Báo cáo trước Thường vụ Quốc hội chiều 25/4, Tổng thư ký Hội đồng bầu cử Phạm Minh Tuyên cho biết, Tiểu ban chỉ đạo giải quyết khiếu nại đã nhận được 114 thư, trong đó có 37 đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thuộc diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý.
Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng kết luận phiên họp chiều 25/4. Ảnh: Tiến Dũng. |
Sau hội nghị hiệp thương lần thứ ba, tổng số người được lập danh sách chính thức ở cả trung ương và địa phương là 832 (có 15 người tự ứng cử), trong đó trung ương là 182, địa phương là 650. Đến nay, có 2 ứng cử viên ở Hà Nội và Bạc Liêu xin rút khỏi danh sách chính thức. Do vậy, tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội trong cả nước còn 830 và tổng số đại biểu được bầu sẽ là 500.
Trong 830 ứng viên đại biểu Quốc hội, có 261 nữ, 134 người dân tộc thiểu số, 118 người ngoài Đảng, 183 người dưới 40 tuổi, 183 người tái cử, 305 ứng viên trình độ trên đại học. So với kỳ bầu cử trước, tổng số đại biểu ứng cử thấp hơn, tỷ lệ ứng viên phụ nữ, dân tộc thiểu số, ngoài Đảng, trẻ tuổi cũng thấp hơn, nhưng tỷ lệ tái cử cao hơn (lên đến 22%) và ứng viên có trình độ trên đại học cao hơn.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Lê Quang Bình cho rằng, gần một tháng nữa là đến ngày bầu cử nên tình trạng khiếu kiện của người dân sẽ gia tăng, nhất là đối với đại biểu HĐND. Vì vậy, các cơ quan chức năng khi nhận đơn cần sớm giải quyết, trả lời cho người dân được biết.
Đồng quan điểm, Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần quan tâm giải quyết, xử lý đơn thư khiếu nại của người dân bởi việc lảng tránh và cho qua là điều không nên.
Trong đợt bầu cử ngày 22/5, cả nước có 599 Ủy ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện và 10.630 Ủy ban bầu cử HĐND cấp xã. Theo dự kiến của 63 tỉnh, thành phố, cả nước sẽ có hơn 91.000 khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Các đại biểu sẽ đi bỏ phiếu để bầu ra 500 đại biểu Quốc hội, hơn 3.200 đại biểu cấp tỉnh, thành phố, hơn 21.000 đại biểu cấp huyện và hơn 280.000 đại biểu cấp xã. |
Tiến Dũng