Bán đảo Thủ Thiêm (quận 2) chỉ cách trung tâm TP HCM hơn 300 m đường sông. Vùng đất này rộng 737 ha, hiện là nơi sinh sống và làm việc của khoảng 40.000 dân, đa phần là công chức, công nhân sáng đi, chiều về giữa hai bờ sông Sài Gòn.
Theo thống kê, kinh tế Thủ Thiêm chỉ tăng trưởng khoảng 5% mỗi năm. Người dân chủ yếu làm tại các công xưởng ven bờ sông Sài Gòn. Phần còn lại sống nhờ các nghề tự do với dịch vụ trên sông, buôn bán nhỏ. Nông nghiệp hầu như không phát triển do đất hoang hóa nhiều. Các nguồn lợi từ thủy sản cũng hầu như không có.
"Không có lý do gì để chỉ cách nhau một con sông mà hai bên lại giàu - nghèo tương phản đến thế. Thủ Thiêm có cảnh quan rất lý tưởng mà nhiều nước trên thế giới mơ ước để phát triển đô thị trung tâm với các trung tâm thương mại, tài chính quốc tế", kiến trúc sư Trang Bảo Sơn, Phó Ban quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm nhìn nhận.
Cổng hầm Thủ Thiêm phía quận 1 trước ngày thông xe. Ảnh: H.C. |
Để xóa đi sự đối lập, TP HCM quyết tâm nối đôi bờ sông Sài Gòn. Sau rất nhiều tranh luận nên xây cầu hay xây hầm dìm để kết nối, cuối cùng Thủ tướng cho phép TP HCM xây hầm Thủ Thiêm băng qua sông Sài Gòn vì nếu xây cầu thấp sẽ ảnh hưởng đến tàu bè qua lại, ra vào Tân Cảng lấy hàng. Còn nếu xây cầu cao thì chi phí không thua hầm là mấy, hơn nữa sẽ làm phá vỡ toàn bộ cảnh quan của khu vực. Ngoài ra, nếu Tân Cảng dời đi thì xây cầu cao sẽ lãng phí.
Sau hơn 6 năm kiên trì với kế hoạch nối quận 1 và quận 2, chỉ còn vài ngày nữa là ước mơ kết nối đôi bờ sẽ thành hiện thực. Vui nhất vẫn là người dân sống ở quận 2. Ông Bảy ở ấp Cây Bàng, phường Thủ Thiêm, quận 2 kể, chỉ cách một đoạn sông ngắn mà người quận 2 mỗi lần qua quận 1 vẫn quen miệng nói với nhau là "đi Sài Gòn một chuyến". Mấy đứa con nít nghe người lớn đi Sài Gòn lại dặn mua quà, cứ như từ miền quê nào đó xa xôi lắm. Cũng chỉ vì cuộc sống hai bên bờ sông khác nhau quá nên trở thành xa xôi.
Nhìn ra hướng chiếc phà Thủ Thiêm đang đưa những chuyến khách cuối cùng vì sẽ đóng cửa vào đầu tháng 12 tới đây khi hầm Thủ Thiêm được thông xe (20/11), ông Bảy phấn chấn hẳn. "Khi thông xe hầm Thủ Thiêm, toàn đại lộ Đông Tây nữa, tôi tin rằng quận 2 sẽ không còn là vùng đầm lầy, một vùng đất quê mùa nữa mà cũng sẽ sớm được như quận 1 bây giờ", lão nông tóc hoa râm chia sẻ.
Vui mừng vì ước mơ bấy lâu nay sắp thành hiện thực, anh Hải, nhà ở đường Lương Định Của quận 2 cho biết hàng ngày phải đi làm từ quận 2 qua quận 5, một đoạn đường khá xa. "Thay vì mất gần tiếng để đến công ty, sắp tới từ bờ quận 2 qua quận 1 chỉ mất chưa đầy 3 phút, nhờ đó mà đoạn đường sẽ được rút ngắn lại rất nhiều", anh Hải nói. Cũng theo anh Hải, anh cũng như nhiều người dân quận 2 đang rất hy vọng vào hầm hiện đại này, mong từ nay quận 2 sẽ không ngừng phát triển, không còn cảnh lạc hậu một trời một vực so với bờ bên kia.
Nhiều ngày trước khi hầm Thủ Thiêm được thông xe, người dân thành phố đã tìm đến "để ngắm cái hầm hiện đại nhất Đông Nam Á" và tìm hiểu trước lối ra vào cũng như các quy định khi qua hầm. "Tôi tranh thủ chạy ra xem trước, tiện thể tìm hiểu xem giao thông ở khu vực này được phân luồng như thế nào để ngày thông xe không bở ngỡ", ông Tâm, một người dân ở quận 8 dừng xe trước hầm Thủ Thiêm nói.
Miệng hầm Thủ Thiêm phía quận 2. Ảnh: H.C. |
Cùng chung niềm vui với người dân, những người trực tiếp quản lý, xây dựng dự án đại lộ Đông - Tây và hầm Thủ Thiêm cũng rất phấn chấn sau một chặng đường dài.
