Theo quyết định về việc thu phí xe đạp, xe máy, ôtô trên địa bàn của UBND TP Hà Nội, từ ngày 1/1/2012, vào ban ngày (6-18h), phí trông giữ xe đạp là 1.000 đồng, xe máy 2.000 đồng một lượt; ban đêm (18-6h) phí trông xe đạp 2.000 đồng, xe máy 3.000 đồng. Phí trông xe đạp theo tháng là 25.000 đồng, xe máy là 45.000 đồng.
Riêng các huyện ngoại thành, chợ, trường học, bệnh viện, mức phí trông xe đạp chỉ 500 đồng (ban ngày) và 1.000 đồng (ban đêm); phí trông xe máy cũng lần lượt là 1.000 - 2.000 đồng. Và phí trông xe theo tháng vẫn giữ nguyên.
Điểm trông giữ ôtô, xe máy sát hồ Gươm không chỉ "chặt chém" khách mà còn bịt lối đi khiến những người nước ngoài phải len lỏi giữa dòng xe để đi sang hồ. Ảnh: Tiến Dũng. |
Tại các tuyến phố cần hạn chế dừng, đỗ ở quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, mức phí trông xe dưới 9 chỗ ngồi là 40.000 đồng, từ 10 chỗ ngồi là 50.000 đồng; ở các phố khác của 4 quận này, mức phí lần lượt là 30.000 và 40.000 đồng. Tại các quận còn lại và huyện Từ Liêm, phí trông xe là 25.000 và 30.000 đồng; tại thị xã Sơn Tây và các huyện, mức phí 20.000-25.000 đồng.
Mức phí trông xe theo tháng, cao nhất là 3,5-4,5 triệu đồng, thấp nhất là 2-2,5 triệu đồng (ở các tuyến phố hạn chế dừng đỗ của 4 quận). Còn lại ở các quận huyện khác, mức phí thấp nhất 300.000 đồng, cao nhất 1,8 triệu đồng một tháng. Ở các khu vực có mái che, mức phí trông ôtô theo tháng tăng hơn một chút.
Còn bên trong các chung cư, trung tâm thương mại, phí gửi ôtô ở quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng là 40.000 đồng một lượt; các quận khác và huyện Từ Liêm là 30.000 đồng; mức phí ở thị xã Sơn Tây và các huyện còn lại là 25.000 đồng một lượt.
Tại các trung tâm thương mại, chung cư được đầu tư trông giữ xe hiện đại, mức phí gửi ôtô tối đa là 3 triệu đồng (ngày và đêm); tại các chung cư, trung tâm thương mại khác, mức thu này là 1,8 triệu đồng.
Hà Nội vẫn giữ nguyên mức phí trông xe máy nhưng từ cả năm nay, ngay tại trước cửa bưu điện Hà Nội, mức phí trông xe đã được ý được nâng lên. Ảnh: Tiến Dũng. |
UBND TP Hà Nội cũng quy định, các bộ ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp, các sở, ngành trên địa bàn có trách nhiệm bố trí khu vực để phương tiện giao thông của cán bộ, nhân viên và của người đến giao dịch, làm việc, không được thu phí gửi phương tiện.
Trước đó, tại kỳ họp HĐND thành phố, cho rằng mức thu phí trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô hiện hành được xây dựng từ năm 2007 không còn phù hợp, UBND Hà Nội đề xuất tăng phí trông giữ xe đạp ở các quận và huyện Từ Liêm lên 2.000 đồng, xe máy 3.000-5.000 đồng, ôtô 30.000-40.000 đồng một lượt.
Tuy nhiên, đề xuất này nhận được nhiều phản đối của các đại biểu bởi "trông xe là hình thức kinh doanh siêu lợi nhuận". Và HĐND thành phố đã bác đề xuất tăng phí trông giữ xe máy, đồng ý với đề xuất tăng phí trông giữ ôtô.
Dù tới đầu năm 2012, mức phí trông giữ ôtô mới có hiệu lực nhưng từ cả năm nay, ôtô gửi tại hồ Gươm đã bị "chặt chém" tới 50.000 đồng một lượt mà không hề có vé. Tại hầu hết điểm trông giữ ôtô, xe máy, người dân đều phải trả cao hơn quy định. Tình trạng "chặt chém" này được phản ánh nhiều lần nhưng các cơ quan chức năng của Hà Nội vẫn không có giải pháp xử lý.
Tiến Dũng