* Clip: Học sinh TP HCM nô nức trong ngày khai giảng |
Xin phép đi làm muộn để dự lễ khai giảng cùng con tại Tiểu học Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), vợ chồng chị Lê Minh cho biết, đây là ngày trọng đại với cậu con trai nên anh chị không thể vắng mặt. Hôm qua, chị lo ủi quần áo, mua cờ cho con, còn chồng chị phụ trách sạc pin máy ảnh để ghi lại khoảnh khắc con vào lớp 1.
"6h sáng tôi đã gọi con dậy chuẩn bị đi khai giảng. Thay vì mè nheo như mọi ngày, cháu vui vẻ dậy đánh răng, rửa mặt để tới trường, tâm trạng phấn khởi lắm", chị Minh vui vẻ nói về cậu con trai.
Các học sinh mới của Tiểu học Tây Sơn (Hà Nội) được diễu hành trước trường. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đứng gần vị trí lớp của con gái tên Linh, chị Ngọc luôn miệng nhắc con "quay lên sân khấu, ngồi thẳng lưng" khi cô bé cứ quay về phía mẹ nhõng nhẽo. Thi thoảng Linh còn gọi: "Mẹ ơi con khát nước!... Mẹ ơi, cho con hộp sữa..." khiến chị phải chạy lên dỗ dành.
Chị tâm sự, bình thường cháu rất ngoan, gần một tháng học hè trước khai giảng bố mẹ cứ đưa đến lớp rồi về đi làm mà cháu không hề quấy khóc. Nhưng hôm nay có mẹ ở bên là Linh lại "quấy".
Khoảng 7h45 phút, hàng trăm học sinh lớp 1 chia thành hàng theo từng lớp được cô giáo chủ nhiệm dẫn đi một vòng quanh sân trường ra mắt các anh chị lớp lớn. Trên tay cầm lá cờ đỏ tươi, khuôn mặt các em bỡ ngỡ, hồn nhiên trong nắng sớm.
Gương mặt buồn buồn, bé Nguyễn Gia Phong (6 tuổi, ở Nghĩa Tân) cho biết, sáng bố đưa em đến dự khai giảng, nhưng vì bận việc nên đã đi làm luôn. "Sáng nay con dậy sớm hơn mọi ngày để chuẩn bị cho buổi khai giảng. Con thấy lên lớp 1 thích hơn mẫu giáo vì trường rộng hơn, nhiều bạn bè và chúng con được các anh chị lớp trên chiều chuộng hơn", Phong nói.
Tại Đà Nẵng, sau hai ngày mưa lớn gây ngập úng, sáng nay thời tiết quang đãng hơn. Thức dậy từ 5h30, bé Quỳnh Anh (Tiểu học Hoàng Văn Thụ, quận Hải Châu) háo hức đến sớm và chạy tới chơi cùng các bạn. Cầm máy ảnh chụp lại khoảnh khắc con vào lớp 1, chị Tâm cho biết, hôm qua cháu cứ lo nếu trời mưa sẽ không được đi khai giảng.
Đứng nhìn con đùa nghịch với những người bạn mới, chị Phan Thị Tố Kim (đường Trần Cao Vân) tâm sự, dù đang mang bầu cháu thứ hai nhưng chị vẫn dậy từ 6h để nấu bữa sáng và chở con đi khai giảng. "Tối qua cháu điện thoại cho ông bà nội khoe sáng nay sẽ được đi dự khai giảng, rồi chuẩn bị quần áo, hoa và cờ từ tối để hôm sau đến trường không bị muộn", chị Kim nói.
Học sinh lớp 1 Tiểu học Ngô Quyền (Hà Nội) trong ngày khai giảng. Ảnh: Minh Phương. |
Trong tiết trời mát mẻ ở TP HCM, các em nhỏ bậc tiểu học xúng xính váy áo tung tăng chạy nhảy, cũng có em ngơ ngác và bỡ ngỡ. Nhiều phụ huynh dùng điện thoại, máy ảnh ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời con. Còn ở trường THPT, lễ khai giảng được chuẩn bị và tập dượt công phu nên diễn ra trong nghi thức khá trang trọng. Nữ sinh trong những tà áo dài duyên dáng, còn các bạn nam thì diện đồng phục quần âu áo trắng thanh lịch.
