'Huy chương vàng chỉ là thành công bước đầu'
Phạm Duy Tùng (trái) và Đỗ Xuân Bách. Ảnh: Hoàng Hà. |
- Chào Tùng, chúc mừng bạn đã "rinh" một HCV Toán học về cho đất nước. Cảm giác của bạn lúc này thế nào? (Nguyễn Lan Anh)
- Phạm Duy Tùng: Chào độc giả của VnExpress. Tùng rất cảm ơn vì độc giả đã quan tâm tới kỳ thi cũng như tới cá nhân Tùng. Hiện giờ Tùng rất hồi hộp không biết sẽ nhận được những câu hỏi như thế nào. Nhưng Tùng hy vọng sẽ làm hài lòng độc giả bằng những câu trả lời của mình.
- Câu hỏi này dành cho Bách. Cảm giác của em như thế nào khi biết mình đạt HCV và đạt điểm cao nhất trong đội toán VN (Phạm Duy Linh)
- Đỗ Xuân Bách: Cảm giác đầu tiên là rất vui và tự hào vì em đã thành công trong một kỳ thử thách lớn. Lúc lên nhận phần thưởng em thấy rất tự hào vì mình là người VN. Em cũng vui vì mình đã đền đáp được công lao của các thày cô và gia đình.
- Trước khi bước vào kỳ thi cam go, thày đánh giá thế nào về khả năng giành được huy chương của đoàn VN? (Hạnh Lê)
- Thày Vũ Đình Hòa: Tôi đánh giá tất cả 6 em đều có giải và hy vọng là nhiều giải cao. Câu này tôi cũng từng trả lời phỏng vấn trước khi bước vào kỳ thi. Trước kỳ thi, các em tập huấn 2 tháng và làm 10 bài kiểm tra ngang bằng với chất lượng kỳ thi Toán quốc tế. Kết quả bài kiểm tra đó khá tốt. Các thày dạy đội tuyển cũng đánh giá tốt về đoàn Olympic năm nay.
- Tôi rất vui vì đoàn Việt Nam đã đạt giải cao trong kỳ thi Olympic. Trong thành công của các bạn chắc chắn có phần đóng góp của gia đình. Theo các bạn, gia đình đã hỗ trợ bạn như thế nào để có thể học tốt môn Toán? (Lê Minh Loan)
- Bách: Trước hết, em xin cảm ơn chị đã quan tâm. Trong thành công của em gia đình đóng góp một phần rất quan trọng về mặt định hướng trong quá trình học và ủng hộ về tinh thần. Còn lại bản thân mình phải nỗ lực tự học, chăm chỉ... Bố mẹ em cho rằng Toán học sẽ tạo cho em nền tảng tốt về tư duy, hỗ trợ tốt cho những lĩnh vực mà em sẽ theo đuổi sau này. Bởi vậy, em theo học Toán ngay từ lớp 6. Trong suốt những năm học đó, cha mẹ đã theo sát từng bước và động viên em kịp thời.
Nhân đây em xin cảm ơn bố mẹ, chị gái và những người thân khác đã góp phần đưa em tới thành công ngày hôm nay.
- Tùng: Gia đình đã tạo điều kiện tốt nhất cho em cả về vật chất lẫn tinh thần. Mẹ em (công tác tại Bộ Văn hóa - Thông tin) tối nào cũng pha sẵn cho em một cốc sữa để con trai có đủ năng lượng học bài. Còn bố (làm tại Bộ Tài nguyên và Môi trường) thì luôn dạy em cách học, cách sống. Trước khi đi thi, bố còn nhắc "phải bỏ tất cả những gì không cần thiết trước khi vào phòng thi".
- Tôi là một độc giả thường xuyên quan tâm về những cuộc thi Olympic, tôi muốn hỏi bạn Tùng là động lực và bí quyết gì để bạn có được thành công lớn trong ngày hôm nay? (Minh Tri)
- Tùng: Bí quyết của em là lúc nào cũng phải quyết tâm thực hiện mục tiêu của mình và lúc nào cũng tin tưởng mình sẽ thành công. Động lực là do gia đình, phần nhiều hơn là do sự cạnh tranh của em và các bạn ngay trong lớp và trường học.
- Em xin chúc mừng các anh đã đoạt được giải vàng Olympic Toán. Em cũng rất thích môn Toán, nhưng kết quả học của em vẫn chưa đạt được như ý muốn. Anh có thể cho em biết kinh nghiệm để học tốt môn này không? (Phạm Anh Quân)
- Bách: Kinh nghiệm của mình là học một cách nghiêm túc, có kế hoạch học tập cụ thể, cần có lòng quyết tâm và sự yêu thích với môn Toán. Mỗi ngày bạn nên dành thời gian nhất định để học, có thể ngay cả trong những lúc rảnh rỗi, hãy suy nghĩ về những bài toán mà bạn đang giải dang dở. Chúc bạn thành công.
- Theo thày, để các em học toán một cách tốt nhất thì cần làm gì? (Như Mai)
- Thày Hòa: Cần gây lòng say mê môn Toán cho các em và khuyến khích các em tự học, tự đọc sách. Thày cô nên tổ chức cho các em các cuộc đua tài nho nhỏ trong tập thể lớp. Phụ huynh nên tạo môi trường học tập cho con bằng những tài liệu liên quan đến Toán, gây cho các em sự tò mò đối với môn học này. Trường lớp, thày cô giáo cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển năng khiếu Toán của học sinh.
- Tớ học cùng trường với bạn, và cũng bằng tuổi bạn. Tớ học chuyên Sinh, tớ luôn cảm thấy thật áp lực khi cũng một lúc vừa chuyên tâm vào một môn chính vừa phải học đều tất cả các môn. Bạn làm như thế nào? Bạn có học lệch không? (Tâm)
- Bách: Cám ơn người bạn đồng môn. Mình có sự giúp đỡ của các bạn cùng lớp, khi mình phải đi học ở đội tuyển thì các bạn chép bài hộ mình. Những gì mình chưa hiểu thì được các bạn giải thích. Do vậy, mình học tương đối đều các môn. Mình không bị áp lực khi chuyên tâm vào học Toán.
