiểu 2 xe máy, như thế là đủ. Tới đây, chắc chắn đề án hạn chế phương tiện cá nhân sẽ phải xin ý kiến người dân và đưa ra Quốc hội quyết định.
- Chính phủ đã tính đến giải pháp thay thế xe cá nhân như thế nào khi tiến hành thu phí?
- Chính phủ mới phê duyệt chiến lược vận tải hành khách công cộng, riêng Hà Nội và TP HCM sẽ phát triển đồng bộ vận tải công cộng. Hai thành phố đã ùn tắc như thế này song phương tiện đăng ký mới vẫn tăng 15% mỗi năm. Trong 3 năm tới, sẽ tăng gấp đôi như bây giờ. Nếu không tiến hành thu phí ngay, với tốc độ tăng hiện nay chỉ 3 năm nữa, Hà Nội và TP HCM không còn chỗ để xe. Nếu 10 năm trước chúng ta đã thu các loại phí trên thì số lượng phương tiện không gia tăng như bây giờ.
Trao đổi với báo chí về đề nghị thu phí hạn chế phương tiện cá nhân của Bộ Giao thông, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: "Chủ trương nào cũng có hai mặt, chúng ta phải lấy ý kiến nhân dân. Nhưng cũng thấy rằng, một nước mà có quá nhiều phương tiện trong khi tai nạn giao thông như vậy, chúng ta phải có biện pháp hữu hiệu. Chúng tôi đang lấy ý kiến còn việc quyết định là Quốc hội". |
Đoàn Loan