Theo ông Hứa Ngọc Thuận, việc tạm đình chỉ chức vụ Chủ tịch HĐQT và Hiệu trưởng ĐH Hùng Vương nhằm tập trung kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân có liên quan theo kết luận của Thanh tra thành phố.
UBND thành phố cũng giao Hội đồng Quản trị ĐH Hùng Vương cử thành viên khác tạm thời điều hành hoạt động của trường cho đến khi kiểm điểm và xử lý xong trách nhiệm các cá nhân liên quan.
Ngoài ra, UBND thành phố cũng có văn bản kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét tạm ngừng tuyển sinh đại học và cao đẳng năm học 2012 đối với ĐH Hùng Vương để tập trung chấn chỉnh, củng cố và kiện toàn tổ chức bộ máy nhân sự cũng như công tác quản lý.
Mâu thuẫn trong nội bộ ban lãnh đạo Đại học Hùng Vương khiến thanh tra thành phố phải vào cuộc. Ảnh: B.H. |
Trước đó, Thanh tra thành phố đã kết luận, quá trình điều hành và thành lập thủ tục chuyển đổi sang loại hình trường đại học tư thục của trường có nhiều sai sót dẫn đến mâu thuẫn nội bộ ngày càng nghiêm trọng nhưng không có hướng giải quyết.
Qua thanh tra cho thấy, ông Đặng Thành Tâm ký ban hành các văn bản với tư cách Chủ tịch Hội đồng quản trị ở những thời điểm trước ngày 14/6/2011 (ngày có quyết định của UBND TP HCM công nhận chức danh của ông Tâm) là chưa đủ cơ sở pháp lý. Thời gian này ông chưa được công nhận là Chủ tịch HĐQT.
Kết luận của thanh tra cũng cho thấy, mặc dù được thành lập từ năm 1995 nhưng đến 5/2008, hiệu trưởng ĐH Hùng Vương mới đăng ký kê khai nộp thuế. Trường đã bị truy thu và phạt thuế hơn 5,5 tỷ đồng (trong đó thuế truy thu là 3,7 tỷ và tiền phạt thuế hơn 1,7 tỷ đồng). Ngoài việc nợ thuế, ĐH Hùng Vương còn không kê khai số tiền hơn 6,5 tỷ đồng là doanh thu từ năm học 2007-2008 đến nay.
Ngoài ra, nhà trường đã không lập thủ tục miễn nhiệm hiệu trưởng trước khi bổ nhiệm quyền hiệu trưởng mới, dẫn đến có một thời gian trường có cả hiệu trưởng và quyền hiệu trưởng. Năm học 2009, trường tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu hệ cao đẳng chính quy dẫn đến vượt quá hơn 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng được giao.
ĐH Hùng Vương được thành lập từ năm 1995 theo quyết định của Thủ tướng. Đến năm 2006, trường được chuyển từ hình thức dân lập sang tư thục có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng. Hiện nay, trường có hơn 9.000 học sinh, sinh viên theo học với tổng số giảng viên, cán bộ, nhân viên là 317. Trường có 10 ngành đào tạo đại học, 8 ngành đào tạo cao đẳng với các hình thức gồm chính quy, vừa học vừa làm, văn bằng 2, liên thông... |
Tá Lâm