Xét về các mặt kỹ thuật, không gian kiến trúc, cảnh quan, giải phóng mặt bằng và bảo tồn di sản, Chủ tịch UBND Hà Nội đồng tình phương án kiến trúc cầu vượt qua nút giao Ô Chợ Dừa do Ban quản lý dự án trọng điểm giao thông đô thị (đại diện chủ đầu tư) đệ trình, được Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội thẩm định.
Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố vẫn yêu cầu đại diện chủ đầu tư tổ chức hội thảo giới thiệu và làm rõ phương án kiến trúc cây cầu, lấy ý kiến các chuyên gia văn hóa, lịch sử để hoàn thiện dự án.
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc, từ năm 2007, UBND thành phố đã phê duyệt quyết định chuẩn bị đầu tư cầu vượt trực thông. 5 phương án đã được nghiên cứu, trong đó phương án đi ngầm đã được đơn vị tư vấn xin ý kiến các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực quy hoạch, giao thông.
5 phương án xây dựng cầu vượt qua Đàn Xã Tắc |
Phương án cầu vượt đi qua Đàn Xã Tắc và nút giao Ô Chợ Dừa. Ảnh: Đoàn Loan |
Trao đổi với VnExpress, ông Dương Đức Tuấn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc cho rằng, phương án 2 với cầu vượt có nền đường cong mềm mại, lệch phía bắc của tuyến (về phía đường Tôn Đức Thắng) có ưu điểm về kinh phí đầu tư xây dựng, ít ảnh hưởng đến di tích Đàn Xã Tắc và đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đồng ý. Đồng thời, phương án này còn hạn chế tối đa việc giải phóng mặt bằng phạm vi nút và giảm thiểu ảnh hưởng đến nhà dân.
Theo đó, cầu vượt dài 631 m, rộng 14,5 m với 4 làn xe. Cầu cách nhà dân 5 m và có tường chắn để giảm tiếng ồn. Hai trụ cầu cách nhau 62 m nằm bên ngoài khu vực bảo tồn Đàn Xã Tắc. Từ trên không, mép cầu vượt sẽ chờm vào khu vực thảm cỏ hiện đặt tảng đá dấu tích của Đàn Xã Tắc là 1,5 m.
Phó giám đốc Sở khẳng định, quy trình xác lập phương án kiến trúc cầu vượt đã được thực hiện chặt chẽ, các giải pháp kỹ thuật đều được Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thống nhất bằng văn bản. Phương án của cầu sau khi được tổ chuyên gia kỹ thuật chấp thuận đã được đưa ra Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch thủ đô và nhận được sự đồng thuận.
Trước đó, trong thời gian Hà Nội nghiên cứu phương án hướng tuyến cầu vượt qua Đàn Xã Tắc, một số chuyên gia khảo cổ, lịch sử đã bày tỏ lo ngại công trình sẽ ảnh hưởng đến di tích khảo cổ từng khai quật tại Đàn Xã Tắc. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch mới đây cũng đã yêu cầu Hà Nội tính toán kỹ lưỡng giải pháp thi công phần móng các trụ cầu để tránh ảnh hưởng đến khu vực di tích. Trường hợp phát hiện dấu tích kiến trúc hoặc di vật, cổ vật thì cần nhanh chóng thông báo tới cơ quan có thẩm quyền về văn hóa.
Đàn Xã Tắc là loại đàn tế cổ, được lập để tế thần Đất, thần Nông và là một trong những di tích quan trọng vào bậc nhất của Thăng Long xưa. Đàn được lập từ thời vua Lý Thái Tông (năm Mậu Tý 1048), đến sau thời vua Lê Chiêu Thống (1788) thì mất dấu. Sau hơn hai trăm năm mất dấu, đàn tình cờ được tìm thấy vào cuối năm 2006, khi xây dựng vành đai 1 đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa.
Năm 2007, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã phê duyệt khu vực bảo vệ di tích lịch sử Đàn Xã Tắc, trong đó có xác định vùng bảo vệ cấp 1. Bộ Văn hóa và UBND TP Hà Nội đã thống nhất giải pháp lấp cát để bảo vệ và cho phép xây dựng đường giao thông đi qua ranh giới khu vực bảo vệ cấp 1. Để khẳng định dấu tích của Đàn Xã Tắc, thành phố đã bố trí thảm xanh có tính chất là đảo giao thông và có lưu dấu bằng hiện vật (tảng đá).
Theo Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt, các nút giao giữa các đường vành đai và các trục hướng tâm đều phải xử lý bằng giải pháp giao thông khác mức. Đối với nút giao vành đai 1 và các trục đường hướng tâm như đường Bạch Mai - Phố Huế, đường Giải Phóng - Lê Duẩn, đường Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng, đường Giáng Võ - Láng Hạ, đường Nguyễn Chí Thanh, theo quy hoạch đều xác định sẽ xây dựng các nút giao khác mức. Trong đó, nút giao cắt đường Giải Phóng - Lê Duẩn đã xây dựng hầm chui (hầm Kim Liên), nút giao Bạch Mai đang xây dựng cầu vượt và các nút giao còn lại trên đường vành đai 1 cũng đang được hoàn thiện theo Dự án mở đường vành đai 1. Nút giao Ô Chợ Dừa là nút giao quan trọng thuộc vành đai 1 giao với trục đường hướng tâm có lưu lượng giao thông lớn, là một trong các điểm “đen” về ùn tắc hiện nay cần phải giải quyết. |
Đoàn Loan