Sáng 11/3, ngày hội tư vấn tuyển sinh 2012 do báo Tuổi trẻ TP HCM phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Ban tư vấn tuyển sinh nhóm ngành kỹ thuật, y dược, nông lâm gồm Cục trưởng Khảo thí Ngô Kim Khôi, Hiệu trưởng ĐH Quốc tế (ĐHQG TP HCM) Hồ Thanh Phong, Hiệu phó ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) Nguyễn Việt Hà, Phó ban đào tạo ĐHQG Hà Nội Vũ Viết Bình, Hiệu phó ĐH Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tú và Trưởng phòng đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội Hoàng Minh Sơn đã trả lời nhiều thắc mắc của thí sinh.
- Thưa thầy cô, những ngành kỹ thuật nào hiện nay dễ tìm được việc làm sau khi ra trường?
- Các ngành kỹ thuật hiện giờ không khó xin việc nhưng không dễ để có những việc tốt. Việc làm tốt ở đây là công việc có lương cao, gần nhà, ở nơi thuận lợi. Nếu muốn có việc tốt thì cần phải học tốt, phải có kỹ năng. Tuy nhiên, sinh viên ngành kỹ thuật có hạn chế là làm tốt nhưng nói chưa tốt, kỹ năng mềm ít được trang bị.
Những ngành có nhu cầu nguồn nhân lực rất lớn đến 2015 đã được ĐH Quốc tế thống kê bao gồm: Kỹ thuật điện, kỹ thuật điện tử, kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật hóa, kỹ thuật thực phẩm, công nghệ sinh học, kỹ thuật môi trường, kỹ thuật y sinh, kỹ thuật giao thông vận tải...
Ban tư vấn tuyển sinh nhóm ngành Kỹ thuật, Y dược, Nông lâm. Ảnh: Hoàng Thùy. |
- Hiện ngành kinh tế đang trở thành lựa chọn của nhiều thí sinh, vậy ngành kỹ thuật làm thế nào để thu hút học sinh?
- Đất nước đang phát triển và muốn phát triển thì phải làm ra của cả vật chất, mà kỹ thuật góp phần quan trọng trong việc này. Nếu các bạn học kỹ thuật giỏi, ở những trường tốt thì cơ hội việc làm khi ra trường rất cao.
- Em thích ngành điện thì nên thi ĐH Điện lực hay ĐH Công nghiệp và nên thi ngành nào?
- Ngành điện thì có kỹ thuật điện, điện tử và điện tử viễn thông và kỹ thuật điều khiển và tự động hóa. Việc lựa chọn thi vào đâu các em phải suy nghĩ kỹ. Trước hết tham khảo điểm chuẩn của các ngành ở từng trường, sau đó xem cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ ở trường. Em nên vào trang web từng trường để khảo sát.
- Em đang học đại học nhưng em muốn thi một trường khác, vậy em có cần xin ý kiến của trường đang học hay không?
- Có hai cách để em lựa chọn. Thứ nhất là xin nghỉ học, rút hồ sơ và không cần phải báo cáo với trường việc thi đại học. Còn nếu như em vẫn muốn "bắt cá hai tay" để cho chắc chắn thì em phải có giấy xin phép dự thi đại học có chữ ký của đại diện trường (hiệu trưởng hoặc trường phòng đào tạo) nơi em đang theo học.
- Năm nay Bộ Giáo dục mở thêm khối A1, em muốn hỏi các trường kỹ thuật có trường nào thêm khối này không?
- Có rất nhiều trường như ĐH Bách khoa Hà Nội có mở cho các nhóm ngành 1, 2, 5, 6; ĐH Bách Khoa TP HCM cũng thế, rồi ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội)... Em có thể tìm hiểu và lựa chọn trường phù hợp cho mình.
- Em muốn học ngành nông lâm thì mai sau ra trường em làm nghề gì và có kiếm được nhiều tiền không?
- Nếu em đam mê về nông lâm thì đăng ký thi vào ĐH Nông nghiệp Hà Nội hoặc ĐH Lâm nghiệp. Em vào website của hai trường này em sẽ tìm hiểu được các ngành cụ thể.
Hai ngành này có rất nhiều cơ hội kiếm tiền, để phục vụ xã hội, cộng đồng, gia đình và bản thân. Chúng ta biết ngành nông nghiệp hiện được nhà nước đầu tư rất nhiều để tăng năng suất nông nghiệp, còn lâm nghiệp cũng là một trong những ngành nhà nước đang quan tâm đầu tư phát triển.
Học sinh tham dự ngày hội tư vấn để được giải đáp thắc mắc. Ảnh: Hoàng Thùy. |
- Em muốn thi vào ĐH Bách khoa ngành CNTT, nếu không đủ điểm em có được chuyển xuống học hệ khác không?