Ông Lương Minh Phúc, Trưởng ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP HCM chia sẻ, ông và hơn 1.000 công nhân xây dựng có những lúc phải "nằm gai nếm mật" dưới căn hầm này. Anh em phải thi công trong điều kiện không nghỉ lễ, Tết, thường phải "chiến đấu" 2 ngày liền nhau, ngày kéo ngày dìm và chỉ được cấp bánh bao, gói xôi cùng nước trắng.
"Có lúc tôi đi kiểm tra, nhìn thấy công nhân ngủ ngồi một cách ngon lành vì quá mệt cũng thương, nhưng công việc kết nối đang dang dở, chưa hoàn tất, anh em không thể rời vị trí", ông Phúc kể.
Theo ông Phúc, suốt thời gian dài "gắn bó" với hầm Thủ Thiêm, ông đã xem nơi này như "đứa con", có nhiều kỷ niệm không thể quên. Cũng từ trong lòng đất, dưới lòng sông Sài Gòn, ông đã có những vần thơ về công trình nổi bật của thành phố. "Lên 27 mét trên đỉnh sống ta thấy được lòng dân. Xuống 27 mét dưới đáy sông ta nhận ra tình đồng đội. Hầm vượt sông Sài Gòn cong như cánh võng. Nâng giấc mơ nối kết đôi bờ... Trải qua 3 ngàn đêm trắng, ta thấy bình minh rạng ngời. Trải qua 1490 mét đường hầm, ta gặp mùa xuân đến sớm trong nụ cười em", ông Phúc ngân nga.
Nhận định về tiềm năng của hầm Thủ Thiêm và đại lộ Võ Văn Kiệt, ông Phúc cho rằng, đây là trục đường gần nhất nối trung tâm TP HCM với khu Đông Sài Gòn, nối cảng Cát Lái với các tỉnh miền Đông và miền Tây. Từ nay, đường hầm vượt sông Sài Gòn đã hoàn toàn kết nối, giấc mơ về một con đường ngắn nhất tiến về thành phố và giấc mơ về một khu đô thị mới, khang trang, hiện đại phía Đông Sài Gòn đang đến rất gần.
Còn theo ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, dự kiến khi hầm Thủ Thiêm được khai thác, sẽ có khoảng 45.000 lượt ôtô và 15.000 lượt xe máy lưu thông qua hầm mỗi ngày để vào khu vực trung tâm, vì rút ngắn thời gian từ 30 đến 45 phút so với đi các tuyến đường khác. Khi đó, tình trạng kẹt xe tại cầu Sài Gòn, cầu Bình Triệu và hàng loạt tuyến đường nội thành như Nguyễn Hữu Cảnh, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thị Minh Khai… sẽ phần nào giảm bớt, góp phần tiết kiệm hàng chục tỷ đồng chi phí nhiên liệu mỗi ngày.
Hiện nay, trên thế giới có hơn 30 hầm dìm dưới lòng sông, phổ biến ở Nhật Bản, Hong Kong, Australia, Mỹ... Riêng ở Đông Nam Á, đến nay hầm vượt sông Sài Gòn là hầm có quy mô lớn nhất khu vực. Quá trình thi công hầm bắt đầu từ tháng 2/2005 với việc khởi công xây dựng 2 hầm dẫn. Từ tháng 3/2010 đến tháng 6/2010, bốn đốt hầm dìm đã lần lượt được lai dắt từ bể đúc ở Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai vượt qua 22 km đường sông về đến khu vực Thủ Thiêm, lắp đặt nối kết thành công với hầm dẫn phía Thủ Thiêm, quận 2. Việc lai dắt 4 đốt hầm được thực hiện trong điều kiện khí tượng thủy văn vô cùng phức tạp, lòng sông có nơi chỉ sâu 10 m với nhiều khúc quanh co nguy hiểm, mỗi sơ suất nhỏ trong quá trình lai dắt có thể dẫn đến những hiểm họa khôn lường. Bên cạnh đó, việc dìm và lắp đặt 4 đốt hầm, mỗi đốt có chiều dài 93 m, cao 9 m, nặng 27.000 tấn ở độ sâu 23-27 m dưới đáy sông Sài Gòn trong điều kiện dòng sông chảy xiết, không gian thao tác thi công chật hẹp, nhất là đối với đốt hầm số 4, sai số cho phép nối kết, lắp đặt một số bộ phận của đốt hầm không được vượt quá 10 mm. Thời gian xử lý nhiều công đoạn phải tính bằng giây, quá trình dìm lắp đặt mỗi đốt hầm diễn ra liên tục từ 15 đến 20 tiếng với vô vàn tình huống kỹ thuật phức tạp. Ngày 20/11, TP HCM sẽ tổ chức khánh thành công trình trọng đại của thành phố sau hơn 6 năm xây dựng. |
Hữu Công