- Toán học là căn bản cho các môn khoa học, nếu có 2 mơ ước hoặc là trở thành nhà kinh tế học, hoặc trở thành nhà thiên văn học (không phải là nhà toán học) bạn sẽ chọn điều gì? (Phạm Tiến Đạt)
- Bách: Đúng là em rất thích Toán học và cả thiên văn học. Những lúc rảnh rỗi em thường lên mạng tìm thông tin về thiên văn. Em chưa từng đặt ra cho mình tình huống lựa chọn này, tuy nhiên, thiên văn học có thể sẽ là một niềm đam mê riêng mà em sẽ dành cho nó những khoảng thời gian rảnh rỗi.
- Xin cho biết nhà các bạn có ai đạt giải như bạn chưa? (Nguyễn Văn Hồng Quang)
- Bách: Mình có một chị gái, hiện du học ở Mỹ, ngành Công nghệ thông tin, đi học theo diện học bổng của Đề án 322. Hồi cấp 3 chị chỉ học trường chọn và không tham gia một kỳ thi quốc gia nào mà chỉ thi học sinh giỏi Toán và Lý của tỉnh Nam Định. Chị là một tấm gương cho mình học tập. Mặc dù ở xa nhưng chị thường xuyên gọi điện để động viên mình. Khi biết tin mình đạt HCV, chị rất vui.
- Xin hỏi Tùng phân bố thời gian học như thế nào để vừa học giỏi Toán vừa đảm bảo thời gian cho các môn học khác? (Tran Tra My)
- Tùng: Em thường học Toán vào buổi tối, dành khoảng 1-2 giờ để làm bài tập và đọc sách Toán. Còn khi nào cần học các môn khác thì em tập trung hết cho những môn đó.
- Tại sao ở nước ta, có rất nhiều giáo sư, tiến sĩ Toán học rất giỏi nhưng không được trọng dụng mà em vẫn theo đuổi ngành nghề này? (Hoàng Văn Tân)
- Tùng: Thực ra để theo đuổi Toán học rất cần sự quyết tâm và kiên nhẫn trong thời gian dài. Bản thân em mới tham dự kỳ thi Olympic vừa qua thôi nên chưa thể nói trước được rằng sẽ theo đuổi Toán học đến cùng. Nhưng hiện tại và tương lai trước mắt, em vẫn gắn bó với Toán học. Em sẽ cố gắng để năm sau được tiếp tục tham dự kỳ thi Olympic Toán học một lần nữa.
- Bách (ngập ngừng và cười trừ): Sau này em sẽ theo đuổi ngành Công nghệ thông tin.
- Cảm nghĩ của em về chất lượng giáo dục nói chung ở nước ta hiện nay? (riêng câu hỏi này xin nói thực lòng) (Hoàng Văn Tân)
- Tùng: Khó nói quá. Cá nhân Tùng thì không thể đánh giá được chất lượng giáo dục nước nhà. Bởi con đường học tập của Tùng khác các bạn, nhìn chung mình được tạo thuận lợi tối đa.
- Bạn thấy điều gì mình không làm được trong kỳ thi vừa qua? (Nguyễn Trung Kiên)
- Bách: Mình có một chút tiếc nuối vì đã không thể làm bài tốt hơn, vì đây là lần cuối cùng mình được tham dự kỳ thi dành cho những học sinh cấp 3. Về bài toán số 3 của ngày thứ nhất mình chỉ làm được một nửa. Bình thường, nếu bình tĩnh và sáng suốt hơn mình có thể giải được hoàn thiện.
- Sau khi đoạt giải HCV, sẽ có nhiều, rất nhiều ĐH trong và ngoài nước quan tâm tới em. Em có định "ra đi" để theo đuổi nghiệp toán này chứ? (Hoàng Văn Tân)
- Bách: Định hướng của em ngay từ cấp 3 là sẽ chỉ học toán để luyện tư duy, làm nền tảng để theo đuổi các ngành học sau này. Nếu có điều kiện, em sẽ du học để được học hỏi trong một môi trường học tập tốt hơn. Sau này em muốn theo ngành công nghệ thông tin.
- Tùng: Hiện tại em chưa nghĩ tới nhiều về việc này vì còn một năm nữa trên trường phổ thông. Em cũng chưa xác định được trường sẽ học sau này vì chưa có nhiều thông tin về các ngành học. Cũng có thể em sẽ du học.
- Mình muốn hỏi mong ước của bạn sau này đóng góp cho đất nước như thế nào? Bạn có dự định hay kế hoạch gì chưa? (Trần Trọng Đạt)
- Tùng (tay gãi đầu): Em chưa có dự định cụ thể nào cả. Trước hết, em sẽ tiếp tục con đường của mình để đạt thành công. Em nghĩ, bản thân em phải sống tốt đã rồi sau đó, nếu có cơ hội em sẽ đóng góp sức mình cho đất nước.
- Trên báo có đề cập tới em Phạm Duy Tùng dành 3 tiếng để tự học Toán mỗi ngày. Vậy em học từ đâu, bằng cách nào? (Mimi)
- Tùng: Em chỉ dành 1-2 giờ để tự học trong tổng số thời gian học Toán. Thời gian còn lại em học từ các thày và các bạn. Em thích đọc các quyển sách của thày Minh Đức ở Viện Toán học.
- Sáng nay bác có gửi tin chúc mừng các cháu nhưng rồi sau đó đọc trên Internet, bác giật mình vì tin đưa "... Các cháu chỉ muốn du học ở nước ngoài và các cháu thấy buồn vì kỳ thi Olympic năm nay lại tổ chức ở VN không được đi nước ngoài như các anh chị khác... ". Các cháu nghĩ sao vậy? (Nguyễn Văn Hồng Quang)
- Bách: Cháu cảm ơn bác vì đã chúc mừng chúng cháu. Bác ơi, tin mà bác đọc trên Internet không chính xác đâu ạ. Đúng là chúng cháu muốn đi du học vì chúng cháu muốn được tiếp cận với môi trường học tập và nền giáo dục hiện đại. Còn chuyện kỳ thi tổ chức ở VN làm chúng cháu cảm thấy rất vui và tự hào vì mình là nước chủ nhà, chúng cháu được đón tiếp và giao lưu với các bạn nước khác, không có chuyện chúng cháu buồn đâu. Cháu chúc bác mạnh khỏe.
