![]() |
Ông Nguyễn Văn Hiến. Ảnh: P.V. |
- Thời gian qua tàu thuyền, ngư dân Việt Nam gặp nhiều nguy hiểm, thậm chí bị nhân viên có vũ trang của nước ngoài đối xử vô nhân đạo. Hải quân Việt Nam đã có động thái gì, thưa ông?
- Hải quân Việt Nam có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, các hoạt động kinh tế trên biển, xua đuổi tàu nước ngoài xâm phạm vào vùng biển của ta. Khi có xâm phạm vào khu vực chủ quyền, chúng ta kiên quyết bảo vệ, dù phải chiến đấu hi sinh. Hải quân Việt Nam là một trong những lực lượng có tính chiến đấu rất cao.
Đối với việc bảo vệ ngư dân, trong từng thời điểm, từng khu vực chúng tôi có bố trí lực lượng, nhưng không thể mỗi tàu cá bố trí một tàu hải quân. Tôi khẳng định là nếu đánh cá trong vùng biển 200 hải lý của ta là an toàn, kể cả ở khu vực Trường Sa, tuy nhiên không nên vào khu vực phạm vi 3 hải lý gần điểm quân sự.
Hiện nay, hải quân cùng các lực lượng quản lý biển khác đang tăng cường phối hợp để nâng cao chất lượng quản lý và bảo vệ các hoạt động kinh tế trên các vùng biển.
- Sau sự kiện ngư dân Quảng Ngãi tố cáo bị tấn công khi vào trú bão tại |Hoàng Sa, nhiều ngư dân đang rất lo ngại. Ông có thể nói gì về vấn đề này?
- Hoàng Sa đang tồn tại tranh chấp, đây là quần đảo của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc tạm chiếm đóng. Trong cơn bão số 9 vừa qua, một số nhân viên vũ trang Trung Quốc đối xử tàn bạo với ngư dân ta, chúng tôi cực lực phản đối.
Ở quần đảo Trường Sa, bình thường tàu cá Trung Quốc vào gần đảo thì chúng tôi xua đuổi, nhưng khi có bão xảy ra, chúng tôi vẫn cho vào trú đậu, khi họ bị tai nạn thì cấp cứu, nuôi ăn, hết bão rồi trả về. Lúc bão gió thiên tai thì phải giúp đỡ, đó là thông lệ quốc tế. Ngay trong bão số 9 vừa qua, có 2 tàu Trung Quốc vào gần đảo Bạch Long Vĩ, chúng tôi cho vào âu tàu tránh bão và giúp tìm kiếm cứu vớt người bị nạn.
Sắp tới trong các chuyến thăm hải quân các nước, chúng tôi cũng sẽ đề cập trực tiếp đến vấn đề này.
- Theo ông vấn đề Hoàng Sa nên giải quyết theo hướng nào?
- Hiện các nước ASEAN và Trung Quốc đã ký thỏa thuận DOC về ứng xử trên biển Đông, trong đó có hai điểm quan trọng. Thứ nhất là giữ nguyên hiện trạng, không làm phức tạp thêm tình hình. Thứ hai là giải quyết tranh chấp bằng hòa bình, đàm phán, không xử lý các vấn đề bằng đe dọa vũ lực. Đây là thỏa thuận có giá trị trên toàn biển Đông, trong đó có Trường Sa, Hoàng Sa.
Hiện nay, các nước đều cố gắng giải quyết vấn đề bằng đàm phán bằng hòa bình. Nếu xảy ra xung đột tất cả các bên đều không có lợi.
Chiếm hữu và khẳng định chủ quyền thì cơ bản phải bằng hoạt động dân sự và kinh tế. Trung Quốc chiếm Hoàng Sa nhiều năm thì cũng không nước nào công nhận, vì họ đã chiếm hữu bằng quân sự. Vừa qua chúng ta tổ chức hội nghị, hội thảo về biển Đông để đưa ra những chứng cứ, cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền với Hoàng Sa, đấu tranh ngoại giao hòa bình. Vấn đề này sẽ phải đấu tranh lâu dài, có thể đến cả đời con, đời cháu chúng ta.
![]() |
Các chiến sĩ hải quân trên đảo Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
- Hải quân nước ta đã học tập và trao đổi được những gì qua những chuyến giao lưu với Hải quân các nước?
- Ngoài các chuyến thăm của các tàu quốc tế, chúng ta cũng cử nhiều cán bộ, chiến sĩ đi đào tạo ở Nga, Ấn Độ, Pháp, Australia… Quan điểm của Việt Nam là không tham gia vào liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam, nhưng giao lưu quân sự thì nên làm, sắp tới chúng tôi có kế hoạch thăm Nhật, Mỹ…
Chúng ta giao lưu để tạo lòng tin, thêm bạn quân sự. Ngoài ra, chúng tôi học tập được lẫn nhau, những mặt có thể hợp tác thì sẵn sàng hợp tác.
- Hải quân sẽ có những bước "chuyển" như thế nào để thực hiện "chiến lược biển" của đất nước?
Việt Nam đã có chiến lược biển, phải tiến ra biển. Muốn bảo vệ chủ quyền và các hoạt động kinh tế thì phải trang bị, hiện đại hóa hải quân và các lực lượng quản lý biển khác như cảnh sát biển, biên phòng, kiểm ngư. Kể từ khi có chiến lược biển, hải quân đang ngày càng được hiện đại hóa, chính quy, tinh nhuệ.
Việt Anh ghi