Sáng 9/5, Bộ GD&ĐT tổ chức đón đoàn học sinh dự thi Olympic Vật lý châu Á trở về từ Ấn Độ. Ở mùa thi này, Việt Nam đã đại thắng với huy chương vàng thuộc về Lê Huy Quang (lớp 12 THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa), năm huy chương bạc của Đinh Ngọc Hải (lớp 12 THPT chuyên Biên Hòa, Hà Nam), Đinh Việt Thắng (lớp 12 THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định), Ngô Phi Long (lớp 11 THPT chuyên Sơn La), Trần Tấn Hoàng Bảo (lớp 12 THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng) và Nguyễn Đình Vĩnh Thanh (lớp 12 THPT chuyên Vĩnh Phúc).
Hai học sinh Bùi Xuân Hiển (lớp 12 THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định) và Trần Đức Dũng (lớp 12 THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH KHTN, ĐH Quốc gia Hà Nội) giành huy chương đồng.
Chủ nhân huy chương vàng Lê Huy Quang cho biết, không bất ngờ vì kết quả này. Khi làm bài thi ở cả hai phần lý thuyết và thực hành cậu đã làm rất tốt. Đề thi không phải là quá khó, nhưng cũng không dễ để giành điểm tuyệt đối. "So với các bạn thì chúng em có yếu hơn phần thực hành, nhưng khả năng ngoại ngữ thì không thua kém ai", Quang cho hay.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục, người thân, thầy cô và các bạn cùng lớp có mặt từ rất sớm ở sân bay để đón đoàn Vật lý trở về. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Đinh Việt Thắng (THPT chuyên Lê Hồng Phong) lại tỏ ra tiếc nuối vì mất điểm hoàn toàn một bài thực nghiệm, dù bài đó được đánh giá là dễ. "Em chỉ thiếu 0,9 điểm nữa là được huy chương vàng", Thắng nói.
Là học sinh lớp 11 duy nhất đoạt huy chương, Ngô Phi Long (THPT chuyên Sơn La) từng học chuyên Toán cấp 2. Nhưng do yêu môn Lý, Long đã thuyết phục bố mẹ cho học chuyên môn này khi lên cấp 3. Vượt lên điều kiện khó khăn của một tỉnh vùng cao, Long là học sinh đầu tiên giành huy chương bạc Olympic Vật lý Châu Á ở tỉnh Sơn La.
Thầy Nguyễn Thế Khôi, giảng viên khoa Vật lý ĐH Sư phạm Hà Nội, Trưởng đoàn Việt Nam tại kỳ thi Olympic Vật lý châu Á cho biết, để đạt được kết quả trên, đoàn đã có nhiều thuận lợi. Trước hết là việc Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi quốc gia sớm tạo điều kiện cho đội tuyển thi Olympic châu Á có nhiều thời gian ôn luyện, và ĐH Sư phạm Hà Nội đã tạo điều kiện tốt nhất cho đội tuyển ôn thi.
"Những năm trước chúng tôi chỉ có 1-2 tuần ôn luyện, nhưng năm nay được 2 tháng. Nếu như năm ngoái chỉ dành 2 huy chương đồng, 3 bằng khen thì kết quả năm nay khác hẳn. Tôi mong rằng những năm tiếp theo Bộ vẫn tổ chức thi quốc gia sớm như năm nay", thầy Khôi đề nghị.
8 học sinh giành huy chương Olympic Vật lý châu Á nhận giải thưởng khi vừa về đến sân bay Nội Bài. Ảnh: Hoàng Thùy. |
10 làm trưởng đoàn dẫn học sinh đi thi Vật lý tại các đấu trường khu vực và quốc tế, thầy Khôi đánh giá, so với các nước thì học sinh Việt Nam không hề thua kém về trình độ. Ngoài một số khó khăn mang tính khách quan như khí hậu, thức ăn thì không có gì làm khó thí sinh Việt.
"Năm nay chúng ta xếp thứ tư trên tổng số 21 nước tham dự. Trung Quốc là đội mạnh nhưng cũng chỉ có 7 huy chương và một bằng khen. Tôi hy vọng những người làm Vật lý lớn tuổi sẽ đào tạo đội ngũ trẻ để phát triển nền Vật lý nước nhà, đặc biệt là chú trọng việc đào tạo từ cấp dưới", thầy Khôi nói.
Đánh giá cao kết quả mà đoàn Vật lý của Việt Nam đã làm được, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý cho biết, Bộ đang có chương trình phát triển Vật lý đến năm 2020. Tương tự như Toán học có Viện nghiên cứu cao cấp, trong thời gian tới, mô hình trên sẽ được áp dụng cho Vật lý.
Học sinh dự thi Olympic Vật lý Châu Á sẽ phải trải qua hai bài thi gồm lý thuyết (5 giờ) và thực hành (hai bài mỗi bài 2,5 giờ). Sau ngày thi lý thuyết, học sinh được nghỉ một ngày để các thầy cô thảo luận và dịch đề, sau đó thi thực hành vào ngày hôm sau. Các bài đều có biểu điểm, ban tổ chức chấm xong sẽ photo rồi gửi lại cho giáo viên từng đoàn chấm lại. |
Hoàng Thùy