Sáng 16/3, trao đổi bên lề buổi tọa đàm về cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ông Nguyễn Văn Pha cho biết, nếu cử tri nơi cư trú yêu cầu, đơn vị bầu cử sẽ công khai bản kê khai tài sản của người ứng cử. Từng trực tiếp đến nhiều đơn vị bầu cử, ông khẳng định, nơi nào người dân yêu cầu, bản kê khai cũng được công bố.
Ông Nguyễn Văn Pha (giữa) và ông Nguyễn Sĩ Dũng trong buổi tọa đàm sáng 16/3. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Theo ông, nếu thành tâm ứng cử, không ai giấu diếm tài sản của mình. Nếu người dân phát hiện có gian dối, không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ thì họ sẽ không biểu quyết. "Một khi ở nơi cư trú mà người dân không biểu quyết tán thành cao cho người đó thì khi hiệp thương cũng khó lọt vào danh sách chính thức", ông Pha nói.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam thừa nhận, lẽ ra phải "có cách hiệu quả hơn" để người dân tiếp cận với bản kê khai tài sản của người ứng cử. "Theo quy định hiện nay chưa có cách nào để người dân tiếp cận rộng rãi với bản kê khai tài sản. Để kiểm chứng nội dung trong bản khai, cử tri nơi cư trú sẽ phải đề nghị cơ quan có thẩm quyền", ông nói
Phó chủ tịch Pha lưu ý, việc công bố bản kê khai tài sản để đảm bảo quyền giám sát của cử tri phải tôn trọng yếu tố bí mật đời tư của người ứng cử. "Ở Nhật Bản, bản kê khai tài sản được đặt trong thư viện Quốc hội. Ai cũng có thể đọc, ghi chép, nhưng không được quay phim, chụp ảnh", ông Pha nêu ví dụ.
Theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, cử tri cần tham gia tích cực vào quá trình bầu cử. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Trong buổi tọa đàm còn có sự tham gia của ông Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Theo ông Dũng, so với con số 26% đại biểu chuyên trách của khóa 12, khóa 13 sẽ tăng tỷ lệ này lên 33%, trong khi đó tổng số đại biểu Quốc hội vẫn không quá 500. "Quốc hội ngày càng làm việc chuyên nghiệp, số đại biểu có thời gian làm công việc của Quốc hội phải nhiều hơn", ông Dũng giải thích.
Đối với cuộc bầu cử sắp tới, ông Dũng nhấn mạnh, Quốc hội, HĐND là những "thiết chế đại diện" phụ thuộc một nửa vào những người được ủy quyền (đại biểu) và một nửa vào người đứng ra ủy quyền - cử tri. Vì vậy, cử tri cần tìm hiểu quyền và nghĩa vụ của mình, tham gia tích cực vào quá trình bầu cử, đặc biệt là quá trình vận động bầu cử của các ứng viên.
"Tinh thần trách nhiệm, ý thức chính trị, sự theo dõi của những người đứng ra ủy quyền sẽ làm cho thiết chế đại diện vận hành theo nguyện vọng của người dân", ông Dũng nói.
Diễn đạt một đơn giản về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Pha mong muốn trong đợt bầu cử sắp tới, cử tri phải tự mình đi bầu chứ không được bầu hộ, bầu thay. Cử tri phải thể hiện ý chí của cá nhân trong tham gia xây dựng chính quyền.
Theo luật định, hạn cuối để nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội là 17h ngày 18/3, còn với ứng cử đại biểu HĐND là 23/3.
Nguyễn Hưng