Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án môn Lịch sử, một số giáo viên dạy Sử THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) đã chỉ ra những bất hợp lý. Thầy giáo Nguyễn Trung Hiếu cho rằng, một số nội dung và thang điểm trong đáp án chưa thật chính xác và học sinh giỏi khó có thể đạt được điểm cao nếu giám khảo chấm máy móc theo đáp án của Bộ.
Cụ thể, ở câu 1 (2 điểm) "cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp đã tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam?", theo thầy Hiếu, đáp án Bộ công bố có nhiều bất hợp lý nhất từ nội dung đến cấu trúc thang điểm. Đề yêu cầu trình bày những tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai đối với kinh tế Việt Nam nhưng đáp án chủ yếu là nêu nội dung cơ bản của chương trình khai thác thuộc địa về kinh tế với 3 ý cơ số điểm là 1,5 điểm. Còn nội dung chính của câu hỏi là phần tác động thì chỉ có 0,5 điểm, trong khi giáo viên Lịch sử này cho rằng, "ý này nên cho 1,5 điểm".
Về nội dung kiến thức của câu 1, đáp án chỉ yêu cầu thí sinh trình bày tác động tiêu cực. Tuy nhiên, hầu hết giáo viên và học sinh khá môn Lịch sử đều cho rằng, khi trình bày sự tác động thông thường phải nêu được 2 vế là tác động tích cực và tác động tiêu cực thể hiện như thế nào, mức độ tác động đó về mặt tích cực thì cái nào là cơ bản, cái nào là không cơ bản...
Thí sinh trao đổi bài sau giờ thi đại học tại Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ở câu 2: (2 điểm) "Từ năm 1919 đến năm 2000, lịch sử Việt Nam đã trải qua những thời kỳ nào? Khái quát nội dung chính của thời kỳ lịch sử diễn ra sự kiện quân và dân ta đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của Pháp". "Tôi nghĩ, phần nội dung kiến thức cũng như cơ số điểm đáp án dành cho ý này (0,5 điểm) chưa thật chính xác. Đáng lẽ, đáp án cần phải yêu cầu thí sinh nêu và trình bày ngắn gọn nội dung hoặc nhiệm vụ cơ bản nhất của lịch sử Việt Nam qua 5 thời kỳ: 1919-1930, 1930-1945, 1945-1954, 1954-1975, 1975-2000. Khi đó, số điểm dành cho ý này là 1 điểm sẽ phù hợp hơn", thầy Hiếu nêu.
Câu 3: (3 điểm ): "Cuối tháng 3.1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã có quyết định gì để hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam? Quyết định đó được đề ra dựa trên những cơ sở nào? Tóm tắt diễn biến của chiến dịch Hồ Chí Minh (5.1975). Thầy giáo Trần Trung Hiếu cho rằng, đề thi đã xác định rõ mốc thời gian là "cuối tháng 3.1975" nên không thể đòi hỏi thí sinh trình bày sự kiện Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng cuối năm 1974 - đầu năm 1975 như đáp án (0,5 điểm).
Câu 4a (chương trình chuẩn) yêu cầu "Khái quát chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong thời kỳ Chiến tranh lạnh". Thầy Hiếu lập luận, thứ nhất, đáp án xác định mốc thời gian kết thúc Chiến tranh lạnh đến năm 1989 là chưa chặt chẽ. Sách giáo khoa Lịch sử 12 chương trình nâng cao (bài 10, trang 92) khẳng định "tình trạng Chiến tranh lạnh chỉ thực sự kết thúc sau khi Liên bang Xô Viết tan rã, trật tự hai cực không còn nữa", tức năm 1991.
Thứ hai, đáp án xác định thời gian kết thúc Chiến tranh lạnh là năm 1989 nhưng vẫn nêu Học thuyết Kaiphu (do Thủ tướng Khaiphu đưa ra năm1991) là chưa chuẩn. Sai sót này đã được Bộ GD&ĐT điều chỉnh lại trong đáp án mới. Thứ ba, khi trình bày chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, bên cạnh sự duy trì quan hệ với Mỹ và Tây Âu, đường lối đối ngoại quan trọng của Nhật là "sự trở về châu Á" (đặc biệt là với Đông Nam Á) là một nội dung cơ bản nhưng lại không được đề cập trong đáp án.
Thứ tư, đáp án của Bộ có đoạn: "Tuy vậy, phong trào nhân dân Nhật Bản chống Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật lên cao, phong trào chống chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và các cuộc đấu tranh theo mùa... luôn diễn ra mạnh mẽ". Tuy nhiên, thầy Hiếu cho rằng, nội dung trên không thuộc chính sách đối ngoại của Chính phủ Nhật Bản mà kiến thức này nằm trong ý tình hình chính trị - xã hội. Phần đáp án nhầm lẫn này sau đó cũng được Bộ Giáo dục điều chỉnh.
Còn câu 4b (chương trình nâng cao) "Từ năm 1950 đến năm 2000, vị thế ngày càng nâng cao trên trường quốc tế của Ấn Độ được thể hiện như thế nào trên lĩnh vực kinh tế, khoa học-kỹ thuật và chính sách đối ngoại".
Đáp án của bộ nêu: "Từ năm 1950, Ấn Độ đã thực hiện nhiều kế hoạch dài hạn, đạt được nhiều thành tựu to lớn trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học- kỹ thuật, đối ngoại, đã từng bước nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế". Theo phân tích của các giáo viên Lịch sử, đáp án của ý này (0,5 điểm ) khá lộn xộn và thừa.
Ngày 15/7, dù Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh một số nội dung sai, thừa ở câu 4a của đáp án nhưng theo thầy giáo Trần Trung Hiếu và một số giáo viên, đáp án của các câu hỏi khác "đều đang có vấn đề".
"Với những lỗi sơ suất, sai sót về đáp án nêu trên, nếu Hội đồng chấm thi của các trường không kịp thời điều chỉnh và linh hoạt trong quá trình chấm thì rất nhiều thí sinh khá, giỏi sẽ khó đạt điểm cao và mất 2 - 2,5 điểm. Đáp án trên không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng và kết quả bài làm của thí sinh mà còn sẽ gây ra nhiều hiệu ứng và hệ lụy khác", thầy giáo Nguyễn Trung Hiếu khẳng định.
Trung Thu - Nguyên Khoa