- Nhiều phụ huynh cho con em đi học thêm rất nhiều với hy vọng sẽ thành những nhà toán học trẻ. Thày nhận xét gì về xu thế này? (Như Mai)
- Thày Hòa: Tôi nghĩ, học thêm cũng không phải là không tốt. Ngay cả các nước phát triển cũng có nghề gia sư. Vấn đề chủ yếu của học thêm là mức độ và nội dung học thêm phải phù hợp với thể chất và sự phát triển của học trò. Chừng nào, học thêm trở thành gánh nặng của học trò thì việc học thêm này sẽ là không tốt. Thực ra việc phụ huynh cho con em đi học thêm rất nhiều đã có từ lâu.
Theo quan sát riêng, tôi thấy có nhiều em thực sự thành tài nhờ việc học thêm, nhưng cũng có nhiều trường hợp việc học thêm không mang lại lợi ích gì. Phụ huynh nên theo dõi hiệu quả việc học thêm của con em mình để quyết định mức độ học thêm cho các em. Nếu thấy con em mình không có khả năng, phụ huynh không nên ép buộc các em học thêm bởi điều đó có thể gây phản tác dụng.
Xu thế học thêm cho thấy nhiều gia đình có khả năng về kinh tế để đầu tư cho con em mình. Mặt khác, đó cũng là nguyện vọng mong muốn con em mình thành tài. Nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng vậy, người ta sẵn sàng đầu tư vào việc học cho con cái. Cho nên đây là xu hướng chung của nền kinh tế đang phát triển.
- Áp lực lớn nhất khi các bạn tham gia IMO 48 là gì? Có phải vì mình là nước chủ nhà hoặc vì những tấm huy chương đã được đặt mục tiêu trước không? Bạn có biết việc xếp hạng IMO căn cứ vào tiêu chí nào (tổng số điểm hay tổng số huy chương)? (Giang Nam)
- Tùng: Áp lực lớn nhất của kỳ thi là thời gian làm bài rất dài, tới 270 phút mỗi ngày. Sau buổi thi đầu tiên, tất cả đội đều rất mệt, nhưng vẫn phải chuẩn bị để hôm sau thi tiếp. Về việc xếp hạng, thực ra IMO là cuộc thi cá nhân, chứ không phải cuộc thi đồng đội, nên Ban tổ chức không xếp hạng cho từng đội, mà căn cứ vào số huy chương và tổng số điểm, mỗi nước tự xếp hạng.
- Bách: Mình hầu như không cảm thấy áp lực, bởi các thày xác định cho mình đây chỉ là cuộc thi cá nhân. Các thày không đặt mục tiêu huy chương để gây sức ép cho bọn mình, mà chỉ động viên học trò thi hết mình. Bản thân mình thì rất hồi hộp, tò mò không biết sẽ giải quyết những bài thi như thế nào, có đúng với sức lực mình không?
- Câu hỏi cho Bách. Em có nghĩ rằng học sinh VN thông minh hơn so với học sinh nước ngoài trong các kỳ thi Olympic Toán (Phạm Duy Linh)
- Bách: Về sự thông minh thì em không dám khẳng định, nhưng chắc chắn một điều là học sinh VN cần cù và chăm chỉ hơn một số nước. Em nghĩ đây là điều quan trọng giúp học sinh VN giành được thành công trong các cuộc thi Olympic.
- Em muốn hỏi là anh làm bài nào nhanh nhất trong 6 bài. Hay cụ thể hơn là mỗi bài anh suy nghĩ hết bao lâu ạ? Anh làm bài theo thứ tự nào ạ? (Nguyễn Văn Hợi)
- Tùng: Anh làm nhanh nhất bài 4 về Hình học. Ngay khi đọc đề bài thì anh liên tưởng đến hướng làm bài đó. Và mặc dù gặp một chút khó khăn ban đầu nhưng đó là bài mà anh thấy hài lòng nhất.
- Bạn nghĩ như thế nào khi mọi người nhận xét về các bạn: "Chúng nó toàn là gà chọi của các ĐH luyện ra, trong khi các bạn ở nước khác thì người ta chỉ chọn học sinh trung bình đi thi, không có luyện gà chọi như ở VN, nên chúng ta thắng là dĩ nhiên, còn trình độ chung của học sinh VN thì chỉ ở mức trung bình so với các nước khác". (Thanh Long)
- Bách: Theo mình biết, chỉ có một số nước không quan trọng về kết quả thi mà chỉ quan tâm đến việc giao lưu là chính. Nhưng đó chỉ là một số nước thôi bạn ạ. Những nước giành được thành công lớn trong kỳ thi này đều phải đầu tư rất lớn cho học sinh đi thi. Ví dụ như Mỹ, 6 học sinh đi thi sẽ được gửi vào một viện chuyên huấn luyện học sinh thi quốc tế và luyện trong một thời gian dài. Hay như Trung Quốc, các bạn được thi chọn đội tuyển từ tháng 2 và tập luyện đến tận ngày thi. Đội VN tập trung từ giữa tháng 5.
- Tùng có định thi IMO sang năm không? Sau này bạn muốn vào trường đại học nào? Và bạn định theo đuổi ngành công nghệ thông tin như thế nào? (Noname00)
- Tùng: Mình sẽ cố gắng để được tiếp tục tham dự kỳ thi sang năm. Hiện mình chưa xác định chính xác trường ĐH sẽ học vì còn chưa có nhiều thông tin về các ngành học. Cũng có thể mình sẽ du học. Còn ngành học thì vẫn chưa xác định, nhưng chắc chắn là không theo ngành xã hội vì mình không thích.
- Cho mình hỏi Bách nhé chỉ số IQ của bạn là bao nhiêu? Theo bạn, thành công của bạn có bao nhiêu phần trăm quyết định bởi trí thông minh? (Nguyễn Đăng Quang)
- Bách: Chỉ số IQ thì em chưa đo, nhưng theo em nghĩ thì trong những kỳ thi như Olympic, sự thông minh có vai trò quyết định phần lớn đối với hướng giải quyết những bài thi. Em muốn nhấn mạnh sự thông minh ở đây là suy luận logic qua rèn luyện trong một thời gian dài, kết hợp với nền tảng kiến thức vững chắc, sâu rộng. Để có được điều này, một phần là do bản thân nỗ lực, chịu khó tìm tòi, phần còn lại là do các thày cô hướng dẫn.
