Chiều 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học qua việc xem xét báo cáo của 351 trường và khảo sát trực tiếp tại 51 trường trên cả nước.
Theo đó, 11 năm gần đây, việc dễ dãi thành lập mới, nâng cấp hơn 300 CĐ, ĐH trong khi các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và đội ngũ giảng viên không bảo đảm, dẫn đến chất lượng đào tạo thấp, nhất là các trường ngoài công lập, trường địa phương. Điều này không đảm bảo chất lượng đào tạo, gây bức xúc dư luận.
Nhiều trường mới mở chưa có đất đai, địa điểm, cơ sở vật chất cũng như giảng viên nhưng đã được tuyển sinh và tổ chức đào tạo mà không bị xử lý. Giảng viên cơ hữu của các trường ngoài công lập còn thiếu và đa số là cán bộ về hưu.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, số sinh viên đến từ nông thôn, miền núi chiếm gần 65% tổng số sinh viên cả nước. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho hay, năm 1998-2004, tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học là gần 18.000 tỷ đồng (chiếm 12% tổng chi cho GD&ĐT). Và năm 1995-2009, chi cho giáo dục đại học tăng lên đến gần 33.000 tỷ đồng.
Mặc dù tổng thu học phí năm 2009 của các ĐH, CĐ công lập ước đạt 4.100 tỷ đồng nhưng ông Thi cho rằng, do quy mô tăng nhanh trong khi học phí thấp nên ngân sách nhà nước và nguồn thu học phí vẫn chưa bảo đảm được yêu cầu mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Báo cáo chỉ rõ, từ năm 1987 đến 2009, số sinh viên cả nước tăng 13 lần nhưng số giảng viên chỉ tăng 3 lần. Trong số 61.000 giảng viên mới có hơn 6.200 tiến sĩ, gần 23.000 thạc sĩ và gần 2.300 PGS, GS, còn lại là trình độ cử nhân. Chính việc thiếu hụt giảng viên đã khiến không ít thầy cô "chạy sô" dạy tới 1.000 tiết một năm, trong khi chuẩn quy định là 260 tiết một năm.
Dù nhà nước cấp kinh phí định mức để duy trì hoạt động của các trường công lập là 6 triệu đồng cho một sinh viên trong một năm nhưng theo ông Thi, do số lượng sinh viên tuyển vào trường vượt gấp nhiều lần chỉ tiêu được cấp nên suất đầu tư thực tế từ ngân sách cho mỗi sinh viên chỉ đạt 2,5-3 triệu đồng.
"Nếu gộp cả học phí theo mức tối đa trong hàng chục năm qua là 1,8 triệu đồng một năm thì suất đầu tư mới đạt khoảng 200 USD một năm", ông Thi nhấn mạnh.
Đề cập tới chất lượng, nguyên Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Đào Trọng Thi cho rằng, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp và đạt loại giỏi quá cao, chưa phản ánh đúng thực chất chất lượng đào tạo, trong khi phương pháp chủ yếu của giảng viên vẫn là thuyết trình, áp đặt, buộc học viên phải ghi nhớ một cách máy móc, ít có sự tương tác giữa người dạy và người học.
Suất đầu tư cho mỗi sinh viên hiện đạt khoảng 200 USD một năm. Ảnh: Hoàng Hà.
Trước băn khoăn của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn về tình trạng ồ ạt thành lập các trường cao đẳng nghề,
ông Thi cho biết, theo nghị quyết của Quốc hội, giáo dục đại học không bao gồm giáo dục nghề nên các trường cao đẳng nghề không nằm trong phạm vi giám sát lần này.Tuy nhiên ông Đàn bức xúc: "Thành lập trường cao đẳng nghề hiện quá giản đơn. Việc buông lỏng này chính là coi thường chất lượng đào tạo. Tôi biết các tổ chức đoàn thể chính trị địa phương cũng thành lập cao đẳng nghề".
Theo ông Đàn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tiếp tục giám sát để cung cấp thêm số liệu về cao đẳng nghề cũng như đề nghị Quốc hội xem lại cách quản lý các trường cao đẳng nghề bởi hiện nay, toàn bộ mảng này vẫn do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.
Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận bày tỏ: "Tỉnh nào cũng có trường đại học, ngành nào cũng có trường đại học. Vậy hướng quản lý trường đại học thế nào? Để quản lý thống nhất thì nên chuyển tất cả các trường về Bộ GD&ĐT, không thể để ngành nào cũng có trường".
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng cần cân nhắc việc có nên tiếp tục cho các tỉnh thành lập trường ĐH, CĐ không. "Thực tiễn cho thấy, đối với một tỉnh, đầu tư một trường đã khó nhưng để quản lý nó lại còn khó hơn. Theo tôi, không nên cho các tỉnh thành lập mà nên kêu gọi nguồn lực khác xây dựng trường", ông Thuận chia sẻ.
Đồng ý với các hạn chế nêu trên nhưng TS Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ bổ sung một nguyên nhân nữa là, một số cơ quan nhà nước làm không nghiêm túc việc tuyển dụng nên nhờ chỗ thân quen, sinh viên kém lại tìm được việc làm còn sinh viên giỏi thì thất nghiệp.
"Nếu làm đúng, chỉ người giỏi mới vào được, thì chắc chắn chỉ vài năm sau, các trường đào tạo kém khiến sinh viên không tìm được việc sẽ phải đóng cửa", ông Minh nói thêm.
Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho hay, thời gian dài Bộ giáo dục không quy định các trường phải nghiên cứu nhu cầu người sử dụng và công bố tốt nghiệp ngành này phải có kỹ năng gì, làm ở đâu... Mãi tới năm 2008, Bộ mới yêu cầu các trường phải công bố chuẩn đầu ra.
"Chúng ta cần chất lượng đào tạo hay bằng đại học? Để đổi mới chất lượng đại học phải xác định giáo dục đại học vì người học, vì xã hội, vì uy tín nhà trường thì mới làm được... Hai tháng nay Bộ Giáo dục đã bắt đầu thực hiện việc này", ông Nhân nói.
Trong 11 năm (1998-2009) đã có 312 ĐH, CĐ được thành lập, nâng cấp. Đến tháng 9/2009, cả nước có 412 ĐH, CĐ, trong đó 77 trường ngoài công lập. Với hơn 1,7 triệu sinh viên, quy mô đào tạo năm 2008-2009 tăng gấp 13 lần năm 1987. Hiện, 40/63 tỉnh thành có trường đại học, 60 địa phương có trường cao đẳng. Việc thành lập, nâng cấp này đã giúp thu hút học sinh vùng khó khăn. Bình quân 5 năm (2004-2008), tỷ lệ thí sinh trúng tuyển ĐH, CĐ chính quy có hộ khẩu tại vùng cao, miền núi, kinh tế khó khăn là 26%, số sinh viên nông thôn và miền núi là gần 65% và số sinh viên nữ là gần 52% so với tổng số sinh viên trúng tuyển. |
Tiến Dũng