Trao đổi trong buổi tọa đàm trực tuyến sáng 3/7 do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ông Phạm Quang Long cho rằng việc xây dựng cổng chào gắn với sự kiện đại lễ 1000 năm Thăng Long là mong muốn chung của mọi người. Công trình này đại diện cho cả Hà Nội, cho cả quá khứ, hiện tại và tương lai nên cần cân nhắc rất kỹ từ vị trí, kiểu dáng, chất liệu, công nhân...
Cá nhân ông Long cũng mong muốn có cổng chào đẹp vì các thành phố lớn trên thế giới đều có công trình này.
Cổng chào trên đường Láng Hòa Lạc với biểu tượng trống đồng. Ảnh: Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội. |
"Đây là việc làm cần thiết và không hề ngẫu hứng nhưng làm thế nào để nó đáp ứng được nhiều mong muốn của mọi người là điều cần suy nghĩ. Tôi cho là không nên vội vàng và cũng không nên áp đặt", ông Long nói.
Đồng quan điểm với ông Phạm Quang Long, ông Phùng Hữu Phú, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương cho biết thêm, khi nói về Hà Nội, một trong những cái đã đi vào tâm thức mọi người là 5 cửa ô. Song, nguyên Phó bí thư thành ủy Hà Nội cho biết, ông không thích từ "cổng chào", thậm chí, nghe còn "hơi cải lương".
"Tôi cho rằng cần phân biệt 3 khái niệm: khải hoàn môn, cửa ô và cổng chào. Nếu Hà Nội làm thì cần suy nghĩ thêm để đảm bảo tính văn hóa, lịch sử", ông Phú nói.
Ông Phú đề xuất, trong thời điểm này, Hà Nội chỉ nên xây dựng một cổng chào với ý nghĩa tượng trưng, đơn giản.
Ông Phùng Hữu Phú (trái) và ông Phạm Quang Long đều cho rằng, Hà Nội cần cân nhắc thêm về phương án xây dựng cổng chào. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Trao đổi với VnExpress, Giáo sư Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng, với ý nghĩa của "cổng chào", chỉ cần xây dựng đơn giản, nhẹ nhàng, dễ tháo lắp. "Không nên làm hàng loạt cổng chào bền vững vừa tốn kém, lại xa khu dân cư như kế hoạch hiện nay", ông Tiêu nói.
Ông cũng cho rằng, thủ đô cũng cần nghiên cứu xây dựng khải hoàn môn, đặt ở trung tâm thành phố để nói lên lịch sử, phẩm chất, bản sắc văn hóa của Việt Nam.
Trước đó, ngày 29/6 UBND thành phố Hà Nội ra thông báo về việc lắp dựng cổng chào tại 4 vị trí ở các cửa ngõ vào thành phố, dựa trên sự chấp thuận của các cơ quan chuyên môn như Hội Kiến trúc sư VN, Hội Kiến trúc sư Hà Nội.
Tuy nhiên, một ngày sau đó, Hội Kiến trúc sư VN phản bác rằng "Hội chưa hề gửi ý kiến đóng góp". Ngoài ra, Hội cũng chỉ ra hàng loạt nhược điểm trong các phương án UBND thành phố đề xuất như: công trình có quy mô lớn, đòi hỏi phải có kết cấu ổn định, bền vững (không thể là tạm). Bản thân công trình cũng không có chức năng sử dụng, địa điểm quá xa, độc lập với các hoạt động của cộng đồng trong những ngày lễ hội. Hình tượng được sử dụng chưa chọn lọc (rồng chầu, trống đồng bị chia cắt, cọc Bạch Đằng…) dễ gây phản cảm. Về cơ bản, chất lượng các phương án chưa đáp ứng mong đợi của giới kiến trúc sư...
Nguyễn Hưng