- Em đã có ý tưởng gì để vận dụng kiến thức toán học cũng như sự thông minh của mình vào việc làm giàu cho bản thân và đất nước chưa? Nếu có thì nó sẽ như thế nào? (Do Tuong Van)
- Tùng: Em muốn tham gia những hoạt động tình nguyện và mang kiến thức của mình giúp những người bạn có cùng chí hướng. Còn tương lai thì em chưa xác định cụ thể.
- Qua cuộc thi Olympic lần này, thày đánh giá Toán học của chúng ta có vị thế như thế nào trên thế giới? (Danhnc)
- Thày Hòa: Mục đích của Olympic Toán quốc tế (IMO) là khuyến khích phong trào học Toán của học sinh phổ thông. UNESCO đánh giá rất cao vai trò của IMO bởi Toán là chìa khóa của các ngành khoa học cơ bản. Kỳ thi này không liên quan đến trình độ hiện tại của nền Toán học VN, nhưng nó liên quan đến tương lai của nền Toán học sau này. Kết quả thi Toán quốc tế lần này của VN chứng tỏ chúng ta đã coi trọng môn Toán, học sinh VN có năng lực và tiềm năng Toán học rất lớn và chúng ta có đội ngũ các thày giáo dạy Toán giỏi. Thành tích này VN cũng từng đạt được tại IMO 1999 tại Romani (cũng xếp thứ 3 với 3 HCV, 3 HCB).
Nền Toán học VN cũng chỉ mới bắt đầu cùng với sự ra đời của nước VN Dân chủ Cộng hòa. Chúng ta cũng đã có một số cống hiến mặc dù còn khiêm tốn vào nền Toán học thế giới.
- Câu hỏi này dành cho Bách, tại sao em lại không theo tiếp ngành Toán mà quyết định theo công nghệ thông tin, có phải vì em đam mê hay đây là ngành mà xu hướng xã hội phát triển? (Mạc Văn Kiên)
- Bách: Định hướng này hình thành trong một thời gian dài trong đầu em. Điều này được quyết định bởi cả xu hướng phát triển của xã hội lẫn khả năng của mình. Em không nghĩ rằng dành thành công trong kỳ thi này là sẽ có thể theo đuổi ngành Toán trong cả cuộc đời vì đây chỉ là một cuộc chạy 100 m trong khi muốn theo ngành Toán học là một con đường dài, cần lòng đam mê, trí tuệ và nhiều yếu tố khác nữa.
- Em thấy mọi người thường nói rằng những người được giải như anh thường ''ngố tàu" vì suốt ngày chỉ có chú tâm vào học, chẳng biết gì xung quanh cả. Theo anh, anh có phải con người như vậy không? (Nguyễn Hiền)
- Bách: Những người mất nhiều thời gian để theo đuổi khoa học tất nhiên sẽ mất đi một khoảng thời gian lớn để tìm hiển cuộc sống xung quanh, nhưng không hẳn là họ sẽ "ngố tàu" đâu em ạ. Nếu chưa tin, lúc nào em cứ gặp anh thì sẽ nghĩ khác...
- Chào thày, ngày xưa khi thày đoạt huy chương bạc, cuộc cạnh tranh trong kỳ thi Olympic có khốc liệt như bây giờ không? (Tuấn Anh)
- Thày Hòa: Lần nào cuộc thi IMO cũng đều khốc liệt. Một là, bài thi rất khó so với trình độ Toán phổ thông. Hai là, chỉ có hơn nhau một điểm là có sự thay đổi về màu của huy chương.
Năm 1974, khi chiến tranh vẫn chưa kết thúc, 5 thành viên Olympic Toán VN lên đường sang Cộng hòa Dân chủ Đức dự thi. Khi đó chúng ta đang còn rất gian khổ (thiếu ăn, thiếu tài liệu học tập...), nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực giành được 1 HCV, 1 HCB và 2 HCĐ. Ngay cả điểm thấp nhất của đội tuyển (thí sinh không được huy chương) cũng cao hơn điểm được HCB của các kỳ thi IMO sau này.
- Em năm nay lên lớp 11, không phải là học sinh chuyên Toán nhưng bản thân em thì rất thích Toán. Tại sao anh không theo chuyên Tin mà lại học chuyên Toán. Tiện thể cho em hỏi một số kinh nghiệm tự học Toán của anh, vì bản thân em không thích đi học thêm hay học lò gì cả. (Linh Kid)
- Tùng: Mục tiêu của mình trong cấp 3 là tham dự kỳ thi Olympic Toán. Để đạt được điều đấy chắc chắn không thể nào chọn chuyên Tin được. Còn về kinh nghiệm tự học Toán, mình khuyên bạn nên tìm đến những thày giáo giỏi, bởi vì các thày có kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng về Toán. Còn tất nhiên bạn cũng phải tự mình phấn đấu trong môn Toán. Bạn không nên đến các lò luyện thi với mấy chục học sinh trong lớp. Hãy chọn những thày giỏi, dạy dỗ cẩn thận và mỗi lớp chỉ chưa tới 10 người.
- Bách: Anh chọn chuyên Toán vì yêu thích môn Toán sơ cấp. Còn về kinh nghiệm, khi gặp một bài toán, em phải suy nghĩ cẩn thận, tìm thật nhiều hướng giải và cố gắng giải theo những hướng khác nhau. Có thể hướng giải này không giải được bài toán, nhưng nó sẽ giúp ích cho em giải quyết các bài toán khác. Từ đó, khả năng tư duy của em mở rộng rất nhiều. Còn về học thêm, cả năm cấp 3, anh không hề học thêm Toán chút nào, mà chỉ được học trên lớp bởi các thày trong trường và tự học ở nhà.
