Dự kiến việc thu phí lưu thông đối với 2 loại phương tiện cá nhân là xe máy và ôtô.
Theo dự thảo, HĐND được quyền quy định mức thu phí trong nội thành cao hơn mức thu áp dụng chung cho cả nước trong lĩnh vực môi trường, giao thông vận tải nhằm đầu tư bảo vệ môi trường, xây dựng, nâng cấp công trình giao thông.
Hà Nội cũng được quyền áp dụng mức xử phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính ở nội thành cao hơn mức áp dụng chung cho cả nước trong lĩnh vực văn hóa, đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông vận tải và cư trú.
Theo Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, vấn đề ùn tắc giao thông đang rất báo động tại nội thành thủ đô. Năm 2009, Hà Nội có khoảng 300.000 ôtô và trên 3,6 triệu xe máy, trong khi chỉ có khoảng 4.000 km đường, chiếm 7% diện tích thành phố (theo quy định tối thiểu phải đạt 15%), chỉ đáp ứng 40% lượng phương tiện giao thông đăng ký.
Theo ông Cường, mục tiêu trực tiếp của việc thu phí lưu thông đối với một số phương tiện cá nhân là khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng; mục tiêu gián tiếp là tạo kinh phí để bù đắp một phần cho việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông.
"Kinh nghiệm các nước như Singapore và Thuỵ Điển cho thấy việc áp dụng biện pháp này có hiệu quả, giúp giảm được tình trạng ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, đây là loại phí mới, chưa nằm trong danh mục phí và lệ phí hiện hành, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho ý kiến", ông nói.
Hà Nội muốn thu phí lưu thông để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế tắc đường. Ảnh: Hoàng Hà. |
Về áp dụng mức xử phạt tiền cao hơn đối với một số hành vi vi phạm hành chính ở nội thành, Bộ trưởng Hà Hùng Cường lý giải tình trạng lấn chiếm đất đai, xâm lấn công trình văn hoá, vi phạm quy định về xây dựng, cư trú đang phổ biến ở Hà Nội, đòi hỏi phải có biện pháp hành chính nghiêm để xử lý. Trong khi đó, pháp lệnh và các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính chưa tính đến đặc thù quản lý đô thị ở thành phố lớn, đông dân như Hà Nội, TP HCM.
"Việc cho phép áp dụng mức phạt cao hơn trong các lĩnh vực nêu trên là cần thiết, có ý nghĩa răn đe, chấn chỉnh công tác quản lý đô thị và đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thủ đô", Bộ trưởng Cường khẳng định.
Thẩm tra dự luật, Ủy ban Pháp luật cho rằng lập luận trên chưa thuyết phục. "Phải chăng ý thức chấp hành pháp luật trên địa bàn thủ đô kém hơn các nơi khác nên phải áp dụng mức xử phạt cao hơn? Tại sao lại chỉ tăng mức phạt trong 6 lĩnh vực mà không phải tất cả các lĩnh vực? Mặt khác nếu đặt vấn đề răn đe đối với hành vi vi phạm hành chính thì tại sao lại không áp dụng hình phạt nặng hơn đối với hành vi phạm tội hình sự, bởi vì xét về tính chất nguy hiểm cho xã hội hơn rất nhiều", Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Thuận đặt hàng loạt câu hỏi.
Việc đặt ra mục đích áp dụng mức phí cao hơn so với mức phí chung của cả nước là để có kinh phí dành cho đầu tư bảo vệ môi trường và xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông như tờ trình của Chính phủ là không thuyết phục. Bởi lẽ nhu cầu cải tạo, nâng các cấp công trình giao thông là nhu cầu chung của các tỉnh thành, không riêng Hà Nội. Mặt khác, mục đích của việc thu phí là để trang trải các chi phí thực hiện việc cung cấp dịch vụ, cho nên mức thu phí phải tính đúng, tính đủ một cách hợp lý chứ không thể nâng cao mức thu phí vì mục đích khác.
Ngoài ra, Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng một số tồn tại trong xây dựng, quản lý và phát triển thủ đô thời gian qua có nguyên nhân công tác thi hành pháp luật chưa nghiêm, chẳng hạn các vấn đề như: ô nhiễm môi trường, ngập lụt, ách tắc giao thông, sự xuống cấp của cảnh quan đô thị, tình trạng cải tạo nhà cổ, biệt thự cũ không chặt chẽ, giải phóng mặt bằng chậm, sự gia tăng dân cư do cho xây dựng nhiều nhà cao tầng trong nội thành, tình trạng lấn chiếm đất công, xây dựng công trình sai phép, không phù hợp quy hoạch…
"Những nguyên nhân này cần sớm có giải pháp khả thi để khắc phục, nhưng trước hết và chủ yếu là cần chấn chỉnh, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành pháp luật chứ không phải là sửa đổi thể chế dưới hình thức ban hành cơ chế, chính sách đặc thù", Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh.
Dự thảo luật thủ đô sẽ được thảo luận tổ vào chiều 6/11 và tại hội trường vào sáng 16/11.
Hồng Khánh