Từng đợt 100 người nối nhau theo hàng một lặng lẽ tiến vào, trong khi hàng chục nghìn người khác xếp hàng dài chờ phía sau. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu cùng một số cựu chiến binh dẫn đầu đoàn tưởng niệm.
Nhà riêng Đại tướng bắt đầu mở cửa đón khách từ 14h30. Tới gần 16h, đoàn người tới tưởng niệm mỗi lúc một đông, kéo dài cả cây số từ cổng nhà 30 Hoàng Diệu vòng qua đường Điện Biên Phủ, Lăng Bác Hồ tới tận cửa Bộ Ngoại giao.
* Ảnh người dân tưởng niệm Đại tướng
Hàng nghìn trong số này đã tới trước giờ mở cửa hàng tiếng đồng hồ. Trên tay cầm hoa, nến và hương, họ lặng lẽ cùng nhau chờ đợi, ai nấy đều rưng rưng lệ như sắp chia xa người ruột thịt. Nắng thu vàng rực len qua tán lá dày xanh mướt, gió man mác thổi gợi nỗi buồn da diết.
Hai cựu binh Bùi Xuân Đức và Nguyễn Sĩ Mỵ ở Tây Hồ hòa trong dòng người đứng trước nhà Đại tướng. Họ từng tham gia trận chiến bảo vệ thành cổ Quảng Trị, không phải cấp dưới trực tiếp, nhưng vẫn có tình cảm đặc biệt với người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
"Chúng tôi ra đây vì tình cảm cá nhân. Đại tướng hưởng thọ 103 tuổi rồi, nhưng vẫn thấy tiếc thương vì từ nay đất nước mất đi một người đức độ, tài giỏi, vì dân vì nước", hai bác chia sẻ.
Cả hai người đi xe máy ra Hoàng Diệu ngay trong đêm 4/10 và thường xuyên túc trực từ đó tới nay, chờ tới lượt vào thăm nhà và tưởng niệm vị tướng mà họ ngưỡng mộ.
Đứng nép bên hàng rào, chị Lưu Thị Bích Hồng khóc nấc khi bày tỏ tình cảm của mình với người vừa khuất. Năm nay 30 tuổi, chị Hồng đang làm việc tại TP HCM. Ra Hà Nội công tác, nghe tin buồn chị tách đoàn tìm đến nhà Đại tướng, đứng ngóng hàng giờ trước khi phải ra máy bay trở về Nam mà không thể chờ tới buổi chiều để vào tận nơi.
"Ông mình cũng là nhà lão thành cách mạng, vừa qua đời. Qua lời kể của ông từ bé, mình biết và kính trọng Đại tướng", chị chia sẻ với VnExpress.
Theo kế hoạch, gia đình đón khách từ 14h30 đến 18h và tiếp tục mở cửa trở lại trong các ngày tiếp theo. Hơn một tiếng trước giờ nghỉ, hàng chục nghìn người vẫn kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi. Một số cho biết nếu hôm nay không đến lượt, sáng hôm sau sẽ quay lại sớm. Cuối giờ chiều, gia đình đã phải cử người đi cáo lỗi vì không thể kéo dài thời gian đón tiếp bà con.
Từ 14h30 chiều, ngôi nhà Đại tướng từng sinh sống với gia đình trước khi qua đời, bắt đầu đón khách và tiếp tục mở cửa đến hết 11/10, một ngày trước lễ truy điệu. Quyết định chưa có tiền lệ này được đưa ra sau khi hàng trăm người dân theo nhau dâng hoa, thắp nến trước cửa nhà 30 Hoàng Diệu ngay trong đêm biết tin Đại tướng từ trần. Con trai và con gái ông đã ra trước cổng cảm ơn tấm lòng của đồng bào dành cho cha mình, thông báo bắt đầu đón khách từ 8h sáng 6/10. Tuy nhiên, do khâu chuẩn bị chưa kịp, giờ đón khách phải lui lại.
Khoảng 11h trưa 6/10, rạp đã được dựng lên làm nơi chuẩn bị đón bà con vào tưởng niệm. Gia đình khuyến khích người dân đi theo đoàn, và không mang theo đồ phúng viếng. Công an phường Điện Biên cùng lực lượng dân phòng đã có mặt hướng dẫn người dân, thông báo về giờ đón khách. Hoa của người dân tưởng niệm Đại tướng tiếp tục được chuyển vào trong nhà. Khu trông xe miễn phí được bố trí ở Hoàng Thành - 19C Hoàng Diệu.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần lúc 18h9 ngày 4/10 tại Bệnh viện quân y 108, nơi ông nằm điều trị suốt 4 năm qua. Tang lễ ông sẽ được tổ chức theo nghi thức Quốc tang. Linh cữu ông quàn tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ viếng được tổ chức cùng địa điểm từ 7h30 ngày 12/10. Một ngày sau, 13/10, sẽ diễn ra lễ truy điệu trọng thể.
"Thể theo ý nguyện của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nguyện vọng của gia đình, lễ an táng đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức cùng ngày tại quê nhà (tỉnh Quảng Bình)", thông cáo đặc biệt phát đi chiều 5/10 của Văn phòng Ban chấp hành trung ương Đảng ghi rõ.
Nhóm phóng viên