- Chào Bách, lúc còn nhỏ em có năng khiếu gì đặc biệt về toán học không? Chị có đứa con mới 5 tuổi mà nó có thể làm toán cộng, trừ trong phạm vi 100 và phép nhân chia trong phạm vi 20. Vợ chồng chị chưa bao giờ bày cho con học cả. Theo em chị nên đầu tư cho con như thế nào để trở thành nhà toán học trong tương lai. (Phạm Thanh Binh)
- Bách: Hồi nhỏ, em thuộc bản cửu chương từ năm lớp 1. Bố mẹ cũng cảm thấy là em có thiên hướng về Toán tốt. Nhưng theo em, chị cũng không nên quá quan trọng điều này vì đó có thể chỉ là sự phát triển sớm và một vài năm sau nó sẽ chậm dần. Em có một người em họ cũng rơi vào tình trạng tương tự: em bộc lộ khả năng học toán rất sớm, nhưng sau đó khả năng này không thấy phát triển thêm và tụt dần. Chị nên hỗ trợ con học tập thêm và "bảo vệ" con trước những dư luận quá sớm. Chúc chị có một nhà toán học tương lai trong nhà.
- Tôi rất lo về thể chất của các bạn. Liệu bạn sẽ cống hiến được nhiều nếu không có một sức khỏe tốt? Bạn có chơi thể thao thường xuyên ngoài giờ học? (Thach)
- Tùng: Tất nhiên không thể cống hiến nhiều nếu không có sức khỏe tốt. Em chơi bóng đá với các bạn trong khối. Còn ở nhà, em tự luyện thể lực như tập xà, tập tạ tay.
- Bách: Cũng có một đợt sức khỏe em rất yếu. Sau đó, em được chị em hướng dẫn đi học karate 1-2 buổi/tuần. Sau đó, em thấy khỏe mạnh hơn, tư duy minh mẫn hơn.
- Mong rằng Tùng và Bách sẽ mãi mãi là những cây tùng, cây bách xuất sắc của nền toán học VN. Chị có một cô con gái đang học lớp 6 nhưng buồn thay, bé lại không mặn mà với Toán lắm. Hai em có giúp chị một lời khuyên gì để bé yêu thích môn Toán hơn? (Doan Hien)
- Bách: Chị đừng sốt ruột vì em hồi lớp 6,7 cũng toàn rong chơi, đọc truyện tranh (đến giờ vẫn thích đọc). Đến tận lớp 8, em mới hứng thú và mặn mà với môn Toán. Quan trọng là chị thường xuyên khuyên bảo nhẹ nhàng, nói với con về tương lai liên quan đến việc học hành của con sau này như thế nào... Bố mẹ em thường nói với em như vậy chị ạ.
- Thưa thày Hoà, đất nước đang phát triển, chúng ta rất cần nhiều người tài, những mầm non như em Tùng, em Bách đã có sẵn khả năng trí tuệ, nhưng thế hệ trước cũng rất nhiều người từng đạt giải rồi cũng chưa giúp đất nước được nhiều. Thày có suy nghĩ gì về điều này. (Thái Việt)
- Thày Hòa: Tôi cũng suy nghĩ rất nhiều về điều này. Để đưa đất nước tiến lên thì cần phải có sự đóng góp của cả dân tộc chứ không thể chỉ của riêng một vài cá nhân. Theo tôi, việc sử dụng nhân tài của chúng ta chưa thực sự hiệu quả nên vẫn còn nhiều nhà khoa học trẻ vẫn muốn ở lại nước ngoài làm việc. Môi trường làm việc ở VN chưa thực sự thoải mái và đầy đủ điều kiện để những người có năng lực có thể phát huy được khả năng của mình.
- Các em có phải làm việc nhà không hay chỉ dành thời gian để học? (Nguyễn Thị Thu Hằng)
- Tùng: Nhà có hai anh em trai, mình là cả nên cũng phải làm việc nhà nhiều, ví như nấu cơm, rửa bát, quét nhà, cho quần áo vào máy giặt. Tự khoe một chút, Tùng cũng biết làm bánh gato.
- Bách: Có chứ ạ. Nhà có hai chị em, Bách đảm nhiệm việc quét nhà, quét sân và dọn dẹp nhà cửa. Nhà mình ở nông thôn, cũng có vườn, thỉnh thoảng cũng thích trồng một số cây ăn quả. Bật mí một chút, cây me chua mình trồng đã ra quả rồi.
- Cho mình hỏi đề thi Olympic toán là bằng tiếng Anh hay tiếng Việt? (Nguyễn Tuấn Anh)
- Tùng: Thí sinh nước nào thì được phát đề thi theo tiếng nước đó.
- Chị thấy độ tuổi các em đa số bị cận nhưng không thấy 2 em đeo kính, bí quyết là gì vậy (Nguyễn Hải Vân).
- Bách: Em bị cận nhẹ, không phải đeo kính. Lý do là vì đọc nhiều truyện kiếm hiệp và Harry Porter trong điều kiện... ánh sáng không tốt (cười). Khi học lâu quá, bị mỏi mắt, em tập nhìn ra xa, tư duy trong đầu một lúc để mắt được nghỉ... thế là không bị cận.
- Tùng: Em cũng bị cận nhẹ và phải đeo kính khi nhìn xa, thi thoảng khi học em cũng phải đeo. Nguyên nhân là do em đọc truyện trên xe bus hồi lớp 9!
- Hai bạn đã trở nên nổi tiếng. Cuộc sống những ngày qua của các bạn có bị xáo trộn không? Thời gian dành cho người yêu thế nào? (Nguyễn Thu Hương)
- Tùng: Cuộc sống của mình trong những ngày qua bị xáo trộn rất nhiều. Như mình đang ngồi đây cũng là sự xáo trộn rất lớn. Còn hiện thời mình không có người yêu nên không bận tâm lắm.
- Bách: Thời gian này mình được các báo hỏi nhiều. Có một phần xáo trộn nhỏ trong cuộc sống, nhưng hiện đã lắng dần. Mình đang tập trung vào việc khác. Mình không có người yêu nên lúc rảnh rỗi thường đi chơi với bạn bè.
- Thưa thày Hòa, Toán học đóng góp cho khoa học thì đã rõ, nhưng đóng góp cho sự phát triển kinh tế nước nhà như thế nào? (Nguyễn Đông Hải)
- Thày Hòa: Nhiều doanh nhân thành đạt của VN đều là người từng say mê môn Toán. Nền kinh tế phát triển cao đi liền với nền khoa học nói chung và Toán học nói riêng ở trình độ cao. Các cụ ngày xưa có câu "Một người lo bằng kho người làm". Suy rộng ra thì thấy vai trò của tư duy Toán trong nền kinh tế là rất quan trọng.
