Tuyến xe buýt số 8 ở TP HCM chạy từ nội thành đến Thủ Đức, tức khu làng Đại học Quốc gia nên là xe chuyên chở phần đông khách sinh viên, học sinh, công nhân ở các khu công nghiệp trong vùng.
Cùng chung cảnh ngộ với Mẫn, hai sinh viên trường Đại học thể dục thể thao 2 - Cường và Long lóc cóc đạp chiếc xe cà tàng từ đường Hưng Phú, quận 8 qua Châu Văn Liêm, quận 5 mới có trạm xe số 8 tới Thủ Đức. Từ Long An lên TP HCM thuê nhà, hai sinh viên này buộc phải mua vé tháng để tiết giảm chi phí, nhưng việc sử dụng tấm thẻ thông hành này làm họ nhiều phen tím mặt xấu hổ.
Nhiều nhân viên xe buýt coi khách đi vé tháng là "đi chùa". Ảnh Đình Cường. |
"Lại vé tháng, mới sáng sớm mà đã mở hàng kiểu này, chắc hôm nay ế luôn quá", Minh và Long thường xuyên nhận được những lời nói phản cảm từ nhân viên xe buýt, nhất là từ sau khi xăng dầu tăng giá liên tục. Thậm chí có lúc đang ngồi tranh thủ chợp mắt sau một đêm học thi, hai bạn bị cô nhân viên giật ngược dậy để kiểm soát vé rồi buông lời: "À quên, vé tháng, đi chùa", khiến cả hai ngượng ngùng với những khách khác trên xe.
Huy Trường, sinh viên năm 4 khoa xã hội học trường Đại học khoa học xã hội nhân văn TP HCM nói về kinh nghiệm của chính bản thân: "Tôi thường đi xe số 6, 8, hầu hết nhân viên khi thấy khách mang vé tháng, vé tập đều tỏ thái độ không vui. Có lúc đứng phía sau xe thấy trên còn chỗ trống, mình định đi lên ngồi thì được nhắc nhở ngay: đứng im một chỗ đi".
TP HCM phát sinh tình trạng phân biệt đối xử với vé tháng xe buýt. Ảnh: Đức Quang |
Không chỉ giới sinh viên, những công nhân đi làm xa tại các khu chế xuất cũng chịu cảnh ấm ức khi phải dùng vé tháng. "Đi lâu chủ xe nhớ mặt, nếu chỉ một mình mình đứng trạm chờ, xe buýt sẵn sàng bỏ đi luôn chứ không đón. Có lúc phải chờ nhiều chuyến mới bắt được một, trễ làm là chuyện thường", một nữ công nhân đứng chờ xe đi làm tại quận Tân Bình nói.
Với thời buổi kinh tế như hiện nay, giới sinh viên, công nhân có thu nhập thấp Sài Gòn đương nhiên coi vé tháng, vé tập như lựa chọn tối ưu nhất. Đây cũng là chính sách khuyến khích hỗ trợ cần thiết cho những đối tượng này của TP HCM. Tuy nhiên, mâu thuẫn phát sinh chính từ nhà xe khi họ khẳng định mình không nhận được bất cứ khoản nào từ khách đi vé tháng.
Đại diện một hợp tác xã cho biết: "Tiền vé tháng của khách, chúng tôi không nhận được trực tiếp nữa, mà theo giải thích từ Trung tâm điều hành vận tải hành khách công cộng thì đã trừ vào khoản tiền trợ giá".
Báo cáo của Sở Giao thông vận tải TP HCM, hiện vé tháng, vé tập chiếm 30% lượng vé đi lại của cả mạng lưới xe buýt công cộng. Trong đó giá vé tháng bằng 35%, vé tập bằng 75% giá trị vé khách phải trả trực tiếp. Phần chênh lệch giá còn lại, thành phố sẽ hỗ trợ trả cho đơn vị kinh doanh xe buýt. Quan điểm của Sở, đây là hình thức hỗ trợ chi phí đi lại cho sinh viên, học sinh trong học tập sinh hoạt hay công nhân đi làm.
Thừa nhận gần đây nhiều xe buýt Sài Gòn mặt nặng mày nhẹ với khách trả vé tháng, ông Lê Trung Tính, Trưởng Phòng quản lý vận tải Sở Giao thông vận tải giải thích: "Số doanh thu tiền vé tháng, nhà xe sẽ nhận được từ trợ giá. Nếu một xe 50 chỗ có lượng khách sử dụng vé tháng nhiều hơn người trả tiền mặt trực tiếp thì tuyến này nhận được trợ giá nhiều hơn".
Ông Tính cho biết thêm, vé tháng hiện có hai hình thức là đơn tuyến và liên tuyến. Sự phân biệt, khó khăn chỉ xảy ra với hình thức liên tuyến (khách đi nối nhiều tuyến trong ngày và không kiểm soát). Do TP HCM chưa có hệ thống thống kê chính xác số lượt sử dụng vé liên tuyến này nên các hợp tác xã vẫn còn phải chịu lỗ khi chở khách dùng vé tháng.
Theo đại diện Phòng quản lý vận tải, tổng số tiền nhà nước thu từ vé tháng chắc chắn sẽ được trả về cho doanh nghiệp nên chủ xe buýt có thể yên tâm chuyên chở khách.
Trong khi đó ông Huỳnh Công Hùng, Phó Ban kinh tế ngân sách HĐND thành phố đề nghị: "Phải giải quyết dứt điểm xung đột vé tháng trên các tuyến xe buýt, vì lợi ích của người dân và của cả nhà xe".
Kiên Cường