- Em xem trong nhóm ngành 2 của trường có nhiều mã ngành. ĐH Bách khoa thì chưa xác định điểm chuẩn cho mã ngành ngay từ đầu nên em có thể đăng ký bất cứ ngành nào trong nhóm mã ngành 2.
Để có cơ hội vào học trong chương trình ngành CNTT, khi có giấy báo dự thi các em có thể đánh dấu vào lựa chọn của mình. Chúng tôi còn có hệ cử nhân công nghệ đào tạo 4 năm thiên về ứng dụng. Và em không đỗ đại học thì đăng ký cao đẳng, chi tiết sẽ được hướng dẫn trong giấy báo dự thi.
- Em dự định thi vào ĐH Bách khoa nhưng đang băn khoăn giữa hai ngành cơ điện tử và chế tạo máy, em nên chọn ngành nào và cơ hội nghề nghiệp sau này ra sao?
- Cơ điện tử là một khái niệm không dễ hiểu, đó là ngành khoa học tổng hợp liên ngành của cơ khí chính xác, điện tử, điều khiển có phần công nghệ thông tin trong đó. Để thiết kế chế tạo sản phẩm thì phải học nhiều thứ. Sản phẩm cơ điện tử hiện nay rất phổ biến từ robot, camera... Công nghệ chế tạo máy thì thiên về chế tạo sản phẩm máy móc cơ khí.
Khi em đăng ký thì có thể lựa chọn bất cứ ngành nào ở nhóm 1. Khi đỗ vào rồi sẽ được thầy cô tư vấn rất kỹ về việc lựa chọn ngành, cuối năm thứ nhất các em mới phải quyết định. Còn nói về cơ hội việc làm với các em thời điểm này có lẽ hơi sớm.
- Nếu em thi ngành Kỹ thuật công trình nhưng chỉ đạt 17 điểm, trong khi ngành đó lấy 17,5 điểm thì em có được chuyển sang ngành khác không?
- Việc này tùy thuộc vào quy định của mỗi trường. Có một số trường có điểm sàn chung, nếu thí sinh có điểm thi đạt bằng hoặc trên sàn nhưng không đỗ vào ngành đã chọn thì có thể được phép chuyển sang ngành khác. Nhưng có những trường xác định điểm chuẩn theo ngành và không cho phép chuyển từ ngành này sang ngành khác.
- Em có thể đăng ký học ngành Công nghệ sinh học ở đâu và cơ hội việc làm của ngành này có nhiều không?
- ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) có ngành công nghệ sinh học tuyển sinh khối B, A1. Thế kỷ 21 là thế kỷ của công nghệ sinh học nên khi tốt nghiệp các em có thể làm việc ở nhiều nơi trong và ngoài nước.
- Em có thể học hai trường, một trường khối A một trường khối D không?
- Nếu em có khả năng học được thì cũng không sao. Nhưng tôi khuyên là em nên tập trung học một trường. Hiện nay nhiều trường đào tạo tín chỉ nên nếu thu xếp tốt em có thể học được hai ngành cùng một trường, như thế có thể tiết kiệm được thời gian.
- Em đỗ vào Bách khoa nhưng chỉ muốn học cử nhân 4 năm chứ không học kỹ sư 5 năm có được không?
- Hiện nay ĐH Bách khoa có chương trình đào tạo 4+1, 4 năm là cử nhân kỹ thuật và thêm 1 năm lấy bằng kỹ sư, đào tạo chuyên sâu theo ngành hẹp. Tuy nhiên, học kỹ sư khi ra trường có thể không làm đúng chuyên ngành, như vậy thì rất lãng phí.
Cử nhân kỹ thuật là ngành rộng tức là kỹ thuật điện tử và tự động hóa. Sau khi học cử nhân kỹ thuật sinh viên có thể ra ngoài đi làm, khi biết được mình chuyên sâu lĩnh vực gì thì có thể lựa chọn để học tiếp. Chương trình của hệ cử nhân và kỹ sự giống nhau hoàn toàn ở 7 học kỳ đầu, sau đó sinh viên có thể lựa chọn học tiếp hay không. Sau khi có bằng, các em có thể học thạc sỹ, nếu là cử nhân thì học thêm 2 năm, kỹ sư thì 1 năm. Em yên tâm là con đường nào cũng dẫn đến đích.
Ngày hội tư vấn tuyển sinh do báo Tuổi trẻ TP HCM phối hợp với Bộ GD&ĐT, Sở Giáo dục các tỉnh, các trường đại học tổ chức. Đây là chương trình thường niên được tổ chức đến nay tròn 10 năm. Năm nay, chương trình tổ chức ở 16 tỉnh thành, với gần 100.000 học sinh, phụ huynh tham gia. |
Hoàng Thùy