- Chào Tùng, trông bạn qua ảnh rất đẹp trai. Bạn có hay ngồi quán cà phê không, viết blog không, bật mí một vài địa điểm? (Ngoc Huyền)
- Tùng: Cám ơn bạn. Mình thường hay lên mạng để chat và chơi game chứ không viết blog vì mình không biết cách viết. Mình cũng không hay ngồi quán cà phê...
- Các bạn học giỏi Toán như vậy, liệu có bao giờ các bạn nghĩ mình quá khô khan không, lúc nào cũng chỉ có Toán trong đầu như vậy? Để có được thành công như ngày hôm nay các bạn đã "mất" những gì , và phải "đánh đổi" lấy HCV này như thế nào...? (Hường)
- Tùng: Khô khan hay không thì tự mình không đánh giá được, cái đó dành cho bạn bè. Nhưng mình tự hào vì có nhiều bạn bè, cả nam, cả nữ. Yêu thích Toán, nhưng không phải lúc nào cũng nghĩ đến Toán, thi thoảng mình vẫn chơi game, buôn dưa lê điện thoại để giải trí. Nếu nói về mất mát, có lẽ là mình đã không có thời gian để theo học võ, môn mà mình yêu thích. 2 tháng vừa rồi phải ôn luyện, mình không có thời gian dành cho gia đình, không được tham gia các bữa cơm gia đình.
- Các bạn giỏi Toán, vậy các bạn có cừ các môn xã hội không? Liệu học Toán có làm giảm đi yêu thích về xã hội, làm con người ta khô khan như nhiều người vẫn từng nói? (Nguyên)
- Bách: Mình học các môn xã hội cũng bình thường bởi khi đã đam mê một việc gì đó thì tất nhiên bạn sẽ dành thời gian cho việc đó hơn. Tuy nhiên, mình rất thích đọc về lịch sử cổ đại. Toán học không thể làm cho người ta khô khan đi đâu bạn ạ, quan trọng là tâm hồn và sự hài hước của mỗi người đến đâu.
- Tùng và Bách có thể kể ra 2 điểm mạnh nhất và 1 thiếu sót cần khắc phục nhất của mình đối với việc làm khoa học được không? Kỳ thi IMO vừa rồi có giúp các bạn tự hiểu thêm về mình không? (Đỗ Quốc Anh)
- Bách: Điểm mạnh của em là thường có những tư duy đột phá. Còn thiếu sót là kiến thức không đầy đủ lắm vì em thường tự học ở nhà. Kỳ thi IMO vừa rồi giúp em thấy mình còn thiếu sót nhiều, cần hoàn thiện hơn.
- Tùng: Điểm mạnh nhất của em là sự kiên nhẫn khi giải Toán. Tuy nhiên, em thấy mình chưa đủ kiến thức để có thể nói mình giỏi Toán. Kỳ thi vừa rồi giúp cho em nhận ra những phần còn yếu.
- Thưa thày Hòa, nếu còn một chút gì đó chưa được tốt ảnh hưởng đến kết quả của đội tuyển, thì đó là điều gì vậy? (Nguyễn Đông Hải)
- Thày Hòa: Lần thi này có 2 bài quá khó, đội tuyển chúng ta không làm được. Bài 6 chỉ có 4 trong tổng số 520 thí sinh làm được, còn bài 3 chỉ có 2 thí sinh giải trọn vẹn.
Năm nay thi ở VN có bất lợi là nhiều thày giáo vì phải làm đề thi nên không được tham gia giảng dạy đội tuyển. Hơn nữa, việc thay đổi chính sách trong những năm gần đây của ngành giáo dục cũng ảnh hưởng đến phong trào của học sinh giỏi nói chung.
Theo tôi, nên tạo sân chơi cho những em học sinh có năng khiếu và có chính sách khuyến khích tạo điều kiện học tập cho học sinh giỏi.
- Các bạn dự định dành khoản tiền thưởng sau kỳ thi để làm việc gì? (Hồng Khánh)
- Bách: Em sẽ đầu tư học tiếng Anh, mua sách tin học để tự học ở nhà và một phần để khao bạn bè.
- Tùng: Em... cũng giống anh Bách! À, em dùng tiền để đi học võ nữa!
- Cho mình hỏi đề thi có vượt quá xa chương trình THPT không? (Hùng)
- Bách: Thực ra đề thi là một hướng phát triển khác của toán sơ cấp mà những kiến thức cơ sở có trong các chương trình THPT. Nhưng những đề thi này đòi hỏi sự thông minh, suy luận cao hơn từ những kiến thức cơ sở nền tảng. Bởi vậy, để tham gia các kỳ thi này phải học thêm nữa chứ không thể dừng lại ở chương trình phổ thông.
- Nếu không còn được học Toán chuyên sâu nữa, các bạn làm thế nào để duy trì niềm đam mê của mình? (Phúc)
- Tùng: Mình thích Toán sơ cấp hơn là Toán chuyên sâu. Cho nên, nếu không học chuyên sâu thì mình sẽ vẫn thường xuyên giải các bài sơ cấp. Hiện giờ, mình đang tập trung học Toán sơ cấp.
- Bạn say mê môn toán từ lúc nào? Ai là người đầu tiên đã có công phát hiện ra năng khiếu toán học của bạn? Các thày cô giáo nào tiếp sức cho em trong những năm học tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông? (Phạm Hoàng Lân)
- Tùng: Người thày đầu tiên phát hiện ra năng khiếu Toán của mình là cô giáo Bình chủ nhiệm năm lớp 4, trường Đặng Trần Côn B. Sau đó mình được rất nhiều thày cô giỏi dạy như cô Hương, thày Hùng hồi tiểu học, cô Hằng, cô Dung ở trường Amsterdam. Lên cấp 3, mình được các thày ở ĐH Tổng hợp, thày Đức và các thày ở ĐH Sư phạm dạy.
- Bách: Từ năm lớp 8, cô Nhẫn chủ nhiệm trường THPT Hải Hậu (Nam Định) phát hiện ra năng khiếu Toán và giúp mình vào đội dự tuyển thi tỉnh. Hồi THPT mình học ở ĐH Tổng hợp, các thày cô giáo đều đã giúp mình rất nhiều.
