Thật vậy, bởi "không cần chứng nhận nghèo khó, không phận biệt bạn là ai, chỉ cần đến giờ cơm trưa mà thiếu tiền lót dạ thì cứ việc đến với chúng tôi", đã là phương châm phục vụ của nhiều quán cơm từ thiện tại Sài Gòn, trong đó có quán Thiện Tâm của ông Lê Công Thương tại chân cầu Lê Văn Sỹ, quận 3.
Quán Thiện Tâm trong giờ phục vụ cơm trưa. Ảnh: Thiên Chương. |
Khai trương từ tháng 7/2007, từ đó đến nay, trung bình mỗi ngày, quán cung cấp khoảng 400 phần cơm. Mỗi phần 3 món gồm: canh, đồ xào và món mặn và 1 đĩa cơm tương đương 5.000 đồng.
Gọi là quán bởi nhìn từ ngoài vào Thiện Tâm giống hệt những quán cơm bình dân khác tại Sài Gòn. Cũng có bàn có ghế, có ống chứa đũa muỗng, chai nước tương, chén ớt đĩa chanh, bình trà đá và nhân nhiên phục vụ với đồng phục lịch sự hẳn hoi. Tuy nhiên tất cả đều miễn phí. Vào quán, người vào ăn chỉ đến bê thức ăn đến bàn hoặc gọi người phục vụ. Ăn xong thì tự cầm đĩa vào bếp, rửa sạch sẽ là được.
"Nhiều người vô quán chễm chệ bảo phục vụ đưa thực đơn gọi món, nhân viên của tôi vờ như không biết, bảo "chỉ còn món đậu hủ kho". Ăn xong, khách khen ngon, bảo tính tiền thì mới vỡ lẽ", ông Thương chủ quán nói.
Ông Thương cho biết, lý do lập quán đơn thuần chỉ xuất phát từ những rung động của ông trước tình cảnh của những người nghèo. "Sau khi lập, thấy quán "ế ẩm" quá, chính tôi phải đi dọc theo các bến bãi, gầm cầu để mang họ về đây. Ban đầu nhiều người tưởng tôi không bình thường và có ý không tin, nhưng bây giờ họ với chúng tôi đã rất gắn bó", ông Thương nói.
Đến nay nguồn khách "ruột" của quán có khoảng 300 người gồm những người già neo đơn, trẻ em cơ nhỡ và những người tật nguyền, số còn lại là công nhân, sinh viên đến từ tỉnh xa. Nhiều khách đến quán vì tò mò, sau khi vài lần dùng cơm và trò chuyện cùng chủ quán, vì ngộ cái tâm của ông cụ 69 tuổi, tự bỏ tiền túi làm từ thiện, đã xin ở lại luôn để phục vụ quán cơm.
Trao đổi với VnExpress, nhiều "khách hàng" của quán không cầm được nước mắt khi nhắc đến chén cơm đầy ân tình của ông thầy Sáu (tức ông Thương). "Thương ở chỗ ông Sáu không phân biệt đối xử, nếu còn cơm, bất ai đến ông cũng cho, như tôi đây còn được ông Sáu tặng cả chiếc xe lăn và số vốn để mua vé số đi bán", một ông lão 76 tuổi cho biết.
Cho cơm vào bao để phân phát. Ảnh: Thiên Chương. |
Ngoài Thiện Tâm, quán Vợ Thằng Đậu 2, tại số 40 đường Đặng Văn Bi, quận Thủ Đức cũng là điểm phát cơm chay tư nhân miễn phí được nhiều người nhắc đến mỗi khi đói lòng.
Cứ 11h trưa mỗi ngày, 100 phần cơm lại được các nhân viên của quán mang ra mời khách ngồi vào bàn và tận tình phục vụ, tuy nhiên có một điều lạ, chủ quá Vợ Thằng Đậu - nghệ sĩ Lê Vũ Cầu - lại là người ít nhận lời cảm ơn của bất cứ ai.
Chị Lưu Kim Ngân, cháu của nghệ sĩ Lê Vũ Cầu cho biết: "Chú Cầu không muốn ai nói nhiều về hai chữ "cám ơn". Chú làm việc ấy chỉ xuất phát từ tâm và vì chú nhớ lại những ngày khốn khó của chính cuộc đời mình... chứ không hề muốn gây tiếng vang chi hết".
Ngoài thời gian phục vụ miễn phí, Vợ Thằng Đậu là một quán nhậu bình dân với nhiều món ăn lạ, có phục vụ hát với nhau. Một phần lợi nhuận của việc kinh doanh này đã giúp ông chủ Cầu có điều kiện nấu cơm miễn phí giúp người nghèo.