Không giống như những trường học khác, buổi khai giảng sáng nay trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu diễn ra khá giản dị. Không cờ, hoa, nhạc trống, các em chỉ đến dự để được nghe hiệu trưởng tổng kết thành tích đạt được trong năm học cũ và định hướng trong năm học mới.
Hiệu trưởng Hà Thanh Vân cho biết, vì các em đều khiếm thị hoặc bị đa tật nên nếu trường trang trí thật đẹp, các em cũng không cảm nhận được. Vì vậy, trường chỉ tổ chức khai giảng như một buổi gặp gỡ ấm cúng để các em nhớ đến ngày lễ của mình sau đó sẽ lên lớp như thông lệ.
Tại Bắc Giang, trong ngày đầu tiên của năm học mới, 100 học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn của THCS Tân Sơn, THCS Thạch Sơn, THPT Lục Ngạn 2 và THPT Sơn Động 3 được Công ty Canon tặng 100 chiếc xe đạp để các em có thể đến trường thuận tiện và an toàn hơn.
Ông Lại Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ, món quà này rất có ý nghĩa đối với các em trong việc khắc phục quãng đường xa (có em phải đi tới 10 km) để đến trường học tập. Còn ông Maeda Eiji, Giám đốc cấp cao Công ty Canon Việt Nam cho rằng, trẻ em là tương lai của mỗi quốc gia, và sự nghiệp giáo dục chính là sự nghiệp quan trọng nhất của nước nhà.
Học sinh THPT Lục Ngạn 2 nhận xe đạp mới trong ngày khai trường. Ảnh: Kim Ngọc. |
Theo dự báo của Bộ GD&ĐT, năm học này, cả nước có khoảng 20 triệu học sinh đến trường. Trong đó, hơn 4 triệu trẻ mầm non, 15 triệu học sinh phổ thông, hơn 610.000 học sinh TCCN và hơn 2 triệu sinh viên ĐH, CĐ.
Ngành giáo dục sẽ tập trung thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; công tác kế hoạch, tài chính và tăng cường cơ sở vật chất.
Bên cạnh đó, ngành sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thức XI về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục. Giáo dục mầm non phấn đấu thực hiện đúng lộ trình đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, mở rộng quy mô, mạng lưới, loại hình, thực hiện chương trình mầm non mới trên phạm vi toàn quốc.
Giáo dục phổ thông tập trung đổi mới kiểm tra, đánh giá, đổi mới phương pháp dạy học, hướng dẫn và thu hút nhiều học sinh tham gia nghiên cứu, sáng tạo khoa học. Còn giáo dục thường xuyên nâng cao nhận thức cho mọi người về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, đa dạng hóa nội dung, chương trình và hình thức học tập...
Ngành giáo dục cũng quyết tâm cùng với những cải cách giáo dục, sẽ thực hiện dạy chữ gắn với dạy người, rèn luyện kỹ năng tự học, tính tự lập, chủ động sáng tạo, ý chí phấn đấu vươn lên và khát vọng cống hiến cho học sinh. Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao khả năng ngoại ngữ, tin học và định hướng nghề nghiệp cho các em.
Ngày 31/8, trong bức thư gửi học sinh, thầy cô và phụ huynh nhân dịp năm học mới, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị cần tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý giáo dục; phát triển và nâng cao đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh; kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và xã hội... Ông nhấn mạnh, ngành giáo dục tập trung giải quyết một số vấn đề bức xúc như: dạy thêm học thêm không đúng quy định, hiện tượng lạm thu, thiếu trung thực trong thi cử, bạo lực học đường, vi phạm đạo đức nhà giáo...
Nhóm phóng viên