- Thưa thày Hòa, thày có cảm thấy buồn không khi những tài năng trẻ Toán học rất ít người tiếp tục theo ngành Toán. Có phải là do cơ chế thị trường nên các tài năng chọn những ngành dễ kiếm tiền hơn như CNTT? (Nguyễn Tuấn)
- Thày Hòa: Tôi nghĩ người giỏi Toán có thể cống hiến rất tốt cho những ngành khoa học khác. Tôi không nghĩ việc một người giỏi Toán chuyển sang ngành khác là sự kiện đáng buồn, không phải cứ giỏi Toán ở phổ thông là bắt buộc phải theo đuổi ngành Toán. Người ta có thể tiếp tục phát huy tài năng của mình ở những ngành khác. Việc chọn ngành khoa học nào là do nhu cầu của xã hội cũng như nhận thức của mỗi người về tầm quan trọng của ngành này.
Riêng về CNTT thì tôi cũng muốn nói rõ, bản chất của nó vẫn là Toán (kết hợp với kỹ thuật). Tôi cũng là người học Toán nhưng ra làm việc trong ngành CNTT. Vì tôi muốn ngoài nghiên cứu cơ bản còn muốn đóng góp cho đất nước những sản phẩm có ích.
- Chị thấy nhiều sinh viên giỏi đi du học và không quay về nước làm việc. Các em nghĩ như thế nào về việc này? (Nguyen Minh Hien)
- Bách: Em nghĩ là việc về nước hay không là do mỗi người có một định hướng khác nhau trước khi đi du học. Những người định hướng mập mờ thì sẽ dễ bị hoàn cảnh chi phối và có thể sẽ không trở về nước làm việc. Em chưa biết chắc mình có được đi du học hay không, nhưng nếu được thì em chắc chắn sẽ về nước.
- Tùng: Em còn 1 năm học phổ thông nữa nên bây giờ em chưa có suy nghĩ gì về việc này. Cám ơn chị.
- Có gì gọi là may mắn của đội tuyển VN trong lần thi này? Nếu có, điều may mắn ấy là gì? (Vũ)
- Bách: May mắn nhất có lẽ là về tinh thần vì mình được thi trong nước. Bọn em không phải lo lắng gì về việc ăn ở và thời tiết. Nhiều bạn ở nước khác sang VN rất sợ ra ngoài vì trời nóng, một số bạn khác phải ăn mì mang theo vì không hợp khẩu vị... Còn về kết quả thi thì em nghĩ không có sự may mắn, hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ của mỗi đoàn.
- Tôi biết các bạn là những người rất có bản lĩnh, tuy vậy trong cuộc thi này có lúc nào các bạn thấy lo lắng nếu không đạt được thành tích cao? (Duyên Hà)
- Tùng: Em không hề lo lắng nếu mình không đạt thành tích cao. Bởi vì đối với em cuộc thi Olimpic Toán vừa rồi chỉ là một thử thách, như là một bước đệm để em vươn tới những thử thách lớn hơn.
- Bách: Nếu không đạt thành tích cao thì chắc mình cũng cảm thấy buồn. Tuy nhiên, khi thi, mình không lo lắng quá về việc đạt thành tích hay không.
- Em có nghĩ rằng đoàn chủ nhà Việt Nam tham gia IMO lần này với đội hình mạnh nhất và kết quả 3HCV, 3HCB là hoàn toàn xứng đáng? (Mạc Văn Kiên)
- Tùng: Em nghĩ với sự cố gắng hết mình của tất cả mọi người, từ bản thân bọn em cho đến các thày cô giáo thì kết quả của đoàn VN trong kỳ thi IMO lần này là hoàn toàn xứng đáng. Em rất tự hào về điều đó.
- Bách: Em nghĩ đội tuyển được lựa chọn khá chính xác và kết quả hoàn toàn xứng đáng với những cố gắng của các thành viên.
- Thưa thày Hoà, thày đánh giá thế nào về trình độ của học sinh VN so với các bạn quốc tế trong kỳ thi lần này? (Lưu Trọng Quang)
- Thày Hòa: Mình hơn những bạn kém mình và mình kém những bạn hơn mình. Nhưng nói chung học sinh VN giỏi Toán hơn học sinh rất nhiều nước. Trong khu vực Đông Nam Á, đội tuyển VN vẫn là đội tuyển giỏi nhất.
- Chúc mừng Bách. Mình cũng là người Nam Định nên rất tự hào về Bách. Xin hỏi quê Bách ở đâu vậy? (Chonquenguoi)
- Bách: Em ở xóm Lê Lợi, xã Hải Lý, huyện Hải Hậu. Anh (chị) là đồng hương của em đấy, có muốn nhắn nhủ gì với quê hương không thì để cuối tuần này em về em nhắn cho?
- Cảm ơn em đã đem về HCV cho VN, chị thích nụ cười của em! (Minh Tam)
- Tùng (cười): Cám ơn chị rất nhiều. Ai cũng khen em như chị!
- Mình thấy con gái của nước Nga giỏi Toán thật, trong kỳ thi Olympic quốc gia cua VN vừa rồi có nhiều bạn nữ tham gia không? Trình độ của các bạn nữ thế nào? (Trung Dung)
- Bách: Thông thường thì trong đội tuyển toán của tất cả các nước đều rất hiếm nữ. Bạn nữ ở đội tuyển Nga đã đạt điểm cao hơn em một điểm. Ở trong đội tuyển Nga đã là quá giỏi, con gái mà vào đội tuyển Nga thì càng giỏi!
- Khi ngồi làm bài trong phòng thi xong, em nghĩ sao về kết quả bài mình. Lúc đó em có nghĩ mình sẽ đạt điểm cao không? (Dương Mạnh Hà)
- Tùng: Lúc đó, em ra hỏi mọi người làm bài như thế nào. Và em thấy, tình hình chung là các bạn làm bài không tốt. Cho nên lúc đó em cảm thấy mình có khả năng đạt giải cao. Và kết quả đúng là như thế.
- Cho tôi hỏi thày Hoà "Hiền tài là nguyên khí quốc gia". Theo thày, nhà nước ta phải làm gì để phát triển và "giữ chân" các tài năng phục vụ cho đất nước? (Nguyễn Đăng Quang)
- Thày Hòa: Môi trường làm việc (cách tổ chức, quan hệ con người, điều kiện nghiên cứu, chính sách đãi ngộ...) là quan trọng nhất. Nên khai triển hình thức làm việc liên doanh: làm việc, giảng dạy ở những cơ quan nghiên cứu ở nước ngoài, nhưng vẫn là thành viên các cơ quan nghiên cứu khoa học trong nước.