Xúc động trước nghĩa cử của người nghệ sĩ giàu lòng nhân ái, nhiều người đã coi chủ quán như một vị cứu tinh. Chị La Thi, ngụ ở quận 9, người thường xuyên nhận cơm tại quán nói: "Cả đời tôi không bao giờ quên những bữa cơm nghĩa tình như thế này. Cũng nhờ phần cơm của nghệ sĩ Lê Vũ Cầu mà tôi mới tiết kiệm được ít tiền lo cho cho cậu con trai mắc bệnh nan y từ 2 năm nay".
Ngoài các điểm phục vụ cơm miễn phí cố định, hầu như những ai đã từng nuôi bệnh tại Bệnh viện Ung bướu, Phạm Ngọc Thạch, Chợ Rẫy cũng đều biết đến những cái tên Bảo Hòa, Thiện Tâm, Phước Thiện bởi những phần cơm mang nặng nghĩa tình.
3 năm nuôi chồng bị bệnh ung tại Bệnh viện Ung bướu là ngần ấy thời gian chị La Thị Trúc nhà ở Đăk Lăk nhận cơm miễn phí của chú Sáu Bảo Hòa.
"Ban đầu nghe người ta nói có cơm miễn phí, tôi còn ngờ ngợ không tin. Đến khi cầm bọc cơm trên tay tôi mới biết thì ra những lời đồn đại về một bếp ăn miễn phí tại Sài Gòn là có thật", chị Trúc nói.
Cảnh người nghèo đợi nhận cơm từ thiện tại BV Ung Bướu. Ảnh: T.C. |
Tại bệnh viện Ung Bướu, mỗi ngày còn có 800 người khác có hoàn cảnh khó khăn như chị Trúc được nhận thức ăn.
Ngụ tại số 220 đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1, Bếp ăn Bảo Hòa, trực thuộc Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP HCM đã làm việc thiện suốt 15 năm nay. Mỗi ngày bếp ăn này cung cấp khoảng 1.800 suất ăn.
Ông Nguyễn Văn Sáu, người sáng lập bếp ăn cho biết, từng chứng kiến cảnh người dân quê mình khốn khó với từng bữa ăn, từng viên thuốc khi có người thân bị bệnh phải đưa chữa trị ở Sài Gòn, nên ông đã kêu gọi các nhà hảo tâm thành lập bếp ăn.
Cùng với bếp ăn Bảo Hòa, Hội chữ thập đỏ Thiện Tâm tại quận Bình Thạnh do ông Nguyễn Đăng Hoàng là chủ cũng là một tổ chức từ thiện đã có mặt từ 20 năm nay. Do kinh phí cá nhân có hạn, Thiện Tâm chỉ phục vụ tổng cộng 1.800 suất ăn mỗi tuần. Thời gian phát cơm vào 2 ngày cuối tuần tại Bệnh viện Ung bướu và Phạm Ngọc Thạch.
Ông Hoàng tâm sự: "Nhìn thấy ánh mắt hạnh phúc của những bệnh nhân nghèo khi cầm túi cơm trên tay, tôi quên cả mệt nhọc. Tiền thu được từ nghề thiết kế xây dựng, tôi dồn hết vào gạo. Thậm chí có lúc không huy động được từ các nhà hảo tâm, tôi đã phải bán căn nhà lớn ngoài mặt tiền của mình để giúp mọi người".
Cảm phục tấm lòng của những con người luôn sống vì cộng đồng như ông Sáu, ông Hoàng, thầy Sáu, chú Cầu... nhiều tổ chức, tập thể cá nhân là công chức, văn nghệ sĩ, học sinh, sinh viên đã tìm đến để đồng tâm góp gió thành bão theo kiểu "Ai có của góp của, ai không có điều kiện thì góp công".
Mới 2h sáng, nhóm nhà hảo tâm thuộc CLB Yoga Phú Thọ, quận 11 đã có mặt tại điểm hẹn. Cứ mỗi cuối tháng, nhóm bạn này đều quyên góp tiền rồi đến Bảo Hòa để nấu cơm mang đến cho người nghèo.
"Của ít lòng nhiều, chúng tôi hy vọng việc làm nhỏ bé của mình sẽ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn lại rơi vào bệnh tật thêm vững tin. Vì phía sau họ còn có chúng tôi", một người trong nhóm nói.
Còn theo một số người từng được no dạ ấm lòng nhờ bát cơm nghĩa thì "những nghĩa cử tốt đẹp ấy đã khiến Sài Gòn trở nên thân thiện và nhân ái hơn trong lòng chúng tôi mà mãi mãi chúng tôi không thể nào quên".
Thiên Chương