Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa, trong bản Hiến pháp sửa đổi lần này cần có thái độ rõ ràng về mô hình tổ chức chính quyền địa phương bởi trong dự thảo không có những sửa đổi căn bản nhằm bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi được phân cấp.
Đại biểu của thành phố Đà Nẵng cho hay, nhiều hội thảo khoa học đề cập đến vấn đề này song chưa đi vào tận cùng. Trong lúc đó chủ trương nghiên cứu chính quyền đô thị đã được Chính phủ giao cho Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng lập đề án mấy năm nay. Cả hai phương án được đưa ra trong dự thảo chỉ có khác nhau duy nhất ở cụm từ "cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương" mà không hề làm thay đổi chức năng, nhiệm vụ của HĐND là cơ quan đại biểu của nhân dân, đại diện quyền làm chủ của nhân dân địa phương.
"Phải có cơ chế rõ ràng về mặt pháp lý để HĐND là cơ quan quyền lực, trên thực tế đóng vai trò quyết định cho sự phát triển của địa phương, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân", đại biểu Nghĩa đề nghị.
Còn theo đại biểu Triệu Là Pham, hoạt động của HĐND hiện chưa thoát khỏi tình trạng hình thức, không thực quyền, bị mờ nhạt và thụt lùi so với quy định của pháp luật. Ông đề nghị giữ nguyên HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương theo Hiến pháp 1992, đồng thời bổ sung chế định bỏ phiếu tín nhiệm đối với UBND, các cơ quan chuyên môn những người do HĐND bầu thành chế định thường xuyên hàng năm để giám sát có hiệu quả hoạt động các cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
Theo đại biểu Trần Du Lịch, cần làm rõ chính quyền địa phương là ai, nguyên tắc chung là phải tăng tính tự chủ, nâng vai trò của cơ quan dân cử về bảo đảm lợi ích của địa phương. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị ngay trong Điều 1 Hiến pháp ghi rõ, Nhà nước CHXHCN Việt Nam là nhà nước đơn nhất "không có chuyện liên bang hay tự trị". Từ đó nhà nước sẽ thể hiện quyền lực qua chính quyền địa phương, qua hoạt động tòa án, qua viện kiểm sát.
"Rất tiếc vì ta để HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, do đó chúng ta không bao giờ dám tăng quyền tự chủ cho chính quyền địa phương, bởi vì nếu tăng tính tự chủ, tự quản thì thành tiểu bang ngay. Chính vì vậy, chúng ta có cơ chế xin cho và thực sự không hoạt động được", đại biểu Lịch phân tích và kiến nghị làm rõ chính quyền địa phương là ai, nguyên tắc chung là phải tăng tính tự chủ, nâng vai trò của cơ quan dân cử về bảo đảm lợi ích của địa phương.
Dẫn ra ví dụ của thành phố Đà Nẵng, ông Lịch cho rằng, không nên có tình trạng một đô thị mà chính quyền không có một quyền gì kể cả những quyền rất nhỏ như nơi cư trú hay vấn đề xử phạt hành chính. "Thật sự tất cả quyền đó là quyền tự chủ của một chính quyền đô thị ở địa phương cần khẳng định trong Hiến pháp, dứt khoát đó là phạm vi lợi ích của địa phương không trái với lợi ích quốc gia", ông Lịch góp ý.
Sau một ngày rưỡi thảo luận, việc lập một cơ quan nhằm bảo vệ Hiến pháp như Tòa án Hiến pháp hoặc Hội đồng Bảo Hiến được nhiều đại biểu đồng tình bởi trên thực tế hoạt động bảo vệ Hiến pháp chưa được xem xét và tiến hành triệt để, thường xuyên. Minh chứng dễ thấy nhất là nhiều văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp với Hiến pháp thậm chí cả với luật.
"Việc thành lập Hội đồng Hiến pháp sẽ tạo ra một công cụ mạnh mẽ hiệu quả để nhân dân giám sát tuân thủ việc bảo vệ Hiến pháp và cũng bảo vệ quyền lợi của mình một khi cho rằng nó bị xâm phạm do có sự vi hiến", Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nói. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa còn đề nghị Hội đồng Hiến pháp có thể giao cho Chủ tịch nước làm Chủ tịch, có sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và Chủ tịch Quốc hội.
Liên quan đến vấn đề giám sát của người dân, đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng, nên quy định chế định về trưng cầu ý dân với nội dung để xác định phúc quyết những vấn đề quan trọng của quốc gia và hệ quả của việc trưng cầu ý dân. Đại biểu này cũng đề nghị bổ sung chế định thể hiện sự kiểm soát quyền lực ngay trong mỗi một hệ thống quyền lực. Chẳng hạn như phải làm rõ để giải quyết được mối quan hệ của sự tương tác giữa nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ và Thủ tướng.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, sửa đổi Hiến pháp là công việc rất hệ trọng, cần sự tham gia đóng góp trí tuệ của người dân, các chuyên gia, các nhà khoa học. Phó chủ tịch Quốc hội đồng ý với nhiều ý kiến đại biểu về việc có một bản Hiến pháp được thể hiện bằng ngôn ngữ nhất quán, cô đọng, có tính khái quát cao để bảo đảm tính ổn định lâu dài của đạo luật cơ bản này.
Sau khi lấy ý kiến người dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 6 năm 2013.
Nguyễn Hưng