- Cho em hỏi về một số tài liệu và kinh nghiệm học Toán? (Linh).
- Bách: Bạn cần có đủ những sách cơ bản để trau dồi kiến thức cơ sở, những sách này bạn có thể mua hoặc mượn của những người khóa trên. Bạn có thể tìm tài liệu trên mạng vì trên đó rất phong phú... Với mỗi bài toán cần đặt nhiều hướng suy nghĩ để giải và cố gắng giải quyết đến cùng theo những hướng suy nghĩ đó. Nếu vẫn chưa tìm được lời giải, bạn nên xem lời giải để biết hướng suy nghĩ của người giải và rút kinh nghiệm cho mình.
- Bạn muốn tâm sự và chia sẻ gì với độc giả, những người hâm mộ các bạn. (Hai Chau)
- Tùng: Mình muốn nói với các bạn rằng hãy coi kỳ thi IMO lần này chỉ như một cuộc thử thách lớn đối với những người tham dự. Nó không phải cái gì đó quá lớn lao để ta lúc nào cũng tự hào về nó. Trong cuộc sống, còn rất nhiều thử thách và cá nhân Tùng thấy rằng những thử thách đó nhiều khi còn khó khăn gấp bội lần cuộc thi IMO này.
- Bách: Tùng nói hết ý của mình mất rồi. Thực ra, cả đội tuyển đều có chung suy nghĩ như vậy.
- Thời gian nào trong ngày học môn Toán mà bạn cho là có hiệu quả nhất? Bạn áp dụng phương pháp nào khi học toán? (Đỗ Thị Phương Anh)
- Bách: Lúc nào bạn cảm thấy đầu óc sảng khoái thì nên cố gắng tận dụng để học toán. Thời gian thì tùy thuộc vào sự sắp xếp và sức khỏe của mỗi người. Bản thân em thì em thường học vào buổi tối yên tĩnh và buổi sáng sớm, ít khi học đêm...
- Tùng ơi, khi nào vào HCM, phone cho chị, chị sẽ dẫn đi chơi, chịu không? 0903769... (Minh Tam, 33 tuổi, HCMC)
- Tùng (lúng túng): Em sẽ lưu lại số của chị, cám ơn chị.
- Hồi cấp 2 mình cũng giỏi Toán, từng tham gia vào đội tuyển của trường nhưng bị loại ngay vòng đầu, đến giờ vẫn còn tiếc. Mình cũng muốn xem ăn gì để học giỏi toán? (Đoàn Thị Quế Như)
- Bách: Bố mẹ nuôi em giống như tất cả các bạn khác thôi. Với ai thì cũng thế, nên ăn đủ dinh dưỡng để có sức khỏe học tập. Em thích ăn món canh cua nấu bầu của mẹ, còn chị thì sao?
- Qua IMO lần này, các thày rút ra những kinh nghiệm gì cho việc giảng dạy đội tuyển quốc gia những năm sau, cho nền giáo dục nước nhà. (Nguyễn Đông Hải)
- Thày Hòa: Tôi thấy qua IMO lần này, các nước và lãnh thổ trong khu vực trỗi dậy rất mạnh. Ngay như Thái Lan đứng thứ 14 (trước Đức), Đài Loan thứ 10, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên thứ 8, Nhật Bản thứ 7, Hàn Quốc thứ 4... Vì vậy, cần có chính sách đào tạo học sinh giỏi ngay từ bậc THCS và những chính sách khuyến khích các em học sinh giỏi. Nếu không làm được điều này, chúng ta có nguy cơ tụt hậu ngay cả đối với khu vực.
Ngoài giáo dục toàn diện, chúng ta cần quan tâm đến phát triển giáo dục chuyên sâu. Đội tuyển quốc gia nên được thành lập sớm và hình thức thi học sinh giỏi nên giống như hình thức thi của IMO (thi 2 ngày, mỗi ngày 3 bài trong thời gian 3-4 tiếng).
- Anh Tùng có thể cho chúng em địa chỉ mail không? (Huyền, 16 tuổi, THPT Phan Đình Phùng)
- Tùng: Email của anh là: nedo477@yahoo.com, nedo là nickname của anh.
- Cảm ơn thày và hai bạn Tùng - Bách đã giao lưu với độc giả VnExpress. Nếu coi thành công hôm nay chỉ là bước khởi đầu, thày và hai bạn dự định sẽ đóng góp gì cho Toán học VN trong tương lai để đáp lại sự kỳ vọng của mọi người. Tôi rất ngưỡng mộn đội tuyển Olympic Toán 2007 (Nguyễn Thùy Dương).
- Thày Hòa: Tôi vẫn có những nghiên cứu cơ bản để có được nhiều sản phẩm đóng góp vào nền Toán học và Tin học. Với tư cách người thày, tôi sẽ đào tạo thêm nhiều nghiên cứu sinh thành những nhà nghiên cứu chuyên môn trong ngành Toán học, Tin học, và mong muốn đào tạo nhiều tài năng trẻ trong trường phổ thông. Tôi rất cảm ơn VnExpress đã tạo điều cho thày trò tôi được giao lưu với độc giả, cảm ơn các bạn đã quan tâm đến cá nhân tôi và các em trong đội tuyển.
- Tùng: Mục tiêu gần nhất của mình là cố gắng để được tham dự kỳ thi IMO năm sau. Xa hơn nữa, mình chưa nói trước được điều gì. Tuy nhiên, mình sẽ cố gắng dùng những kiến thức toán học để vận dụng vào vào ngành nghề mình theo đuổi sau này. Tùng cảm ơn sự quan tâm của độc giả.
- Bách: Sau này em định theo ngành công nghệ thông tin. Em cũng chưa biết sẽ đóng góp gì cho ngành Toán học. Nhưng em sẽ cố gắng vận dụng những kiến thức toán học để phục vụ ngành nghề mình sẽ theo đuổi. Cảm ơn VnExpress đã tạo điều kiện cho em có được một cuộc trao đổi thú vị.
VnExpress